Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Chiêm ngưỡng kiệt tác gốm Việt

Thứ Tư 17/11/2021 | 10:18 GMT+7

VHO- Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Sưu tập An Biên sẽ khai mạc trưng bày chuyên đề Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ Sưu tập An Biên vào ngày 19.11, công chúng có cơ hội thưởng lãm gần 70 hiện vật gốm men đặc sắc được lựa chọn từ bộ sưu tập cổ vật An Biên và một số hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

 Đĩa - Chất liệu gốm hoa lam vẽ vàng kim có niên đại thế kỷ XV

 Đây là bộ sưu tập phong phú, hoàn chỉnh, có giá trị mỹ thuật cao, trải dài trên 2.000 năm phát triển của lịch sử đồ gốm Việt Nam.

Hành trình gốm Việt

Câu chuyện hành trình gốm Việt ở triển lãm được bắt đầu với chủ đề Gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Cách ngày nay trên 2.000 năm, từ những kỹ thuật mới trong chế tác đồ gốm được phổ biến từ Trung Hoa, nghề gốm Việt Nam với trình độ và kinh nghiệm truyền thống sẵn có đã nhanh chóng tiếp thu, nắm vững và phát triển để tạo nên những sắc thái riêng biệt, trở thành một trong số ít các quốc gia có nghề sản xuất đồ gốm men ra đời sớm và phát triển liên tục.

Hoà (ấm đầu gà)-  Chất liệu gốm có niên đại thế kỷ I-III

Nếu như thời Đông Sơn trước đó, chúng ta chưa tìm thấy một trung tâm sản xuất nào thì đến giai đoạn này, hàng loạt trung tâm sản xuất có quy mô lớn đã ra đời. Những cuộc khai quật di tích lò gốm cổ ở Tam Thọ (Thanh Hóa), Đại Lai, Luy Lâu, Đương Xá (Bắc Ninh), Thanh Lãng, Lũng Ngoại, Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) cho thấy những thợ thủ công làm gốm thời kỳ này đã kết hợp được truyền thống gốm Đông Sơn với kỹ thuật tiên tiến của Trung Hoa để sản xuất ra dòng gốm mang sắc thái bản địa.

Đồ gốm thời kỳ này có xương gốm dày, men mỏng thường không phủ hết đồ vật, men màu vàng ngà, trắng nhạt, trắng xám; trang trí hoa văn in nổi ô trám, xương cá hoặc lá dừa, hình thoi, chữ S, văn chải, văn sóng nước... Một số ấm, âu, hũ có trang trí hình cánh sen, chim, cá, đầu gà, đầu voi. Mô hình nhà là đồ minh khí tuỳ táng thường gặp trong các mộ gạch có niên đại thế kỷ I - III, phản ánh hình ảnh chân thực các dạng thức kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và đời sống sinh hoạt hiện thực đương thời. Kỹ thuật sản xuất đồ gốm men thời kỳ này là loại men chì và men tro.

Ang - Chất liệu gốm có niên đại thế kỷ I - III

Thế kỷ thứ III đến cuối thế kỷ thứ VI, sản xuất đồ gốm ở khu vực phương Nam có những bước phát triển vượt bậc, xuất hiện một dòng gốm mới là gốm men trắng, men trắng xanh được nung với nhiệt độ cao, xương và men gốm cứng. Đây là một cuộc cách mạng trong sản xuất gốm sứ ở tầm mức thế giới. Khai quật các lò gốm cổ ở Cổ Loa (Hà Nội), Đại Lai, Luy Lâu, Đương Xá (Bắc Ninh), Thanh Lãng, Đồng Đậu, Lũng Hòa (Vĩnh Phúc), Tam Thọ (Thanh Hóa) thấy xuất hiện nhiều mảnh gốm men trắng, men trắng xanh với loại hình phong phú. Do vậy, có thể khẳng định rằng, Việt Nam thời kỳ này cũng đã bắt kịp và trở thành một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có thể sản xuất được loại gốm chất lượng cao này.

Từ thế kỷ thứ X, nghề làm đồ gốm có sự phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế, văn hóa, tạo thành bản sắc riêng có, loại hình phong phú, trang trí đa dạng, độc đáo về mỹ thuật. Xuất hiện những lò gốm ngay tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Các lò gốm cũng đã được tìm thấy ở Thăng Long, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình… Hình thành nhiều dòng gốm men với loại hình phong phú, trang trí đa dạng: Men trắng, men ngọc, men xanh lục và vàng, men nâu, hoa nâu và cuối thế kỷ XIV xuất hiện gốm hoa lam.

 Liễn - Chất liệu gốm có niên đại thế kỷ XI- XII

Những đỉnh cao của gốm

Thế kỷ XV - XVII là thời kỳ phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đồ gốm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, tạo điều kiện cho nghề sản xuất gốm ở Việt Nam phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng, với nhiều trung tâm sản xuất mang tính chuyên môn hóa, nhiều chủng loại đồ gốm đạt đến trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao như các trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng Thăng Long, Bát Tràng (Hà Nội), Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương)... Kết quả khai quật khảo cổ học ở tàu cổ Cù Lao Chàm thu được trên 240.000 hiện vật gốm Việt Nam xuất khẩu với loại hình phong phú, mỹ thuật đặc sắc.

Mô hình ngôi nhà - Chất liệu gốm có niên đại thế kỷ I - III

Bộsưu tập đặc sắc về mẫu mã, màu men và phong cách mỹ thuật qua bộ sưu tập gốm trong tàu cổ Cù Lao Chàm cho thấy, kế thừa truyền thống gốm giai đoạn “tiền men lam”, gốm hoa lam Việt Nam đã phát triển lên một đỉnh cao mới. Đây là những đồ gốm được sản xuất từ các lò gốm sứ ở Hải Dương ngày nay. Với tính chuyên biệt cao trong phân công lao động và tổ chức sản xuất, gốm Việt Nam giai đoạn này, đặc biệt là gốm hoa lam, chiếm lĩnh được thị trường quốc tế. Gốm Việt Nam được xuất khẩu và có mặt ở một số quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, Trung Đông và đến tận phương Tây. Những kiệt tác gốm men lam xám xuất hiện vào thế kỷ XV với số lượng hiếm hoi; gốm men nhiều màu có niên đại thế kỷ XV - XVI; gốm men nặng lửa hoà sắc... cũng phác họa bức tranh đa diện, cho thấy sự phát triển của nghệ thuật gốm Việt trong giai đoạn này.

Liễn - Chất liệu gốm hoa nâu có niên đại thế kỷ XIII - XIV

Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động, các trung tâm gốm xuất khẩu đã từng rất phát đạt trong các thế kỷ trước dần tàn lụi. Bát Tràng - một làng gốm truyền thống có từ thế kỷ XIV cũng bị ảnh hưởng, thị trường gốm xuất khẩu không còn, nhưng vẫn giữ được sức sống bền bỉ nhờ có một thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí, đồ đặt hàng phù hợp thị hiếu. Những phác thảo diện mạo gốm Việt thông qua sứ giả thương hiệu Bát Tràng được hiện diện ở triển lãm với một số tác phẩm tiêu biểu: Lư hương, hoa lam, niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 9 (1671); cặp chân nến trúc hóa long, men rạn; đĩa, men rạn; lư hương, men rạn (thế kỷ XVIII); đài thờ, men rạn; tượng Quan Âm, men rạn (thế kỷ XIX); hũ, men rạn vẽ lam, niên hiệu Gia Long (1802 - 1819)... 

THẢO PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top