Sự thật đời sống và lý tưởng xã hội - thẩm mỹ trong văn học, nghệ thuật hôm nay

vho- Lịch sử văn học, nghệ thuật nhân loại đã trải qua những thời kỳ vận động và phát triển vô cùng phong phú và phức tạp, đi từ cổ đại, trung đại đến tiền hiện đại, hiện đại và như nhận định của một số nhà nghiên cứu, thế kỷ qua đã bước vào thời hậu hiện đại.

Sự thật đời sống và lý tưởng xã hội - thẩm mỹ trong văn học, nghệ thuật hôm nay - Anh 1

Văn học, nghệ thuật dấn thân, đồng hành với cuộc sống hôm nay. Trong ảnh: Một số tác phẩm văn học ra đời trong đại dịch Covid-19

Trong sự vận động đó, chức năng, đặc trưng, hệ hình tư duy cũng luôn có sự biến đổi mạnh và sâu. Đến nay, những biến đổi đó cũng chưa có dấu hiệu định hình, phía trước còn nhiều ẩn số của sự phát triển. Song, dù ở một thời kỳ nào và thuộc vào trào lưu, phương pháp, trường phái... nào, thì có lẽ, bằng những con đường có thể hết sức khác nhau, văn học, nghệ thuật đích thực của nhân loại đều có một đặc trưng bản chất và vĩnh hằng của sự sáng tạo, đó là niềm say mê phát hiện sự thật của đời sống, của số phận con người, khát vọng đem tới cho con người những lý tưởng cao quý và gieo trồng niềm tin cho con người vào chính sức mạnh và phẩm giá của mình. Đó cũng chính là lý tưởng xã hội - thẩm mỹ của sáng tạo văn học, nghệ thuật chân chính. Và ngay cả khi, trong sáng tác của thời kỳ được gọi là hậu hiện đại với những tìm tòi, cách viết (écriture) rất mới và lạ thì trong chiều sâu tư duy sáng tạo, người sáng tạo đích thực cũng gửi gắm trong tác phẩm của mình khát vọng trên theo tầm nhìn, cách nhìn, tâm thế và quan niệm thẩm mỹ của mình. Lịch sử nghệ thuật đã minh chứng điều đó ở tất cả các nền văn học, nghệ thuật của các dân tộc, kể cả những lúc, những nơi, về mặt xã hội, văn học, nghệ thuật nảy sinh và phát triển trong những thời kỳ đen tối và đau thương nhất đối với con người. Tất nhiên, không phải tác phẩm, tác giả cụ thể nào cũng đạt được hay cần phải có sự thống nhất của hai đặc điểm đó, song đối với một nền nghệ thuật, một thời kỳ phát triển văn học, nghệ thuật, sự thiếu hụt một trong hai dấu hiệu trên sẽ làm giảm đi rõ rệt khả năng, sức mạnh tác động tích cực của nó đối với xã hội và con người.

Văn học, nghệ thuật của chúng ta trong những năm dài với muôn vàn sự hy sinh để chiến đấu, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc đã luôn luôn cố gắng tìm tới sự thống nhất giữa hiện thực và lý tưởng, giữa sự miêu tả, phát hiện sự thật đời sống và hun đúc cho con người những khát vọng, lý tưởng cao quý: Độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, mặc dầu sự thực hiện điều đó trong một số tác phẩm còn giản đơn, công thức, đôi khi gượng ép nên không đạt tới với sức thuyết phục nghệ thuật cả hai yêu cầu thẩm mỹ đó, rơi vào sự lựa chọn những mô típ quen thuộc và mòn cũ. Song sự tìm đến sự thống nhất trên là khuynh hướng chính tạo nên đặc trưng xã hội - thẩm mỹ của một giai đoạn đặc thù của văn học, nghệ thuật thời đánh giặc ngoại xâm vì những khát vọng và niềm tin cao đẹp của cả dân tộc.

