Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946 tới Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021

Thứ Hai 01/11/2021 | 10:24 GMT+7

VHO- Năm nay đánh dấu 75 năm tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lĩnh vực văn hóa nói chung, nhân sĩ trí thức và văn nghệ sĩ nói riêng. Những giá trị, ý nghĩa của Hội nghị là bài học sâu sắc đối với hoạt động quản lý văn hóa hiện nay.

Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân Ảnh tư liệu

Hội nghị văn hóa toàn quốc là một diễn đàn quan trọng để lãnh đạo Đảng và Nhà nước trực tiếp lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Đời sống văn hóa văn nghệ thường rất sôi động, vì thế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người hoạt động trong lĩnh vực này sẽ giúp cho các nhà lãnh đạo đất nước hiểu rõ hơn những ý kiến từ chính cuộc sống, từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đây là cách làm mà các nhà khoa học hay tổng kết thành mô hình từ dưới lên.
Ngày 24.11.1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc và đại diện Chính phủ, Uỷ ban Thường trực Quốc hội đã đến dự. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Hồ Chủ tịch nói thêm rằng văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Người nói: Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. (Trích Báo Cứu quốc số 416 ra ngày 25.11.1946.)
Bối cảnh lịch sử rất quan trọng để giải thích sự ra đời của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Hội nghị này là nỗ lực của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng những người yêu văn hóa Việt Nam nhằm huy động mọi đề xuất, sáng kiến chấn hưng văn hóa nước nhà, lấy kinh nghiệm của giới hoạt động văn hóa châu Âu, trước hết là giới văn nghệ sĩ trí thức Pháp, sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc. Dù đây không phải là thời kỳ thuận lợi do không khí chiến sự căng thẳng tại Hải Phòng và Hà Nội, nhưng chính nỗ lực tổ chức Hội nghị đã minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa, cũng như chính vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Viện Bảo tàng Khu tự trị Việt Bắc (1964) Ảnh tư liệu 

Những thông điệp quan trọng của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, sau đó là lần thứ hai (năm 1948) về văn hóa soi đường quốc dân đi, văn hóa là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam... đã truyền cảm hứng cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Không thể phủ nhận rằng, những tư tưởng và thông điệp đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để đội ngũ văn nghệ sĩ làm ra những ca khúc, bộ phim, vở kịch, bài thơ, tiểu thuyết... truyền cảm hứng, góp phần làm nên sức mạnh Việt Nam, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, cả trong chiến tranh lẫn thiên tai, dịch bệnh khác.
Dù trải qua 75 năm nhưng những bài học của việc tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc vẫn còn nguyên giá trị. Khi Đảng và Nhà nước chú ý lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, khi văn nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật cảm nhận thấy sự quan tâm, gần gũi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với những tâm tư, nguyên vọng của mình, đó là lúc văn hóa nghệ thuật có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Ngày nay, đời sống văn hóa nghệ thuật vô cùng đa dạng về loại hình, phong phú về cách thể hiện, và có rất nhiều biến động phức tạp. Nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa nghệ thuật đã bao quát và tạo điều kiện cho các loại hình này phát triển phù hợp với điều kiện đất nước. Tuy nhiên, còn có rất nhiều vấn đề của văn hóa nghệ thuật như chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân, tuổi lao động đối với các ngành nghệ thuật đặc thù, cơ chế tự chủ của các nhà hát, đoàn nghệ thuật, cách thức phát huy nghệ thuật truyền thống và tiếp nhận chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo, không gian sáng tạo ở các đô thị... đang chờ những giải pháp từ phía Chính phủ và các cơ quan liên quan. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 là một cách làm phù hợp, kế thừa và phát huy được tinh thần và ý nghĩa của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì.
Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp lâu dài của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng, cần phải được thực hiện một cách kiên trì, thận trọng. Ngày 22.4.2021, trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh đến việc tổ chức diễn đàn văn hóa Việt Nam định kỳ hằng năm để lắng nghe, kết tinh trí tuệ bên trong và bên ngoài để thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Như vậy, việc tổ chức các hội nghị văn hóa quốc gia nhằm hiến kế phát triển văn hóa là hết sức cần thiết. Từ hội nghị này, các ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật sẽ được tổng hợp, là cơ sở để lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL chỉ đạo các vấn đề văn hóa nghệ thuật của đất nước. Đó là cách làm trong hoàn cảnh mới, được kế thừa từ Hội nghị văn hóa toàn quốc, và chắc chắn sẽ mang lại sức bật mới cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong những năm sắp tới. 

 Dù trải qua 75 năm nhưng những bài học của việc tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc vẫn còn nguyên giá trị. Khi Đảng và Nhà nước chú ý lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, khi văn nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật cảm nhận thấy sự quan tâm, gần gũi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với những tâm tư, nguyên vọng của mình, đó là lúc văn hóa nghệ thuật có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

 PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top