Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Uy Long môn và chuyện về nữ võ sư đầu tiên của miền Bắc

Thứ Sáu 17/12/2021 | 15:40 GMT+7

VHO- 33 năm theo nghiệp võ, là võ sư cao cấp của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, người sáng lập môn phái trẻ nhất Việt Nam và là nữ võ sư đầu tiên của miền Bắc… khó có thể hình dung một người con gái đất Cảng trông bề ngoài nhỏ nhắn, mảnh mai này lại nổi tiếng trong giới võ thuật cả nước đến vậy. Đó là võ sư Nguyễn Thị Thanh Tâm - Tổng Thư ký Liên chi hội Võ cổ truyền Hải Phòng, trưởng võ phái Uy Long Môn.

Võ phái Uy Long Môn được đưa vào trường học trở thành môn giáo dục thể chất cho học sinh

Sống hết mình với đam mê võ thuật

Trong cái rét ngọt của những ngày cuối năm, tôi tranh thủ gặp võ sư Thanh Tâm tại Cung Văn hoá - Thể thao Thanh niên Hải Phòng khi chị vừa cho các môn sinh nghỉ giải lao sau buổi tập luyện. Thanh Tâm cho biết, đợt này chị đang tập trung dạy tăng cường cho các môn sinh để chuẩn bị thi đấu giải toàn quốc và cấp quận sắp tới nên tương đối bận rộn. Trước mắt tôi là một người phụ nữ trông trắng trẻo, khá trẻ so với tuổi 45 và nói chuyện nhỏ nhẹ, không ai nghĩ đây lại là một võ sư Bạch đai (đai cao nhất dành riêng cho võ sư chưởng môn), trưởng võ phái Uy Long môn - một trong những võ phái có đông môn sinh và có sức lan tỏa nhất đất Cảng hiện nay.

Nói về hành trình trên con đường võ thuật đầy gian nan, nhọc nhằn của mình, nữ võ sư chia sẻ, năm 12 tuổi, trong dịp nghỉ hè, Thanh Tâm cùng bạn bè đến Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố Hải Phòng để tìm học thêm môn năng khiếu. Trong khi bạn bè chọn múa, hát, vẽ… thì Thanh Tâm lại bị hấp dẫn bởi sự mạnh mẽ, linh hoạt của môn võ karatedo. Vậy là cô bé Tâm mạnh dạn ghi danh tập luyện. Ban đầu cũng chỉ đơn giản là tập luyện cho vui, nâng cao sức khoẻ chứ không nghĩ mình sẽ theo đuổi võ thuật một cách lâu dài, chuyên nghiệp. Sau ba tháng học karatedo, một người bạn lại dẫn Thanh Tâm đến thụ giáo võ sư Đặng Đình Hòa, trưởng môn phái Thiếu Lâm Đặng Gia Quyền. Và như một mối duyên tiền định, những kiến thức mênh mông, nét đẹp của môn võ cổ truyền đã có sức dẫn dụ, cuốn hút tâm hồn của một cô bé 12 tuổi để rồi cô bé ấy đã quyết định gắn bó và tận hiến với võ thuật cổ truyền cho đến ngày hôm nay.

Võ sư Thanh Tâm

Với năng khiếu thiên bẩm cộng với niềm đam mê và sự khổ luyện, chỉ sau một năm theo học, Nguyễn Thị Thanh Tâm đã xuất sắc giành tấm Huy chương Bạc đầu tiên trong sự nghiệp tại Liên hoan Võ cổ truyền toàn quốc năm 1989 tại Hà Nội. Tấm huy chương đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ mang thành tích về cho Hải Phòng trong thời điểm võ thuật Hà Nội và thành phồ Hồ Chí Minh đang chiếm thế thượng phong mà còn khiến cho Thanh Tâm thêm tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Đó là niềm niềm khích lệ, động viên không nhỏ giúp chị tiếp tục học tập, rèn luyện để đi theo con đường võ thuật cổ truyền. Với mong muốn được truyền dạy và làm lan toả những giá trị cao đẹp của võ thuật cổ truyền trong cộng đồng, sau 5 năm miệt mài luyện tập và chuẩn bị, cơ sở võ học đầu tiên do Thanh Tâm trực tiếp lên lớp giảng dạy được thành lập năm 1994. Như vậy, ở tuổi 18, Nguyễn Thị Thanh Tâm trở thành nữ võ sư đầu tiên của khu vực phía Bắc.

Võ phái Uy Long Môn ngày càng phát triển tại Hải Phòng

Dấu ấn Uy Long Môn

Năm 2009 là năm đánh dấu mốc lớn trong sự nghiệp võ thuật của Nguyễn Thị Thanh Tâm khi nữ võ sư chính thức sáng lập môn phái võ cổ truyền mang tên Uy Long Môn. Thời điểm này, chị là người sáng lập môn phái trẻ nhất Việt Nam khi mới ngoài 30 tuổi.

