Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Sôi nổi kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Thứ Tư 24/11/2021 | 11:01 GMT+7

VHO- Nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, nhiều hoạt động tôn vinh các giá trị di sản, các tọa đàm, triển lãm... đã được tổ chức sôi nổi trong những ngày qua. 

Cũng trong dịp này, Hà Nội triển khai nhiều sự kiện như chuỗi hoạt động tại Phố cổ Hà Nội, trưng bày Lời thề quyết tử tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò... 

 Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tại triển lãm Không gian Di sản văn hóa Việt Nam Ảnh: MINH KHÁNH

Đặc sắc những Không gian Di sản văn hóa Việt Nam 
Triển lãm Không gian Di sản văn hóa Việt Nam do Bộ VHTTDL chỉ đạo Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đã khai mạc tối 22.11 tại Hà Nội. Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, kho tàng di sản văn hóa đồ sộ đó không chỉ góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc mà còn đem lại những giá trị quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. 
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, là hoạt động được tổ chức định kỳ hằng năm chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, Triển lãm đã phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo tồn, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa. Triển lãm diễn ra với nhiều hoạt động và nội dung phong phú. Khu trưng bày chủ đề Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam với những hình ảnh, trang phục, nhạc cụ truyền thống, hiện vật, tư liệu về các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO ghi danh và các di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống của Việt Nam. Các tỉnh tham gia triển lãm: Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Tuyên Quang… đã mang đến những sắc màu di sản văn hóa đặc trưng của địa phương; các chương trình quảng bá, phát triển du lịch, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống, nghệ thuật ẩm thực. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh Nam Định giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, với nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật... sống động. 
Khu Triển lãm trưng bày các tác phẩm tiêu biểu của Cuộc thi và triển lãm ảnh Di sản văn hóa toàn quốc lần thứ nhất - năm 2021 do Cục Di sản văn hóa tổ chức với mục tiêu quảng bá giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử và thẩm mỹ của di sản tới người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, nhằm khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, con người. Hơn 83 tác phẩm nhiếp ảnh được lựa chọn từ hơn 1.700 ảnh của hơn 200 tác giả theo chủ đề Di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam là những tác phẩm có nội dung phong phú, góc nhìn mới lạ và độc đáo. 
Hội Di sản văn hóa Việt Nam giới thiệu, trình diễn Áo dài truyền thống, trưng bày ảnh nghệ thuật về di sản quanh ta, di sản ký ức, nghề truyền thống, giới thiệu du lịch di sản, giúp khách tham quan hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam. Các chương trình văn hóa nghệ thuật được tổ chức tại triển lãm trình diễn những loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như: Hát văn diễn xướng Hầu đồng, thực hành Then, diễn trò Xuân Phả… cùng các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc. 

 Trưng bày “Lời thề quyết tử” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò Ảnh: MẠNH HÀ

Phát huy sức mạnh mềm từ di sản 
Cũng diễn ra vào sáng 23.11, tại hai điểm cầu Bảo tàng Hà Nội và Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm và tọa đàm nhân dịp Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng dự buổi lễ. 
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương có khối lượng các di sản đồ sộ. Đó là niềm tự hào của Thủ đô, cũng là thế mạnh của mảnh đất Ngàn năm văn hiến. 
Theo Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Hà Nội là một trong số ít các Thủ đô, thành phố trên thế giới có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, với số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, được chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị. “Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn, chưa có tiền lệ do dịch bệnh Covid-19. Mọi ngành nghề, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô đều bị ảnh hưởng nặng nề. Song, ngành Di sản văn hóa ở Thủ đô với những nỗ lực mạnh mẽ đã đảm bảo sự an toàn tại các cơ quan, công sở của ngành, các điểm di tích, di sản, đổi mới tổ chức nhiều hình thức bảo tồn, phát huy các giá trị di sản...”, ông Đỗ Đình Hồng phát biểu. Trong đó, nổi bật là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội, tổ chức các chương trình, tọa đàm khi dịch bệnh bớt căng thẳng như: Tọa đàm Xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch thời kỳ hậu Covid-19 tại các bảo tàng, di tích ở Hà Nội, Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0... 
Các nhà khoa học, các đơn vị quản lý di sản khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa Thủ đô; đồng thời nhấn mạnh, Hà Nội là nơi hội tụ không chỉ về số lượng lớn di sản văn hóa mà đó còn là nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa Thủ đô. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu: “Ngày 24.11, chúng ta có sự kiện vô cùng quan trọng đối với văn hóa nước nhà là Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chúng ta hy vọng, sau Hội nghị sẽ có thêm nhận thức, quyết tâm, hành động cụ thể để phát triển văn hóa, trong đó có lĩnh vực di sản văn hóa”. 
Theo ông Bùi Hoài Sơn: “Đại hội Đảng lần thứ XIII có nhiều quan điểm, kế hoạch hành động nhằm tạo đột phá trong lĩnh văn hóa. Trong đó, chúng ta nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, mong muốn sử dụng sức mạnh mềm từ văn hóa để khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Sức mạnh mềm bây giờ không chỉ là tinh thần, câu chuyện về giá trị đạo đức mà còn tạo ra giá trị kinh tế. Điều này không có nghĩa chúng ta xem nhẹ giá trị tinh thần mà là thông qua những câu chuyện, bài hát, bộ phim thì những giá trị văn hóa Việt Nam được chuyển tải một cách nhẹ nhàng, giúp chúng ta tự hào hơn về đất nước của mình”. 

Đưa Lễ hội Bạch Đằng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ VHTTDL mới đây đã ban hành Quyết định số 2970/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) và Quyết định số 2973/QĐ-BVHTTDL xếp hạng quốc gia đối với Di tích Hồ Mạch (phường Yên Hải, thị xã Quảng Yên), tỉnh Quảng Ninh.

Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức vào ngày mùng 6-8 tháng 3 âm lịch hằng năm, được gọi là ngày Giỗ trận Bạch Đằng, nhằm tri ân những chiến thắng vĩ đại của các vị anh hùng trên dòng Bạch Đằng giang lịch sử. Không gian lễ hội diễn ra tại quần thể Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng với các điểm chính là đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang thuộc trung tâm Lễ hội, ngoài ra còn ở các đình Trung Bản, đình Điền Công, đền Trung Cốc. Theo Quyết định nói trên, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Di tích lịch sử Hồ Mạch là điểm khởi thủy của các xã đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên, có ý nghĩa mở đầu một cuộc chinh phục biển cả và bãi triều, nơi hình thành truyền thống khai hoang, lấn biển, dựng xây vùng kinh tế mới của con cháu các vị Tiên Công. Hồ Mạch có diện tích khoảng 5 sào Bắc Bộ, nằm ở khu Thượng Đồng, phường Yên Hải, thị xã Quảng Yên. Theo Quyết định, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Đồng thời, UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.PHƯƠNG MAI


HÀ QUYÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top