Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Du lịch thế giới “chia rẽ” vì Covid-19

Thứ Hai 29/11/2021 | 08:54 GMT+7

VHO- Sau một thời gian dài triển khai tích cực các biện pháp phòng dịch, cùng với sự xuất hiện của vắcxin, thị trường du lịch quốc tế đã có nhiều khởi sắc hơn. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh khác nhau, cùng với đó là chính sách mà các nước áp dụng có phần khác biệt, du lịch các khu vực mở cửa có phần không đồng đều.

Thị trường du lịch Châu Á dần sôi động trở lại (Ảnh: AFP)

Thậm chí, một số nước dù độ phủ vắcxin đã đạt mức lý tưởng nhưng Chính phủ vẫn quyết “cửa đóng, then cài” để ưu tiên phòng dịch. Điều này đã dẫn đến tình trạng bức tranh du lịch thế giới “không đều màu”. Nơi sôi động, vùng ảm đạm.

Châu Á sôi động

“Phát súng” đầu tiên cho việc mở cửa du lịch phải kể đến Thái Lan. Quốc gia này phụ thuộc lớn vào du lịch khi ngành công nghiệp không khói chiếm đến 20% GDP của đất nước vào thời gian trước đại dịch. Thế nhưng, đại dịch xảy ra đã giáng đòn mạnh vào du lịch Thái Lan. Năm 2019, xứ sở chùa Vàng là một trong những thị trường du lịch gây ấn tượng nhất trên thế giới khi đón tới 40 triệu lượt khách quốc tế. Sang đến 8 tháng đầu năm nay, Thái Lan chỉ đón được 73.000 khách nước ngoài. Hậu quả là du lịch Thái Lan gánh hàng chục tỷ đô la Mỹ thiệt hại. Khoảng 3 triệu dân cũng vì thế mà thất nghiệp.

Sau một năm rưỡi đóng cửa và chịu áp lực khôi phục nền kinh tế, vào tháng 7, Thái Lan đã tiên phong trong việc triển khai mô hình hộp cát Phuket. Sau 3 tháng triển khai, mô hình này đã thu về cho Thái Lan 69 triệu USD. Tiếp đà khôi phục, cộng với đó là tỷ lệ tiêm chủng trong nước và quốc tế tiếp tục gia tăng, Thái Lan quyết định từ đầu tháng này sẽ dỡ bỏ quy định cách ly đối với du khách được chủng ngừa đầy đủ từ hơn 60 quốc gia. Quy định cụ thể bao gồm phải tiêm phòng đầy đủ hơn 14 ngày trước khi đến Thái Lan, cư trú tại nước trong danh sách du lịch không kiểm dịch ít nhất 21 ngày, trình kết quả xét nghiệm âm tính khi đến và phải xét nghiệm lần 2 trong 24 giờ sau khi đến Thái Lan. Trong khi chờ kết quả, khách du lịch phải ở trong khách sạn được chỉ định. Hành khách cũng cần có bảo hiểm ở mức tối thiểu 50.000 USD khi đến Thái Lan.

Việc Thái mở cửa đón khách du lịch nước ngoài được tiêm phòng đầy đủ đã đánh dấu việc nới lỏng chính sách kiểm soát biên giới của nhiều nước Châu Á. Từng là tâm dịch của thế giới, Ấn Độ giờ đây đã cho phép khách du lịch quốc tế đến thăm. Thậm chí, nếu hành khách đến từ những quốc gia có thỏa thuận với Ấn Độ về việc công nhận hộ chiếu vắcxin của nhau, họ có thể rời sân bay mà không cần phải trải qua quá trình kiểm dịch. Để kích cầu du lịch quốc tế, Chính phủ Ấn Độ đã lên kế hoạch cấp 500.000 thị thực miễn phí.

Thêm nữa, Indonesia, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore… cùng nhiều quốc gia Châu Á khác đều đã có những chính sách nới lỏng kiểm soát biên giới để hút khách. Malaysia, Myanmar dù chưa quyết định mở cửa du lịch trong năm nay nhưng cũng đã ban hành lộ trình đón khách quốc tế với các biện pháp được nới lỏng từ năm 2022.

Trái ngược lại, số ít các nước như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn đang nói không với khách quốc tế ở thời điểm hiện tại. Đặc khu kinh tế Hồng Kông của Trung Quốc còn đang áp dụng chính sách kiểm dịch thuộc hàng gắt gao nhất trên thế giới. Khách du lịch mới đến đây phải cách ly 21 ngày. Không cấm hoàn toàn nhưng quy định kiểm dịch khắt khe đã khiến Hồng Kông gần như rơi vào trạng thái “tê liệt du lịch”. Dù vậy, Châu Á vẫn được đánh giá là khu vực có thị trường du lịch phục hồi mạnh mẽ nhất.

