Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Phim “vượt rào” tham dự LHP quốc tế: Mọi “sân chơi” đều phải thượng tôn pháp luật

Thứ Sáu 23/07/2021 | 10:08 GMT+7

VHO- Luật Điện ảnh quy định phim dự thi quốc tế cần phải qua thẩm định và cấp phép của Cục Điện ảnh, nhưng trên thực tế nhiều nhà sản xuất vẫn ngang nhiên “tiền trảm, hậu tấu”, gửi phim dự thi rồi mới quay về chịu phạt và xin cấp phép. Tuy nhiên, lại có những ý kiến cho rằng, Luật Điện ảnh cần xem xét các quy định về kiểm duyệt hiện nay có còn phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh nền điện ảnh Việt Nam đang phát triển và hội nhập với thế giới.

 Ròm là một trong những bộ phim vượt rào tham dự LHP quốc tế khi chưa được cơ quan chức năng tại Việt Nam cấp giấy phép phổ biến

 Trước những góc nhìn trái chiều đó, nhiều chuyên gia điện ảnh khẳng định, bất cứ sân chơi nào cũng đều có luật định, bất kỳ ai khi bước vào sân chơi đó cũng phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Không phải “hoa hậu” là có thể “vượt đèn đỏ”

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, câu chuyện quản lý phim tham dự các LHP quốc tế khi chưa được cấp phép, đoạt giải rồi quay về chịu phạt, sau đó mới trình cơ quan có thẩm quyền như Vị vừa rồi, đến nay vẫn chưa có giải pháp quản lý đủ sức nặng. Phần lớn các trường hợp này đều là sản phẩm của các nhà làm phim độc lập, nhà làm phim trẻ. Để siết chặt quản lý, Bộ VHTTDL sẽ bổ sung những quy định pháp lý trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) với nhiều đề xuất tăng nặng hình thức răn đe như phim “vượt rào” thi chui tại các LHP quốc tế sẽ không được cấp phép phổ biến trong nước, hoặc đình chỉ, rút giấy phép có thời hạn, tùy thuộc mức độ vi phạm của nhà sản xuất, nhà làm phim...

Tuy nhiên, giằng co với quan điểm quản lý phim dự thi tại các LHP quốc tế, một số nhà sản xuất, nhà làm phim lại bày tỏ mong muốn gỡ bỏ rào cản thẩm định. Không đồng tình quan điểm này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, phim đưa ra ngoài biên giới nhất định cần được sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng để đảm bảo rằng bộ phim không xúc phạm dân tộc, đất nước, không xúc phạm thể chế. Mỗi quốc gia đều có sự khác biệt văn hoá, cho nên một bộ phim được phổ biến ở quốc gia này nhưng không được phép phổ biến ở quốc gia khác là chuyện bình thường.

Trường hợp phim Vị bị cấm chiếu tại Việt Nam nhưng lại được đón nhận ở nước ngoài, được trao giải tại hạng mục Encouters tại LHP Berlin 2021, từ đó cho rằng cơ quan quản lý nhà nước đã thiếu cởi mở, kéo lùi sự phát triển của điện ảnh. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã thẳng thắn: “Dân tộc nào, đất nước nào cũng có bản năng tự vệ văn hoá. Tôi nghĩ các nhà làm phim nên nhìn nhận lại vấn đề, đừng “chiều chuộng” những đôi mắt tò mò, định kiến của một bộ phận giám khảo nước ngoài. Lịch sử Việt Nam với những khúc mắc mang tính định mệnh đã tạo nên một dân tộc mềm mại, kiên cường như nước. Bản sắc ấy có dư địa vô cùng rộng lớn để khai thác và xây dựng những câu chuyện đẹp”.

GS.TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện cho rằng, mỗi quốc gia đều có những đặc thù và truyền thống văn hóa riêng. Cơ quan quản lý nhà nước luôn mong muốn tạo điều kiện tối đa cho các nhà làm phim phát triển, tuy nhiên sự tạo điều kiện đó nhất thiết phải căn cứ trên những quy định của pháp luật. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều phải tham gia đóng góp cho nền văn hóa dân tộc, cho đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thách thức. Phim Vị dù được giải ở nước ngoài nhưng không đáp ứng được những điều nói trên, chưa kể ở góc nhìn mỗi tác phẩm là một “sứ giả” quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam ra thế giới, thì Vị đã không hoàn thành sứ mệnh. “Mọi quyết định của Cục Điện ảnh, Hội đồng thẩm định đều được đưa ra trên cơ sở pháp luật. Bởi với quyết định đó, chúng tôi phải trả lời được câu hỏi của dư luận: Vì sao cấm? Cấm dựa trên những điều khoản nào?”, GS.TS Trần Thanh Hiệp khẳng định.

