Công nghiệp văn hóa chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng và thế mạnh

VHO-Trong phiên thảo luận trực tuyến sáng nay 30.10 về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cho rằng công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung, cụ thể hóa các nội dung về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vào kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa ghi nhận những đóng góp tích cực của các ngành công nghiệp văn hóa như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, quảng cáo… trong 5 năm thực hiện Chiến lược các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bà Thoa cho rằng các lĩnh vựa này đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế xã hội nói chung và việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của Việt Nam nói riêng, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Công nghiệp văn hóa chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng và thế mạnh - Anh 1

Toàn  cảnh phiên thảo  luận của Quốc hội sáng 30.10

Lấy dẫn chứng ở nhiều nước trên thế giới, công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, có đóng góp đa góc độ, từ trực tiếp tới gián tiếp vào sự phát triển kinh tế. Thậm chí một hoạt động văn hóa có thể có hiệu ứng với nhiều ngành kinh tế, ở một số nước, công nghiệp văn hóa có tốc độ tăng trưởng cao, gấp nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa bày tỏ băn khoăn, ở nước ta, mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, dồi dào nhưng công nghiệp văn hóa chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Trong khi công nghiệp văn hóa là nền công nghiệp sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ ngành văn hóa, có khả năng đem lại nguồn thu, việc làm cho ngành kinh tế.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thành tựu phát triển, tình hình thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa. Đồng thời, việc tổng kết đánh giá kết quả giai đoạn 2016-2020 và nhiệm vụ giải pháp trong giai đoạn 2021-2025 chưa được đề cập trong báo cáo trình Quốc hội lần này.

Từ đó đại biểu Hải Dương đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2016-2020 để xác định chính xác mức đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa cho nền kinh tế quốc dân. Qua đó thấy được những hạn chế, vướng mắc nào là điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa để đề ra những giải pháp cụ thể hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Bày tỏ nhất trí với quan điểm thứ 5 trong dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là: “Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ và phục hồi môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, coi đây là nguồn lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững”, bà Thoa cho rằng quan điểm này phù hợp với chủ trương phát triển về văn hoá được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Công nghiệp văn hóa chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng và thế mạnh - Anh 2

Đại  biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng quan điểm gắn kết giữa  tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá phù  hợp với chủ  trương phát triển văn hoá trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cũng đề nghị quan điểm này cần được cụ thể hóa vào mục tiêu tổng quát và những chỉ tiêu phát triển từng ngành công nghiệp văn hóa trong dự thảo kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Về các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, tại mục cơ cấu lại các ngành dịch vụ, đại biểu Thoa đề nghị Chính phủ tách riêng một mục dành cho mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: du lịch văn hóa, quảng cáo, điện ảnh, nhiếp ảnh, triển lãm, thời trang, trò chơi giải trí…đồng thời, cụ thể hóa hơn nữa các nội dung này trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cũng nhấn mạnh, các giải pháp cần bảo đảm khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo  đa dạng các sản phẩm văn hóa, kết nối nguồn tài nguyên văn hóa với khoa học công nghệ hiện đại để thúc đẩy công nghiệp văn hóa trở thành ngành dịch vụ quan trọng, vừa đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, dịch vụ, việc làm, tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội, đáp ứng yêu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa truyền thống Việt Nam ra thế giới.

Trong Tờ trình về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, trong số các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cũng đã xác định, Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm; tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hoá, truyền thống, lịch sử, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

Ý kiến bạn đọc