Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng “bắt tay” trùng tu di tích Hải Vân Quan

Thứ Hai 20/12/2021 | 09:35 GMT+7

VHO- Sau nhiều năm bị xuống cấp nghiêm trọng, di tích Hải Vân Quan nằm giữa địa giới TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế đã được chính quyền hai địa phương khởi công trùng tu vào hôm qua 19.12. Dự án sẽ bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đồng thời góp phần phục vụ và phát triển kinh tế - xã hội của cả 2 địa phương.

 Di tích Hải Vân Quan tại đỉnh đèo Hải Vân

Dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan” có tổng kinh phí hơn 42 tỉ đồng, với 50% nguồn ngân sách của TP Đà Nẵng và 50% ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án được thực hiện trong vòng 2 năm, do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư, và Sở VHTT TP Đà Nẵng là đơn vị đại diện Đà Nẵng phối hợp điều hành thực hiện.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân, được mệnh danh là “yết hầu” của Kinh đô Huế. Công trình di tích này cũng nằm trên con đường Thiên Lý độc đạo lưu thông từ Kinh đô Huế đến xứ Quảng Nam và ngược lại. Với địa thế cao hơn gần 500m so với mực nước biển, đứng trên Hải Vân Quan có thể quan sát rất rộng về các phía, đặc biệt là toàn bộ vịnh Đà Nẵng.

Triều đình nhà Nguyễn đã dựa vào địa thế tự nhiên để xây dựng một thành lũy đặc thù, phát huy cao nhất tính năng quân sự, đó là Hải Vân Quan hùng vĩ với những thành tố kiến trúc chính: Vòng tường thành dài khoảng 130m vây quanh con đường Thiên lý độc đạo; cộng với những bức tường thành kiên cố chắn ngang đến vách núi; một cổng lớn chắn trên đường Thiên Lý phía Nam có biển ngạch đề 3 chữ Hán đại tự Hải Vân Quan; một cổng lớn chắn trên đường Thiên lý phía Bắc có biển ngạch đá Thanh khắc các chữ Hán đại tự “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan”; một cổng phụ ra vào cho binh lính cùng nhà Trú Sở (là nơi cư trú) và Võ Khố (là nhà kho)... Đặc biệt toàn bộ các hạng mục công trình này đều nằm trên đỉnh cao nhất của đường Thiên Lý.

Trong giai đoạn 1945 - 1975, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã tiến hành xây dựng thêm các công trình ở đây như một số vọng gác, lô cốt hòng trấn giữ con đường huyết mạch này... Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều công trình tiếp tục được xây dựng trong phạm vi Hải Vân Quan như: Bia chiến thắng Đồn Nhất, trạm Viba, các ngôi nhà tạm, đường dây cao thế, khu lăng mộ gia đình… Cùng với đó, tình trạng các hộ dân kinh doanh lộn xộn, mất thẩm mỹ, vệ sinh môi trường ở khu dừng chân trên đỉnh Hải Vân nhiều năm qua đã khiến di tích và cảnh quan bị xuống cấp.

Năm 2017, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia cho Hải Vân Quan, thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan” được triển khai trên diện tích 6.500 m2 với nhiều hạng mục. Trong đó, sẽ tháo dỡ toàn bộ các lô cốt đến nền gốc tích thời Nguyễn và tu bổ cửa Hải Vân Quan và cửa Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan theo các dấu tích nguyên gốc; phục hồi thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, tường xây gạch vồ; phục hồi hệ lan can và trang trí trên nóc theo tư liệu; phục hồi hệ thống cửa ván ghép con tiện gỗ. Với hệ thống tường thành nhà Nguyễn, phục hồi bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học, gia cố toàn bộ hệ thống chân tường thành; các tường phía Nam phục hồi pháo nhãn, tường che, các ụ đặt pháo, các chòi quan sát hướng Đông Nam và Tây Bắc, tai tường và thang lên các cổng từ tường thành bằng gạch vồ. Phục hồi nhà Trú Sở và nhà Vũ Khố đã được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu…

 SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top