Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD&ĐT: Cần sự đồng hành tích cực của văn hóa mạng

Thứ Hai 29/11/2021 | 09:30 GMT+7

VHO-  Tại Hội thảo Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo lắng khi nhiều mặt trái của “cuộc sống số” đang tác động tiêu cực và ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa học đường. Việc nghiên cứu và xây dựng văn hóa học đường trên không gian mạng vì vậy được nhiều ý kiến đề xuất là nhiệm vụ rất cần thiết.

 Giới trẻ có thể tìm thấy sự an ủi, tin tưởng, niềm vui và học hỏi được khối lượng tri thức khổng lồ từ nền “văn hóa số” (ảnh minh họa)

Một thế hệ lớn lên cùng ipad, smart phone…

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, một thực tế đáng quan tâm là bên cạnh Internet, mạng xã hội đang ngày càng được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Gần đây, mạng xã hội đã phát triển thêm nền tảng học tập, vì vậy đã tạo thêm một không gian văn hóa mới mang tính giáo dục để mọi người trau dồi kiến thức và kỹ năng; nơi cả thầy và trò cùng đến với các giá trị quan trọng, bao gồm sự hợp tác, chia sẻ, giao tiếp, sáng tạo. Với thế hệ Z, thế hệ lớn lên cùng với ipad, điện thoại thông minh, mạng xã hội và thế giới ảo, văn hóa mạng là một thành phần không thể thiếu tạo nên nền tảng tinh thần của họ.

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cũng nhận định, văn hóa mạng có ảnh hưởng mạnh mẽ và to lớn tới văn hóa nhà trường. Bên cạnh việc học tập trong nhà trường, các em còn gia nhập vào một nền văn hóa khác có tác động mạnh mẽ hơn. Họ có thể tìm thấy sự an ủi, tin tưởng, niềm vui, học hỏi được khối lượng tri thức khổng lồ từ nền văn hóa ấy. Mặt khác, họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ văn hóa mạng.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin, theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), năm 2020 Việt Nam là một trong 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. “Văn hóa học đường chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác động, trong đó có văn hóa của Internet và văn hóa mạng. Bối cảnh chuyển đổi số cho thấy văn hóa số có những tác động rất sâu sắc đến văn hóa học đường, bởi văn hóa học đường được tạo nên từ bối cảnh…”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nêu. Ông phân tích, chủ thể chính của văn hóa học đường là giáo viên, học sinh, trong khi hai chủ thể này lại khai thác, sử dụng Internet và mạng xã hội rất phổ biến, vì thế nên sự tác động lại càng trực tiếp và sâu sắc. Song song đó là chủ thể của hoạt động dạy học với nhiều ngữ liệu cập nhật hiện đại được “chứa đựng” trên cổng thông tin Internet; công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ trong đó có mạng xã hội, các phần mềm đã trở thành các công cụ thực thi dạy học. Điều đó càng làm cho dấu ấn của văn hóa học đường bị tác động thêm nhiều và ngày càng nhiều hơn nữa.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng thông tin, theo báo cáo của Microsoft năm 2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng của Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia thấp nhất thế giới. Khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) năm 2017, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người dùng mạng tại Việt Nam tập trung ở: Nói xấu, phỉ báng; vu khống, bịa đặt thông tin; kỳ thị dân tộc; kỳ thị giới tính; kỳ thị khuyết tật. Đây là một trong những dữ liệu cho thấy thực trạng văn hóa học đường của Việt Nam cần được xem xét, cải tiến, nhất là sự quan ngại về tác động của thực trạng này đến con người, đặc biệt là trẻ em, học sinh vị thành niên.

Cấp thiết xây dựng văn hóa mạng trong nhà trường

Các chuyên gia trăn trở, cùng với những ưu điểm vượt trội thì ảnh hưởng tiêu cực của “không gian ảo” đang bộc lộ một cách rõ nét. Trong khi người sử dụng mạng Internet dần trẻ hóa và có xu hướng gia tăng thì các chuyên gia và “giáo viên mạng” cũng xuất hiện ngày càng nhiều, tạo ra những điều trăn trở mới. “Không ít hành vi, cử chỉ, cách nói năng và cả những hệ lụy nảy sinh xoay quanh cách triển khai lời giảng, cách cư xử hay ứng xử với người học...”, GS Huỳnh Văn Sơn nêu.

Trong bối cảnh đó, hỗn tạp văn hóa nơi không gian mạng “tấn công” văn hóa học đường cũng đang là điều mà nhiều chuyên gia lo lắng. Theo GS Huỳnh Văn Sơn, xây dựng văn hóa học đường đúng nghĩa không thể thiếu việc quản lý và xây dựng văn hóa mạng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Mặc dù Bộ TT&TT đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhưng đây cũng chỉ là những quy định chung, mang tính định hướng. “Việc xây dựng văn hóa học đường đúng nghĩa cần đảm bảo thực thi bằng nhiều giải pháp, trong đó nhất thiết xây dựng văn hóa mạng trong bối cảnh chuyển đổi số là rất quan trọng, thậm chí là điều kiện cơ bản…”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chú ý bồi dưỡng giáo viên một cách căn bản, có tầm nhìn về việc sử dụng Internet, nhất là kỹ năng chuyển đổi số và phát triển các giá trị văn hóa học đường trên không gian mạng. Hỗ trợ học sinh làm quen, khai thác và sử dụng Internet một cách chủ động. Tăng cường chức năng giám sát của Bộ, ngành có liên quan, nhất là biện pháp quản lý hệ thống, toàn cục. “Cần xây dựng chương trình hành động cụ thể gắn với các đề án hoặc đầu tư một đề án cụ thể, bài bản do Thủ tướng ra quyết định với sự tham gia và thực hiện của các Bộ, ngành là vấn đề cần quan tâm”, GS Huỳnh Văn Sơn đề xuất.

Khẳng định việc xây dựng một văn hóa học đường tích cực là nhiệm vụ cấp thiết, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng cho rằng, đây là lĩnh vực phức tạp bởi lẽ các chuẩn mực, giá trị, niềm tin tạo nên văn hóa học đường chịu tác động của nhiều yếu tố. Đặc biệt, do nhà trường thường là một thiết chế bé nhỏ trong một hệ thống kinh tế - xã hội rộng lớn nên các yếu tố bên ngoài có tác động nhiều khi mang tính chi phối đến việc hình thành và phát triển của văn hóa học đường. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh, Nhà nước cần sớm thống nhất về các kết quả nghiên cứu để chính thức ban hành hệ giá trị quốc gia, làm nền tảng cho sự phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Trong khi chờ ban hành hệ giá trị quốc gia, ngành văn hóa cần sớm xây dựng và ban hành hệ giá trị gia đình Việt Nam, làm nền tảng cho việc xây dựng văn hóa gia đình.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đặc biệt lưu ý, cùng với việc tổ chức thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cần từng bước tiến tới xây dựng văn hóa mạng, trước hết là văn hóa mạng trong nhà trường. Trong phạm vi giáo dục nhà trường thì văn hóa mạng giờ đây có sự giao thoa với văn hóa học đường. Ngành Giáo dục cần xác định các giá trị, chuẩn mực, niềm tin mà thầy và trò cùng chia sẻ, theo đuổi trong quan hệ ứng xử với không gian mạng, hướng đến văn hóa mạng tích cực đồng hành với văn hóa học đường. 

HÀ QUYÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top