Lý giải về tên gọi võ phái của mình, võ sư Thanh Tâm chia sẻ, Uy là tên cậu con trai của mình, Long là Rồng (Thanh Tâm tuổi Thìn - 1976) nên chị lấy tên Uy Long Môn với hàm ý vừa thể hiện hình ảnh Rồng mạnh mẽ, đầy uy lực đồng thời mong muốn sau này Triệu Uy sẽ tiếp tục nối nghiệp mẹ. Có thể nói, Uy Long Môn là thành quả chứa đựng biết bao tâm huyết, tình yêu và sự kỳ vọng của nữ võ sư trẻ đất Cảng. Để thực hiện được ước nguyện này, Thanh Tâm đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, trí tuệ, những kiến thức võ học và kinh nghiệm quý báu được tích lũy trong hơn 20 năm cho việc nghiên cứu, phát triển những tinh hoa võ thuật mà mình thu nhận được. Qua những lần tầm sư học đạo trong Nam ngoài Bắc cũng như đi tham quan, giao lưu với các nền võ thuật của thế giới, võ sư Thanh Tâm đã kiên trì học hỏi, thu nạp biết cách vận dụng, sáng tạo rồi lồng ghép những cải tiến để cho ra đời nhiều thế võ mới lạ, độc đáo, phù hợp với triết lý của môn phái mình.

Võ sư Thanh Tâm thường xuyên tham gia các giải võ thuật cổ truyền

Sự khác biệt giữa Uy Long Môn với các môn phái khác đang tồn tại ở Việt Nam đó là môn phái này có một hệ thống triết lý và binh pháp rất riêng. Ngoài những loại binh khí thông thường như gươm, đao, kiếm, kích, gậy... Uy Long Môn đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng các binh khí dân gian như cuốc, xẻng, chổi, đòn gánh, ô dù, ghế, cọc rào, nhuyễn tiên (dây xích)… Những vật dụng hết sức gần gũi với cuộc sống, tưởng chừng không là gì nhưng lại được Thanh Tâm biến tấu thành vũ khí hết sức thuần thục và linh hoạt thông qua những thế đánh hiệu quả, ít rườm rà. Theo võ sư Thanh Tâm, với cao thủ thì bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành vũ khí, thậm chí là tay không nhưng không phải lúc nào người luyện võ cũng có thể giành chiến thắng khi gặp chuyện. Nếu đánh đúng chiêu thức và phương pháp thì sẽ tiết kiệm được sức lực và tăng tính hiệu quả. Nhưng nữ võ sư khuyến cáo rằng, tốt nhất là không nên đánh nhau theo kiểu bản năng. Nếu có chẳng may vướng xung đột thì ưu tiên thoát thân thay vì đối đầu và luôn phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Một năm sau khi ra đời, võ phái Uy Long Môn đã được Hội Võ thuật cổ truyền Hà Nội mời tham dự biểu diễn phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội và đạt 3 Huy chương Vàng cho đoàn thể thao Hải Phòng. Đầu năm 2012, võ phái tiếp tục tham gia giải Võ thuật Hà Nội mở rộng và giành 4 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng, đứng thứ 3/64 đoàn tham dự, trong đó có nhiều đoàn nước ngoài. Năm 2013, Uy Long Môn tham gia các giải võ thuật và giành được 23 huy chương các loại. Với những thành tích đạt được, năm 2011, Uy Long Môn vinh dự được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam chính thức công nhận là phái võ cổ truyền dân tộc.

Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Uy Long Môn thường xuyên được mời đi giao lưu võ thuật ở nhiều nơi và gây được nhiều ấn tượng như tham gia Festival võ thuật quốc tế tại Bình Định (2012), Đại hội Quốc tế võ cổ truyền (2015). Nữ võ sư Nguyễn Thị Thanh Tâm còn được mời tham dự giao lưu võ thuật ở nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và châu Âu.

Danh tiếng của Uy Long Môn cứ thế lan tỏa gần xa. Đã có hàng nghìn môn sinh theo học và nữ võ sư Thanh Tâm đã đưa Uy Long môn trở thành võ phái quy mô nhất của đất Cảng hiện nay.

Văn võ song toàn

Mặc dù hiện nay, võ sư Thanh Tâm có nhiều đệ tử đủ bản lĩnh, kinh nghiệm thay chị đứng lớp huấn luyện nhưng với những bài quyền khó, đòi hỏi kỹ năng cao nên chị vẫn thường xuyên trực tiếp thị phạm, chỉnh sửa cho môn sinh từng động tác nhỏ nhất, đem lại sự hoàn hảo trong từng bài tập. “Dạy võ là việc dễ còn sáng tạo ra môn phái võ là thứ hoàn toàn khác. Tạo ra một môn phái để mọi người tập luyện là việc không hề đơn giản. Với môn phái này, từ trẻ đến già, từ nam đến nữ đều có thể tập luyện những thế quyền rất dẻo dai, uyển chuyển, ẩn chứa đầy sức mạnh và vô cùng lợi hại. Ngoài ra, võ phái cũng mở rộng đào tạo cả ngoại công, tự vệ nữ, đối kháng, những bài tập gần gũi cho người tập!”- Nữ võ sư chia sẻ. 

