Kể chuyện văn hóa theo cách của riêng mình

VHO- Lần đầu chiêm ngưỡng những cô búp bê diện trang phục dân tộc do họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh chế tác, không ít người thấy trong lòng rung lên những xúc cảm khó tả. Bởi ngày hôm nay, người lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc để sáng tạo không hiếm, thế nhưng, tìm được tác phẩm có hồn và hàm chứa những rung động nghệ thuật thực sự thì lại là điều không dễ dàng!

Kể chuyện văn hóa theo cách của riêng mình - Anh 1

 Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh bên những tác phẩm của mình

Và có lẽ, để có thể đem đến cho người xem trải nghiệm trực giác thú vị về trang phục của 54 dân tộc anh em là một hành trình nhọc nhằn và nhiều gian khổ. Ở đó, người nghệ sĩ phải hóa hiện được tâm hồn, phông văn hóa, cảm thức riêng biệt của mình lên từng tác phẩm. Đồng thời, để thành công, tác giả cũng phải sẵn có trong mình một tình yêu thương và sự thấu cảm với những sắc màu văn hóa.

Tự coi mình là “Gã họa sĩ bị thời gian lãng quên”, lâu nay Nguyễn Hoàng Anh ghi dấu tên tuổi của mình từ những bức tranh sơn dầu xoay quanh đề tài về thiên nhiên, con người… Mỗi khi ý tưởng mới nảy sinh, Hoàng Anh luôn hướng đến việc thể hiện thế nào để thông qua tác phẩm, người xem có thể tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn với người sáng tác. Đó là những quan điểm dung dị, nhẹ nhàng nhưng không phải vì thế mà tranh của anh thiếu vắng những điều lạ lẫm! Lạ như chính con người anh, sinh ra tại Đường Lâm, có một quãng thời gian rất dài gắn bó với con phố Hàng Trống, rồi lại quyết định chuyển về sinh sống tại quận Hoàng Mai… nhưng lại vẫn giữ thói quen đi chợ Hàng Bè như bao người dân Phố cổ!

Thế rồi chỉ mới đây thôi, ngay sau khi công bố bộ sưu tập búp bê trong trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam, công chúng mới giật mình: Thì ra đây cũng là một nhà thiết kế và may vá có hạng! Những ngày này, ghé thăm căn nhà của anh, bất kỳ ai cũng có thể thưởng thức cả một bữa tiệc mãn nhãn khi Hoàng Anh trưng ra những cô búp bê đẹp mê mẩn trong sắc màu thổ cẩm của đồng bào 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S. Mỗi một tác phẩm lại mang một cách tạo hình khác nhau, và từng chi tiết, đường nét trên khuôn mặt, vóc dáng đều “ra” được nét đặc trưng riêng của mỗi tộc người.

Nâng niu cô búp bê diện trang phục của người Mông, lòng tôi quả quyết đây đích thị là người phụ nữ quanh năm “mặt nóng vì hơi lửa, lưng lạnh vì hơi sương”. Còn nữa, nào là người Mường, người Thái, người Dao, người Nùng, người Pà Thẻn…, từ chiếc khăn đội đầu cho tới những chiếc khuyên tai được thu nhỏ theo đúng một tỉ lệ đều sinh động và chân thực quá!

Nói với tôi mà như đang trò chuyện với chính mình, Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, dự án này đã được anh ấp ủ, tìm tòi và bắt tay thực hiện cách đây cả một thập kỷ! Anh bộc bạch: “Hội họa đã cho mình nhận ra phục trang của đồng bào rất hấp dẫn, từ màu sắc đến kiểu cách. Khi ấy, mình quyết định chắt lọc, cắt ghép, chi tiết hóa, thu nhỏ lại theo góc nhìn của bản thân để phục trang dân tộc truyền thống tiếp cận được tới nhiều người hơn". Với người làm nghệ thuật, một thập kỷ không phải là chặng đường quá dài nhưng cũng đòi hỏi ở người theo đuổi nó một sự gan lỳ cao độ. Chàng nghệ sĩ tài hoa ấy hào hứng: “Nhờ sự đọc, sự quan sát, tìm tòi và những hiểu biết tích lũy được, trong suốt 2 năm miệt mài đi thực tế để nâng cấp tư duy và thẩm mỹ của chính mình, ngày hôm nay Hoàng Anh đã tái hiện được 45 mẫu trang phục truyền thống của các dân tộc, thể hiện trên 60 mẫu búp bê”.

Kể chuyện văn hóa theo cách của riêng mình - Anh 2

 Những cô búp bê đẹp mê mẩn trong sắc màu thổ cẩm của đồng bào 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S

Để chế tác hoàn chỉnh, bước đầu tiên anh thực hiện là nghiên cứu thật kỹ trang phục. Loại vải thổ cẩm để may trang phục nhất định phải được kiếm tìm ở nơi nó sinh ra. Bước tiếp theo là tiến hành tạo phôi bằng composite - loại chất liệu vừa bền đẹp lại vừa dễ tạo dáng, giúp diễn tả phần da thịt giống với người thật. Ở mỗi một cô búp bê đại diện cho một dân tộc, Nguyễn Hoàng Anh đều trau chuốt tỉ mỉ từ gương mặt, cử chỉ, chất liệu vải, hoa văn trên váy, hay những vật dụng gắn liền với đời sống thường nhật của dân tộc đó như dùi, chiêng, trống, đôi dép, khăn, mũ, đồ trang sức… Anh hài hước: “Tôi là một người xấu tính và luôn tự làm khó mình, luôn đòi hỏi sản phẩm sau phải đẹp hơn sản phẩm trước… Và khi sản phẩm chế tác ra được nhiều người biết tới, bản thân tôi cũng rất hạnh phúc. Tất nhiên, thành quả ngày hôm nay có được là do các sản phẩm đã tự cất tiếng nói, tự tìm chỗ đứng phù hợp và toả sáng, chứ người làm ra nó thực chất cũng chả tài cán gì. Nói một cách dễ hiểu là tôi chỉ biết vẽ, chơi đồ hàng (đúng với tính cách lúc nhỏ) nhưng nhờ hào quang của tranh, của búp bê mình tạo ra nên được hưởng ké mà thôi”.

Hiện nay, búp bê của anh có 2 cỡ: 25cm và 35cm. Mẫu 35 cm có nhiều “đất” để phô bày họa tiết mà họa sĩ gửi gắm. "Khi những mẫu búp bê khoác lên mình bộ phục trang đồng bào dân tộc được trưng ở các sân bay quốc tế và một số shop lưu niệm trên Phố cổ Hà Nội, mình rất hạnh phúc và tin rằng những món quà nhỏ đó sẽ theo chân du khách đi khắp năm châu”, anh Hoàng Anh chia sẻ và cho biết thêm, thời gian tới sẽ hoàn chỉnh bộ búp bê đầy đủ 54 dân tộc Việt Nam, và coi đó như một nhịp cầu để có thể giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế. 

VŨ MỪNG

Ý kiến bạn đọc