Mấy năm sau chiến tranh, đặc biệt những năm gần đây đã có những dấu hiệu khác trước. Việc phát hiện và miêu tả sự thống nhất giữa hiện thực và lý tưởng đã thu hẹp lại tới mức tối đa. Sự không bằng lòng với hiện thực là một đặc điểm nổi bật và thấm sâu trong nhiều tác phẩm. Những nỗ lực mổ xẻ, phân tích và phát hiện những vấn đề bức xúc, gay cấn nhất, chưa tìm ra cách giải quyết trong đời sống xã hội và gắn liền với nó là sự không yên tâm, trăn trở nhiều khi tới mức đau xót, giận dữ, phản kháng và bị quan đang gia tăng - Những nhân tố đó tạo thành một đặc điểm nổi trội chi phối khuynh hướng thẩm mỹ và nội dung của một số không ít tác phẩm những năm gần đây. Ba, bốn năm gần đây, do công việc và nếp quen nghề nghiệp, đọc khoảng hơn 200 tác phẩm văn học, nghệ thuật, tôi cảm nhận rõ đặc điểm đó.

Nếu như chỉ phê phán đặc điểm mới đó như là dấu hiệu tiêu cực, khủng hoảng của văn học, nghệ thuật và của tinh thần, tình cảm, khuynh hướng thẩm mỹ của những người sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay thì quả thật là phiến diện và sẽ không hiểu được vị trí mới của văn học, nghệ thuật trong một thời kỳ lịch sử mà nhu cầu đổi mới đang trở thành bức thiết và cấp bách. Văn học, nghệ thuật nhất thiết và cần phải góp tiếng nói trung thực, chủ động, trực tiếp “can thiệp” đòi sự biến đổi tích cực của đời sống và của con người. Mặt khác, khi xã hội đang phải chứng kiến và đương đầu với những cái xấu, cái ác, sự tha hóa, biến chất và trăn trở tìm con đường giải đáp những vấn đề lớn chưa có câu trả lời có sẵn thì người sáng tạo văn học, nghệ thuật, với ý thức công dân trung thực và khát vọng thẩm mỹ trong sáng, nhất thiết phải lên tiếng không phải làm cho con người hoang mang hơn mà nhằm giúp họ có một tầm nhìn, cách nhìn vừa tỉnh táo, vừa tự tin trong cuộc đấu tranh mới ngày càng phức tạp, cam go. Đứng trước một cuộc đấu tranh như vậy lại đang vận động với một tốc độ “chóng mặt”, không cần văn học, nghệ thuật như “anh hề đồng” chạy theo nó hay đứng ngoài nó. Ở góc độ đó, hiển nhiên đây là dấu hiệu trưởng thành thực sự của văn học, nghệ thuật hôm nay.

Thế nhưng, cùng với sự trưởng thành đó, phải chăng đã xuất hiện một sự thiếu hụt mới. Đã có những tác phẩm thiếu hẳn một niềm tin vững chãi và ấm áp vào những lý tưởng, khát vọng đẹp đẽ của con người và cho con người, của dân tộc và thuộc về dân tộc. Và thậm chí đã xuất hiện những tác phẩm mỉa mai, giễu nhại cuộc sống hiện thực hoặc cố ý đánh phá niềm tin của con người vào những gì tốt đẹp và cao quý, từ đó gieo vào lòng họ nỗi sợ hãi, sự chán chường và ít nhiều sự thù hận về chính cuộc sống mà mình đang sống, về chính lý tưởng mà mình đã từng khát khao vươn tới. Con người thường khó bị gục ngã mà còn có thể vượt qua trước nỗi đau, nhưng dễ bị đánh gục khi niềm tin bị hủy hoại. Hãy lắng nghe một đoạn thơ của Bùi Chát với giọng điệu đầy mỉa mai cay độc và xuyên tạc trắng trợn: “Tôi gặp gỡ những người cộng sản/ những người anh em của chúng tôi/ những người làm chúng tôi mất đi ký ức/ Mất đi tiếng nói bản thân/ mất đi những cái thuộc về giá trị/ Chúng tôi còn sở hữu duy nhất một điều/ Nỗi sợ...”.

Gạt sang một bên những kẻ thù địch hoặc cơ hội chính trị tìm mọi cách bằng văn học, nghệ thuật bôi đen, phủ định cả lý tưởng và cả hiện thực đời sống, thời gian qua, đã xuất hiện một số tác phẩm mang đậm âm hưởng bi quan, cảm thấy bế tắc trước những vấn đề còn bộn bề, chưa thể tháo gỡ được trong sự biến đổi của cuộc sống đương đại. Phải chăng sự thiếu hụt đó có những nguyên nhân của nó?

