Chiêu trò của các “chuyến xe 0 đồng, nghĩa tình” về từ tâm dịch

VHO- Lợi dụng tâm lý muốn trở về quê của nhiều người dân đang sinh sống tại TP.HCM, nhiều nhà xe đã bất chấp rao nhận chở khách dù đang thực hiện Chỉ thị 16. Những nhà xe này đã treo băng rôn “chuyến xe 0 đồng”, “chuyến xe nghĩa tình”… để qua mắt các cơ quan chức năng và các chốt kiểm soát dọc đường. Chỉ trong ngày 4.8, cơ quan chức năng ở Thừa Thiên Huế đã phát hiện 12 chuyến xe vi phạm với hình thức này.

Chiêu trò của các “chuyến xe 0 đồng, nghĩa tình” về từ tâm dịch - Anh 1

Nhng chiếc xe dch v trá hình vi băng rôn chuyến xe 0 đng, chuyến xe nghĩa tình ti khu vc cht kim soát Lăng Cô, Tha Thiên Huế

Khi các xe khách nói trên đến địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng chức năng ở các chốt kiểm soát đã mời họ đến khai báo và làm việc. Tuy nhiên, một số tài xế xe lại không muốn xuất trình giấy tờ và khai báo vì sợ bị đưa đi cách ly nên cố đậu đỗ lỳ và ở trong xe; cũng có xe đã quay đầu vào lại phía Nam hầm đường bộ Hải Vân (TP Đà Nẵng).

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong ngày 4.8 đã phát hiện 12 chuyến xe chở hơn 150 hành khách vi phạm quy định phòng chống dịch đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các xe này mang biển số của tỉnh, thành miền Nam, trên các xe đều có giăng băng rôn “chuyến xe 0 đồng”, “chuyến xe nghĩa tình” đưa người nghèo về quê…, nhưng thực tế người dân đã phải trả phí rất cao.

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1063/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải làm nghiêm, “ai ở đâu ở đấy”, tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31.7 đến khi hết giãn cách. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thông báo dừng tiếp nhận công dân từ các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16. Thế nhưng, trong các group “Hội đồng hương Huế ở Sài Gòn”, “Người Huế ở Sài Gòn”… và trên các trang mạng xã hội khác, vẫn có nhiều người vào rao có chuyến xe đưa người về Huế, và kèm giá tiền 2-3 triệu đồng/người.

Đánh vào tâm lý muốn về quê của nhiều người dân Huế, nhiều lái xe bất chấp đón khách rồi di chuyển, vi phạm việc thực hiện Chỉ thị 16 trong công tác phòng chống dịch của các địa phương. Chị Huỳnh Thị Đ, một hành khách đi trên chuyến xe trở về Huế ngày 4.8, thông tin: Cả nhóm đi 18 người, năn nỉ lắm thì nhà xe bớt xuống tròn 32 triệu đồng (mỗi người gần 2 triệu). Mới lên xe, họ nói thu trước một ít để đổ xăng, chạy thêm đoạn nữa thì họ thu tiền tiếp.

Theo lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ và thông báo của Ban Chỉ đạo tỉnh, tình trạng người dân ở các tỉnh thành phía Nam trở về tự phát bằng xe máy đã giảm hẳn, nhưng lại xuất hiện các chuyến xe nghĩa tình trá hình. Điều này gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch tại các địa phương, cũng như tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, để hỗ trợ công dân Huế trở về trên các chuyến xe này, các chốt kiểm soát vẫn đón và kiểm tra dịch tễ, khai báo y tế để đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

“Những người trở về lần này, chúng tôi phân thành hai nhóm đối tượng: nhóm yếu thế (như người già, phụ nữ mang thai và có con nhỏ…) sẽ được hỗ trợ; nhóm không thuộc đối tượng yếu thế sẽ áp dụng xử phạt hành chính về vi phạm quy định phòng chống dịch, đồng thời kết hợp cách ly có thu phí. Loại hình xe khách dịch vụ vi phạm nói trên là nguyên nhân chính nên tỉnh sẽ xử lý nghiêm với khung mạnh nhất. Chiều ngày 4.8, lực lượng chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa 12 xe vi phạm với 16 tài xế đi cách ly tập trung tại huyện Nam Đông”, ông Nguyễn Xuân Sơn thông tin.

Riêng về vụ việc 23 người dân Huế trở về nhưng không được tiếp nhận và buộc phải quay đầu vào phía Nam hầm đường bộ Hải Vân (TP Đà Nẵng) trong ngày 4.8, tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định những người này đã được chốt kiểm soát y tế số 5 đóng tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc tiếp nhận vào trưa cùng ngày. Những người này đều trở về từ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 trên chuyến xe khách dịch vụ trá hình. Vì tài xế xe khách không chấp nhận khai báo và cách ly y tế nên đã quay đầu xe vào phía Đà Nẵng, rồi trả 23 hành khách xuống dọc đường.

Trên các mạng xã hội, nhiều người Huế tại TP.HCM, Bình Dương… cũng cảnh báo người dân không nên đặt xe khách dịch vụ trở về. Nhiều người cho biết, sau khi liên hệ đặt xe, họ đã bị lừa chuyển khoản “đặt cọc” trước, có người đã lên xe và trả tiền nhưng sau đó xe không trở về Huế được. Người lao động xa quê đang gặp khó khăn vì thất nghiệp và dịch bệnh, việc xuất hiện tình trạng lừa đảo nói trên cần phải lên án mạnh mẽ; người dân cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch hiện hành để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Dù thực hiện công điện của Thủ tướng, nhưng những ngày qua số lượng người dân trở về Thừa Thiên Huế từ vùng có dịch và buộc đưa đi cách ly tập trung vẫn cao như ngày 1.8 với 541 người, ngày 2.8 là 1.603 người, ngày 3.8 là 886 người và ngày 4.8 là hơn 200 người. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc