Bảo tàng TP.HCM giảm 30% giá vé cho tất cả khách tham quan từ 1.1

VHO – Hưởng ứng “Chương trình kích cầu du lịch mừng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022”, Bảo tàng TP.HCM giảm 30% giá vé cho tất cả khách tham quan từ ngày 1.1 đến ngày 15.2.2022.

Bảo tàng TP.HCM giảm 30% giá vé cho tất cả khách tham quan từ 1.1 - Anh 1

Học sinh tham quan Bảo tàng TP.HCM (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19)

Theo Bảng giá do Bảo tàng TP.HCM công bố khi chưa áp dụng chương trình giảm giá (căn cứ theo Nghị quyết số 16/2017/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM), phí tham quan dành cho khách bình thường là 30.000 đồng/khách/lượt; giảm 50% các đối tượng là trẻ em (từ 6-16 tuổi); học sinh-sinh viên các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam; người cao tuổi Việt Nam, người khuyết tật nặng. Trẻ em dưới 6 tuổi miễn phí.

Ngoài mức vé dành cho khách tham quan, Bảo tàng khai thác dịch vụ trong giờ hành chính (tính theo lượt, một lượt không quá 4 giờ, không phân biệt máy chụp ảnh là máy cơ, máy điện từ, điện thoại…). Cụ thể, có một số dịch vụ như: Chụp ảnh lưu niệm, chụp ảnh cưới; quay phim và chup ảnh cưới; chụp ảnh kỷ yếu, làm bài thực tập dành cho học sinh – sinh viên; chụp ảnh có yếu tố nghệ thuật;…

Bảo tàng TP.HCM giảm 30% giá vé cho tất cả khách tham quan từ 1.1 - Anh 2

Với kiến trúc đẹp, thiết kế theo kiểu cổ điển - phục hưng, Bảo tàng TP.HCM là lựa chọn thường xuyên của các cặp đôi đến chụp ảnh cưới

Trong đó, chụp ảnh lưu niệm là 20.000 đồng/máy (không trang bị, đầu tư trang phục, phụ kiện,…); chụp ảnh cưới 500.000 đồng/máy (gồm cô dâu, chú rể và ê kíp phục vụ chụp ảnh tối đa 3 người; trang phục cưới tối đa 3 bộ, không nhằm mục đích quảng bá, quảng cáo)…

Bảo tàng TP.HCM là tòa nhà do kiến trúc sư người Pháp - Foulhoux vẽ kiểu và thiết kế, được xây dựng năm 1890 theo kiểu cổ điển - phục hưng: Mặt tiền của tầng lầu mang đường nét Tây phương, nhưng phần mái lại mang dáng dấp Á Đông. 

Mục đích ban đầu của tòa nhà là Bảo tàng Thương mại trưng bày những sản vật trong nước. Vì thế ở hai bên cửa chính có hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp và các phù điêu trang trí đắp nổi đều lấy biểu tượng thần thoại Hi Lạp cùng với cây cỏ và thú vật vùng nhiệt đới. Nhưng khi xây xong, tòa nhà trở thành tư dinh Thống đốc Nam kỳ Henri Eloi Danel.

Bảo tàng TP.HCM giảm 30% giá vé cho tất cả khách tham quan từ 1.1 - Anh 3

Một hoạt động trưng bày tại Bảo tàng thực hiện gần đây

Chỉ trong năm 1945, tòa nhà đã năm lần thay đổi chủ nhân. Tháng 3.1945, Nhật đảo chính Pháp, Thống đốc Yoshio Minoda (người Nhật) chiếm dinh này. Tháng 7 năm đó, phát xít Nhật mới giao dinh này cho chính phủ Bảo Đại - Trần Trọng Kim. Viên Khâm sai Nam bộ Nguyễn Văn Sâm ở chẳng bao lâu thì ngày 25.8.1945, lực lượng cách mạng hạ cờ quẻ ly kéo cờ đỏ sao vàng và từ đây tòa nhà trở thành trụ sở của Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ, rồi của Ủy ban Nhân dân (UBND) Nam bộ. Ngày 10.9.1945, Trung tá B.W Roe (phái bộ quân sự Anh) ngang ngược chiếm dinh, buộc UBND Nam bộ phải dời về dinh Đốc lý (nay là trụ sở UBND TP.HCM).

Sau khi chiếm lại Sài Gòn, từ ngày 23.5.1947, Pháp giao dinh này cho Lê Văn Hoạch làm trụ sở chính phủ Nam kỳ tự trị và sau đó chuyển cho Trần Văn Hữu làm dinh Tổng trấn (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần (từ 2.6.1948).

Sau hiệp định Genève 1954, Ngô Đình Diệm dùng tòa nhà này làm dinh Quốc khách. Ngày 27.2.1962, dinh Độc Lập bị ném bom, Ngô Đình Diệm dời phủ tổng thống sang đây. Hai mươi tháng sau, ngày 1.11.1963, quân đội Sài Gòn làm đảo chính, Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Năm 1966, dinh Độc Lập xây lại xong, tòa nhà này được làm trụ sở của Tối cao Pháp viện. 

Sau ngày 30.4.1975 ít lâu, UBND TP quyết định sử dụng toà nhà này làm Bảo tàng Cách mạng TP.HCM (ngày 12.8.1978), đến ngày 13.12.1999 được đổi tên thành Bảo tàng TP.HCM như hiện nay.

Bảo tàng TP.HCM giảm 30% giá vé cho tất cả khách tham quan từ 1.1 - Anh 4

Bảo tàng TP.HCM là điểm tham quan thu hút giới trẻ

Nội dung trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM gồm 9 phần cố định: Phòng “Thiên nhiên – khảo cổ”; Phòng “Địa lý - hành chính Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh”; Phòng “Thương cảng, Thương mại - dịch vụ”; Phòng "Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp"; Phòng "Văn hóa Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh"; Phòng “Đấu tranh cách mạng 1930 - 1954”; Phòng “Đấu tranh cách mạng 1954 - 1975”; Phòng "Kỷ vật kháng chiến" và Phòng "Tiền Việt Nam".

Trong đó, Phòng "Văn hóa Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh" giới thiệu phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật và giáo dục của Sài Gòn – TP.HCM. Phòng trưng bày mô tả đám cưới truyền thống của bốn nhóm dân tộc Việt, Chăm, Hoa và Khmer, tục ăn trầu, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thành hoàng, thờ Thổ Địa - thần Tài, sưu tập nhạc cụ, trang phục, đạo cụ và hình ảnh của một số vở cải lương nổi tiếng của sân khấu cải lương, nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc Khmer. Đặc biệt, phòng trưng bày còn giới thiệu các tư liệu về nền giáo dục ở Sài Gòn – nơi truyền bá chữ quốc ngữ và báo chí được xuất bản đầu tiên tại Việt Nam.

Bảo tàng TP.HCM giảm 30% giá vé cho tất cả khách tham quan từ 1.1 - Anh 5

Cùng với nội dung trưng bày cố định, Bảo tàng thường xuyên tổ chức nhiều trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động, hoạt động giáo dục, sinh hoạt chuyên đề phát huy giá trị di sản văn hóa,…

T.TRANG
 

Ý kiến bạn đọc