Nhìn xa, lùi xa hơn một chút về quá khứ, cách đây khoảng 30 năm, sự đổ vỡ đột ngột, nhanh chóng những mô hình cụ thể của chủ nghĩa xã hội trong các nước ở Đông Âu và Liên Xô (trước đây) đã tác động rất mạnh trong đời sống tinh thần tình cảm của chúng ta, đặc biệt với những người hoạt động và sáng tạo văn học, nghệ thuật, một trong những bộ phận nhạy cảm nhất của xã hội. Sự khủng hoảng dẫn tới đổ vỡ đó là một sự thật hiển nhiên, có nguyên nhân sâu xa từ những sai lầm nặng nề và những mâu thuẫn tích tụ từ lâu trong lòng những mô hình đó nhưng không được khắc phục. Thực tế đau xót đó dẫn tới một sự nhầm lẫn, một sự ngộ nhận hoặc một ý định cố tình đồng nhất giữa lý tưởng xã hội chủ nghĩa chân chính, đích thực có những nội dung nhân đạo cao quý của nó với những biến dạng thô thiển về nó trong các mô hình cụ thể đã được xây nặn một cách trái quy luật. Mô hình đó đã bộc lộ tất cả những khuyết tật của nó, phải được xây dựng lại để nó từng bước tương ứng với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Mô hình cụ thể đó đã đổ vỡ, nhưng lý tưởng xã hội chủ nghĩa cao quý và nhân văn vẫn bám rễ sâu sắc trong đời sống và khát vọng của hàng triệu con người. Thế nhưng, vẫn có không ít người cứ bám lấy quan niệm đã cũ, đã lỗi thời về chủ nghĩa xã hội thời những năm 50, 60 của thế kỷ trước để minh chứng cho suy nghĩ của mình rằng, chủ nghĩa xã hội đã tan rã, đã hết thời! 35 năm kiên trì, kiên quyết và tỉnh táo thực hiện đổi mới, vượt qua một quá trình tìm tòi vô cùng gian nan, đầy thử thách, cả thành công và vấp ngã, chúng ta đã từng bước xác định nội hàm của chủ nghĩa xã hội theo quan điểm đổi mới của chúng ta, đó là một xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” với một loạt đặc trưng của nó được xác định minh bạch, khoa học trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (2011). Các đặc trưng trên vừa là các giá trị chính trị - xã hội vừa chứa đựng trong chiều sâu bản chất của nó là các giá trị thẩm mỹ. Và nếu chúng ta cùng nhau thừa nhận rằng, bản chất và sứ mệnh của sáng tạo văn học, nghệ thuật đích thực là đào sâu, khám phá và vươn tới lý tưởng chân, thiện, mỹ thì nội hàm của chủ nghĩa xã hội theo quan điểm đổi mới trên chính là lý tưởng thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật của dân tộc ta, ngay cả khi có nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật cho rằng, văn học, nghệ thuật chỉ có một chức năng, hay một thuộc tính duy nhất là thẩm mỹ!

Thực tiễn đầy thách thức, cam go của 35 năm đổi mới vừa qua cho chúng ta một nhận thức mới, rằng, chúng ta không có ảo tưởng về một lý tưởng trừu tượng như một giấc mơ đẹp mà không có thực hoặc không thể thực hiện được. Để đạt tới những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội theo quan điểm đổi mới của chúng ta cần phải trải qua một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh cực kỳ phức tạp giữa cái cũ và cái mới để có thể từng bước tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quá trình đi tới mục tiêu đó lại chưa có tiền lệ. Những tháng năm này, dân tộc chúng ta đang sống trong thời kỳ đặc biệt, thời kỳ giao thời, thời kỳ quá độ lâu dài nhất thiết phải trải qua với những thành tựu và vấp ngã, với những biến đổi mạnh và sâu để đi tới sự phát triển đúng hướng. Những kết quả ban đầu của công cuộc đổi mới đã giúp chúng ta bình tâm lại để suy nghĩ, đánh giá và định hướng.