Ở chiều ngược lại, du lịch Châu Âu đang loay hoay để lấy lại đà hồi phục (Ảnh: Bangkok Post)

Châu Âu ảm đạm

Theo tạp chí Fortune, du lịch Châu Âu sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn nếu Ủy ban Châu Âu đề xuất thời hạn cho hộ chiếu vắcxin. Dự kiến khi quy định được đưa ra, hành khách sẽ chỉ được áp dụng chính sách du lịch ưu đãi trong 9 tháng kể từ ngày tiêm mũi thứ 2. Sau thời gian 9 tháng, mũi tiêm nhắc lại được cơ quan của Châu Âu coi là cần thiết. Một khó khăn khác nếu đề xuất này được áp dụng là hiện, nhiều quốc gia vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn cung vắcxin. Vì vậy, mục tiêu sớm phủ 2 mũi cho đa số dân là rất khó thực hiện trong thời gian ngắn chứ chưa nói đến mũi 3. Nó cũng sẽ kéo theo việc Châu Âu có thể mất đi lượng khách nhất định và du lịch tiếp tục chậm phục hồi hậu đại dịch.

Khi số ca mắc mới, tử vong do Covid-19 tăng cao, Ủy ban Châu Âu còn dự định sẽ dừng áp dụng “danh sách trắng” công dân các nước có thể nhập cảnh. Danh sách trắng bao gồm những nước đã khống chế được đại dịch và chấp nhận nguyên tắc “có qua có lại”. Tức là khi Châu Âu đồng ý cho công dân một nước được nhập cảnh, nước đó cũng phải mở cửa đón công dân Châu Âu. Trước mắt, một số quốc gia Châu Âu đã cấm du khách đến từ các nước khu vực Nam Phi nhập cảnh với lý do lo ngại về biển thể mới có nhiều đột biến Omicron.

Ngoài ra, dù đa phần đã mở cửa trở lại song khách quốc tế vẫn e ngại du lịch Châu Âu. Nguyên nhân một phần đến từ việc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) mới đây nâng cảnh báo du lịch với Đức và Đan Mạch lên cấp 4, mức rủi ro cao nhất. Thực tế trên bản đồ tư vấn du lịch của CDC Mỹ, chỉ còn số ít các nước như Phần Lan, Thuỵ Điển, Cộng hòa Séc… thuộc cấp độ 3 (màu cam) với khuyến nghị tiêm phòng trước khi du lịch đến. Còn lại, phần lớn các địa điểm nổi danh của Châu Âu như Hy Lạp, Đức, Vương Quốc Anh, Áo… đang chìm trong sắc đỏ thẫm, được khuyến cáo tránh đi du lịch đến. Thông thường, khuyến nghị của CDC Mỹ rất được khách quốc tế để ý vì là căn cứ tin cậy cho một chuyến du lịch an toàn. Cảnh báo đỏ được đưa ra sẽ tác động đến tâm lý đi du lịch Châu Âu của khách quốc tế.

Denis Farias, quản lý một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở gần Tháp Eiffel của Pháp cho biết: “Mặc dù Pháp không phải là vùng đỏ của Châu Âu nhưng lượng khách du lịch vẫn giảm đáng kể. Cách đây 2 năm, cửa hàng của tôi có tới 5 nhân viên mà đôi khi vẫn rơi vào tình trạng quá tải do khách đông. Giờ đây, cửa hàng cũng chỉ còn mình tôi. Điều này là đủ để thấy thực trạng du lịch ở đây đang ảm đạm ra sao”.

Hơn nữa dù đã nâng công suất khai thác chuyến bay, các hãng hàng không của Châu Âu vẫn đối mặt với cảnh tượng ghế trống rất nhiều. Theo công cụ theo dõi chuyến bay OAG, số lượng ghế được cung cấp trên các chuyến bay đến Áo trong thời gian gần đây giảm 39% so với năm 2019. Sự sụt giảm tương tự cũng xảy ra ở Pháp và Đức.

Ông Michael O’Leary, Giám đốc Điều hành hãng hàng không giá rẻ của Ireland nhận định: “Thị trường du lịch Châu Âu sẽ tiếp tục trầm lắng ít nhất cho đến Giáng sinh năm nay. Với tình hình dịch bệnh hiện tại, nó thậm chí còn ảnh hưởng đến lượng khách cho kỳ nghỉ hè năm 2022”.

Như vậy có thể nói, khác với du lịch Châu Á, Châu Âu hiện phảiđối mặt với tình hình tăng trưởng du lịch không mấy khả quan khi dịch bệnh tiếp tục có diễn biến căng thẳng.

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top