Để có thể bước dài, tiến xa trên con đường võ thuật đầy chông gai của mình, Thanh Tâm hết sức coi trọng việc học tập, nâng cao trình độ một cách chính quy, bài bản, trở thành một người thầy đúng nghĩa. Bản thân chị đã cố gắng, nỗ lực học tập và đã có hai bằng Đại học Thể dục - Thể thao và Thạc sĩ Sư phạm.

Với mong muốn võ phái của mình được lan toả rộng rãi hơn trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu thúc đẩy phong trào học võ cổ truyền, rèn luyện thân thể cũng như ý chí tự lập, tự cường trong thanh thiếu niên Hải Phòng, song song với cơ sở tại Cung Văn hóa - Thể thao Thanh niên Hải Phòng do chị tự đứng lớp huấn luyện, võ sư Thanh Tâm đã thành công khi đưa Uy Long Môn vào các trường tiểu học, trung học phổ thông trên địa bàn quận Lê Chân và quận Ngô Quyền thông qua mô hình giáo dục thể chất cho các em học sinh. Qua một thời gian luyện tập, nhiều em học sinh đã cho thấy sự cứng cáp, khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn hơn khiến ngày càng nhiều phụ huynh tìm đến võ sư Thanh Tâm gửi gắm con em mình. Những em có năng khiếu và thực sự yêu thích cũng được phụ huynh tin tưởng đưa tới Cung Văn hóa - Thể thao Thanh niên theo học Uy Long Môn một cách dài hơi hơn. Đây thực sự là một sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em. Hơn thế nữa, sau 2 năm thành lập, Uy Long Môn đã ra mắt riêng 1 câu lạc bộ võ thuật tại Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng, thu hút hàng trăm sinh viên theo tập. Đến nay sau hơn 12 năm hoạt động, từ những ngày đầu chỉ có vài chục môn sinh, đến nay, võ phái đã có gần 2 nghìn môn sinh. Trong số đó, có nhiều em xuất sắc đạt huy chương tại các giải thi đấu cấp thành phố và toàn quốc.

Võ sư quốc tế Trần Việt, Phó Tổng thư ký - Trưởng ban chuyên môn Hội võ thuật Hà Nội cho biết: “Võ sư Thanh Tâm là một trong những nữ võ sư hiếm hoi của Việt Nam. Chị là nữ võ sư hết sức nhiệt tình, năng nổ, lăn lộn với phong trào cũng như tham gia các cuộc họp định kỳ của Hội Võ thuật Hà Nội. Chị thường đưa các võ sinh đến tham gia các hoạt động tại các sự kiện võ thuật. Với sự nhìn nhận và đánh giá của Hội Võ thuật Hà Nội thì chúng tôi hết sức đánh giá cao những nỗ lực và cố gắng của võ sư Thanh Tâm trong hoạt động võ thuật!”.

Theo Thanh Tâm, võ công phải song hành với “võ đức” và luôn phải có tinh thần thượng võ, nhẫn nại, kiên trì và bao dung trong cuộc sống. Hơn 30 năm theo đuổi niềm đam mê, tâm huyết với công việc giảng dạy võ thuật, nữ võ sư đã đem về nhiều thành tích cho thể thao Hải Phòng nói chung và võ thuật cổ truyền nói riêng, là niềm tự hào của người dân thành phố Cảng.

Để có được thành công như hôm nay, ngoài sự ủng hộ, tạo điều kiện của Liên đoàn Võ thuật thành phố, Cung Văn hoá - Thể thao Thanh niên Hải Phòng ra thì võ sư Thanh Tâm luôn được người chồng hết lòng ủng hộ dù anh không theo nghiệp võ. Bên cạnh thời gian dành cho võ thuật khá vất vả ra thì chị còn là hội viên của Hội Doanh nhân đất Cảng, kinh doanh thêm mặt hàng gốm sứ và tinh dầu để kiếm thêm thu nhập.

Chia tay Thanh tâm, điều tôi ấn tượng nhất là câu nói và ánh mắt cương nghị của nữ võ sư: “Nếu phải chọn lại một lần nữa, tôi vẫn sẽ theo nghiệp võ. Võ là danh, là cốt của mình. Theo nghiệp võ là duyên của đời tôi. Được sống với đam mê, được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè, tôi tin Uy Long Môn sẽ góp phần đưa nền võ thuật cổ truyền của Việt Nam chúng ta tiến xa hơn nữa!”.

MẠNH THƯỜNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top