 Khoảng cách lớn giữa lý tưởng sáng tạo và hiện thực có nhiều mặt tối trên các bình diện của đời sống là một sự thật cay đắng mà chúng ta phải thừa nhận. Nhưng lại có một thực tế khác: Ngay trong lòng cuộc sống đang biến động này, trong tất cả sự phức tạp, bề bộn, pha trộn tốt - xấu, thiện - ác, sáng - tối này, cuộc sống đang từng bước được tổ chức lại và những mầm - mống mới, những giá trị mới đích thực theo định hướng mới của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã và đang vật vã và kiên cường xuất hiện. Nếu điều trên là ngụy biện, là bào chữa, là “tuyên truyền lấy được” thì tại sao chúng ta, dân tộc ta lại đạt được những thành tựu đáng tự hào trong 35 năm đổi mới vừa qua? Chúng ta không tự đội vòng nguyệt quế cho mình, mà đó là sự thực được thế giới thừa nhận. Trong công trình vừa xuất bản năm 2019, tiến sĩ Parag Khanna, thành viên của Viện Brookings, New America và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, được Diễn đàn kinh tế thế giới vinh danh là “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu”, sau khi phân tích lòng tin thực tế và “thậm chí đầy chân thành” của người dân VN với nhà nước của mình, đã viết rất khách quan và thẳng thắn rằng: “Tiến bộ kinh tế và sự mở cửa xã hội nhanh chóng của Việt Nam ngay cả khi không đi đôi với sự thay đổi chính trị triệt để, đã biến nước này thành một mô hình mà hầu hết các nước đang phát triển đều muốn mô phỏng” (Sách: Tương lai thuộc về châu Á: Thương mại, xung đột và văn hóa thế kỷ XXI” - NXB Trẻ. 2020 trang 404).

Phát triển trong lòng một thời kỳ lịch sử đặc biệt trên - quá độ, giao thời, đấu tranh giữa cũ và mới, sự khẳng định của cái mới đang trở thành một khả năng hiện thực (không nên nghĩ là một tất yếu dĩ nhiên), dù theo cách viết nào - truyền thống hay hiện đại, hậu hiện đại, bằng cách riêng của mình, văn học, nghệ thuật đang và cần tham gia, “can thiệp” vào cuộc sống để khám phá ở tận chiều sâu nhất đặc trưng riêng có của thời kỳ lịch sử này, đúng như ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam (7.2018): “Trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước, miêu tả cho hay, cho chân thật, sinh động và có sức thuyết phục, sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống, dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp con người, đổi mới và phát triển đất nước, đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật Việt Nam hôm nay và nhiều năm tới”. Trong khoảng 3, 4 năm gần đây, do công việc và nếp quen nghề nghiệp, tôi đọc khoảng trên 200 tác phẩm văn học, nghệ thuật, cảm nhận của người đọc là nhiều nhà văn, nghệ sĩ đang đi theo hướng trên, dù đó là tác giả trẻ hay già, chuyên nghiệp hay mới vào nghề, viết theo truyền thống tả thực hay hiện đại, trong tác phẩm của mình đều khát khao và tâm huyết vừa khám phá tính đa chiều phức tạp của hiện thực và số phận con người, vừa cố gắng, chân thành nâng niu, bảo vệ cái tốt đẹp, cái thiện, cái cao cả, cái sức mạnh vượt qua những cám dỗ, những nỗi đau để vươn lên của những người bình thường và qua đó thể hiện thái độ tỉnh táo, nghiêm ngặt, quyết liệt đối với cái xấu, cái ác, sự thấp hèn, biến chất mà vẫn nhân hậu, ấm áp đối với con người và cuộc sống mà mình đang là một thành viên góp phần tạo nên nó. Xin ghi ra đây một vài tên tác phẩm mà tôi không có ý định chọn lọc cái tiêu biểu, điển hình và cũng không phải là tác phẩm đã hoàn mỹ, mà chỉ như những dẫn chứng có tính xác suất, như các tác phẩm Bên cạnh rong rêu của Tạ Mỹ Dương (NXB trẻ 2016), Những giọt nước mắt muộn mằn của Mộc Miên (NXB Hội nhà văn, 2017) Cung đường mê của Đặng Lưu San (NXB Phụ nữ - 2018), Chim cánh cụt biết bay của Cao Thanh Mai (NXB Văn học - 2018), Chuyện của các nhân vật có thật trên đời của Võ Thị Xuân Hà (NXB Trẻ - 2019), Mặn hơn nước mắt của Song Tử Đông (NXB Văn học - 2018)... Viết bài này đúng vào những ngày đại dịch Covid-19, tôi nhớ đến 2 tác phẩm về ngành y, nghề thầy thuốc, vội ghi ra đây để ghi nhớ, một của người viết vốn là bác sĩ ngoại - Vũ Oanh - với tiểu thuyết Bác sĩ Trưởng khoa (NXB Hội Nhà văn - 2018) đã được tái bản lần 3 và hai là cây bút trẻ (sinh 1991) Lê Bùi Thảo Nguyên với truyện dạng ký và cách viết lạ, kết cấu khá độc đáo và cả cái tên cũng dễ gây sốc Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được (NXB Thế giới - 2018). Chắc chắn rằng, còn những tác phẩm hay hơn, sâu sắc hơn mà tôi chưa được đọc, xem, nên những dẫn chứng trên chỉ nhằm cố gắng nhận ra một xu hướng sáng tạo, vừa nỗ lực đi đến “tận cùng” (tuy chỉ là khát vọng) “tim đen, tim trắng” (chữ dùng của M.Gorki) của hiện thực vừa bộc lộ sự khát khao vươn tới lý tưởng xã hội - thẩm mỹ cao đẹp trong sáng tạo của người nghệ sĩ. Và trong nội hàm của lý tưởng thẩm mỹ cao đó đã chứa đựng bản chất sâu nhất của nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là nhân đạo, cũng là nuôi dưỡng, nâng niu và bảo vệ những cái mới, cái tốt đẹp, đặc biệt trong thời điểm gian nan, hiểm nghèo nhất đối với vận mệnh của chúng. Bởi vậy, giờ đây, nghệ thuật cần cho cuộc sống ngay cả khi có quan niệm cho rằng, nó chỉ là “trò chơi”, là diễn ngôn - khi theo các cách viết, cách thể hiện rất khác nhau khi nghệ thuật đó là sự tỉnh táo, nghiêm khắc phát hiện đến cùng những sự thực đời sống và con người, cả tốt và xấu, cả sáng và tối, đồng thời là sự say mê, ấm áp và dũng cảm bảo vệ và khẳng định niềm tin cho con người về những lý tưởng cao quý và hiện thực trong thời điểm đầy khó khăn này.Nhắc đến thời điểm đầy thử thách hôm nay, tôi bỗng nghĩ đến anh chàng Induxca Gôlôplép trong tiểu thuyết Những ngài Induxca Gôlôplép của nhà văn Nga M.XantưcốpStêđrin. Đó là một kẻ đạo đức giả và cơ hội nổi tiếng, luôn luôn tìm cách đứng ra ngoài cuộc sống, khi trong cuộc sống đó, con người đang đứng trước những khó khăn tưởng như không vượt qua được, Gôlôplép tỏ ra thông minh, buồn rầu và cả thông thái nữa chỉ ra trong sự thích thú được giấu kín - rằng, những người đang căng sức vượt qua những khó khăn đó sẽ thất bại. Những người sáng tạo chân chính không thể và không bao giờ là những kẻ đạo đức giả và cơ hội như Gôlôplép.