Nhìn ở một góc độ khác, việc đưa giải thưởng tại những LHP quốc tế như của Vị, Ròm ra để soi chiếu các hệ giá trị chuẩn mực của nền điện ảnh trong nước là khiên cưỡng. Các nhà làm phim cần rành rẽ hơn trong câu chuyện này, cần nhận thức tác phẩm của mình đạt chất lượng đến đâu, đang ở mức độ nào. Dù muốn hay không thì khi đã ở trong một “sân chơi” tất cả đều phải tuân thủ luật chung. “Hoa hậu đoạt được vương miện có xứng đáng hay không còn tùy vào con mắt của mỗi người, tác phẩm nghệ thuật cũng như vậy. Nhưng không thể nói đã là hoa hậu thì được vượt đèn đỏ. Đã sai là phải xử phạt!”, GS Trần Thanh Hiệp thẳng thắn. Trong câu chuyện này, Cục Điện ảnh, Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện đã rất thận trọng khi quyết định cấm phổ biến. Ngoài các thành viên của Hội đồng, Cục Điện ảnh đã mời các nhà quản lý văn hóa tư tưởng, nghệ sĩ, nhà báo... tham gia ý kiến trước khi đưa ra quyết định chính thức, vì vậy, không thể nói là thiếu tiêu chí đánh giá hay cảm tính.

Cần có chế tài đủ mạnh

Nếu không có những giải pháp, chế tài đủ mạnh, điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là dòng phim độc lập sẽ còn có những bộ phim khác ngang nhiên “tiền trảm, hậu tấu”. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ VHTTDL cần nêu rõ quan điểm, đồng thời khẩn trương đưa vào Luật những quy định đủ sức nặng để hành vi “vượt rào” không lặp lại. “Cần phải làm rõ hình phạt và chế tài xử lý nghiêm khắc như thế nào, nếu không thì “hàng rào” luật pháp của Nhà nước sẽ tiếp tục bị xem nhẹ. Không ít nhà sản xuất thậm chí còn chấp nhận chịu phạt mấy chục triệu và tìm mọi cách để có được giải thưởng tại các LHP quốc tế...”, Chủ tịch Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện nêu.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, việc các nhà làm phim “ngó lơ” quy định Luật Điện ảnh là một cách “cười nhạo” vào Bộ luật. Trên thực tế, hầu hết các phim Việt Nam dự các LHP quốc tế đều có giấy phép. Chẳng hạn, Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng là bộ phim đã “ẵm” về vô số giải thưởng ở các LHP quốc tế một cách đường hoàng, được cơ quan có thẩm quyền cho phép phổ biến. Bên cạnh đó, trước ý kiến cho rằng để có được giấy phép, nhiều bộ phim đã bị cắt gọt không ít, một số chuyên gia đã phản bác rằng góc nhìn này là thiếu thiện chí. Chúng ta đang sống và làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Các khái niệm Nhà nước pháp quyền hay nền văn minh của xã hội hiện đại mà chúng ta vẫn thường nhắc đến đều phải vận hành dựa trên cơ sở pháp luật. Nếu làm phim chỉ để chiếu ra nước ngoài thì hoàn toàn khác, nhưng một tác phẩm điện ảnh để đóng góp cho văn hóa Việt Nam, điện ảnh Việt Nam thì phải theo luật pháp Việt Nam. “Chúng ta đã có nhiều tác phẩm điện ảnh hấp dẫn, chất lượng, được trao những giải thưởng danh giá của các LHP quốc tế mà vẫn tuân thủ đúng pháp luật. Vậy thì đây là vấn đề cần phải nhìn nhận lại, thay đổi nhận thức lại, phải nhìn bằng lăng kính của toàn xã hội chứ không phải chỉ cực đoan, nhào nặn theo lăng kính của riêng mình”, GS Trần Thanh Hiệp nói.

Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, trước thực tế đang đặt ra, Ban soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ bổ sung những quy định pháp lý nhằm siết vấn đề phim dự thi tại các LHP quốc tế. Những quy định được bổ sung sẽ đề cao yếu tố nghiêm minh, để mọi đối tượng liên quan đến các hoạt động sản xuất, phổ biến và phát hành phim đều phải nghiêm túc chấp hành. Tán thành điều này, GS Trần Thanh Hiệp cũng nói, việc xử phạt mấy chục triệu đối với những bộ phim “vượt rào” là đúng luật hiện hành, tuy nhiên mức phạt đó có đạt hiệu quả như cơ quan quản lý nhà nước mong muốn hay không? Xin trả lời thẳng thắn là không. Bởi vậy, trong quá trình soạn thảo dự án Luật Điện ảnh sửa đổi, những người làm chính sách cần phải thấy rõ kẽ hở, từ đó có giải pháp tăng cường răn đe để mọi đối tượng khi bước vào “sân chơi” đều phải chấp nhận luật chơi. “Chẳng hạn, có thể quy định phim tham dự LHP quốc tế khi chưa được phép công chiếu thì mặc định sẽ không duyệt phim đó nữa. Trong các điều luật của các quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc..., những vi phạm đều bị xử lý rất nghiêm”, theo GS.TS Trần Thanh Hiệp. 

THANH MỘC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top