Lúc này, chỉ thực sự có ích và cao quý, khi văn học, nghệ thuật và các nhà sáng tạo văn nghệ của chúng ta là người đồng hành, người bạn tỉnh táo, người cổ vũ tâm huyết của tất cả những người đang đồng tâm hiệp lực khai phá con đường đổi mới. Và như vậy, cũng có nghĩa là, văn học, nghệ thuật không chỉ là người tán thưởng, càng không phải là “anh hề đồng” chạy theo cuộc sống, mà phải là người phát hiện, người mách bảo và dự báo, tất nhiên theo khả năng và cách viết của riêng mình, những gì đúng và sai, tốt và xấu, có thể xảy ra trong cuộc hành trình đầy khó khăn và nhiều thách thức hôm nay, góp phần cho toàn dân tộc đang nỗ lực trong quá trình đổi mới hiện thực, như V.Lênin căn dặn “Không để cho các ảo tưởng cũng như sự nản chí chi phối” (V. Lênin, Toàn tập. tập 44. tr520). Trong vị trí ấy của cuộc hành trình hôm nay và nhiều năm tới, chắc chắn rằng, văn học, nghệ thuật của chúng ta đồng thời sẽ khám phá được những sự thật sâu sắc nhất của đời sống, của số phận con người và chứa đựng những lý tưởng nhân đạo, cao quý và hiện thực của mình - lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà đặc trưng cơ bản của nó - hoàn toàn ăn khớp với lý tưởng thẩm mỹ của sáng tạo văn nghệ - như C. Mác khẳng định: “Làm cho con người trở nên NGƯỜI NHẤT”, làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn đối với con người, tạo mọi điều kiện để con người phát triển tự do và toàn diện nhân cách, phẩm giá của mình.

 GS.TS ĐINH XUÂN DŨNG

Ý kiến bạn đọc