Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Chặt cây đa và tu sửa cấp thiết ở di tích cấp quốc gia đặc biệt đình Chèm, Hà Nội: Cần có câu trả lời rõ ràng

Thứ Hai 28/03/2022 | 10:32 GMT+7

VHO- Không còn nữa một diện mạo quen thuộc ở cổng di tích cấp quốc gia đặc biệt đình Chèm, với hình ảnh cây đa tỏa bóng. Tại vị trí này, giờ đây chỉ còn lại phần gốc của cây đa với bộ rễ nhô lên mặt đất, đường kính trên 2 mét. Vết cắt để lại những nhánh rễ dở dang, không ít người vốn quen thuộc với cảnh quan của đình Chèm không khỏi ngỡ ngàng, tiếc nuối.

 Cây đa lớn nằm trước cổng đình Chèm trước khi bị chặt Ảnh: TRẦN TRUNG HIẾU

Đoàn Thanh tra Sở VHTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc chặt hạ cây đa cũng như công tác tu sửa đang diễn ra tại di tích vào cuối tuần qua. Bước đầu đã có những kết luận, nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, dư luận và người yêu di sản vẫn cần có một câu trả lời rõ ràng không chỉ về việc chặt đa mà cả những nội dung về việc tu sửa cấp thiết đang diễn ra tại di tích.

Lại là chuyện ứng xử

Nằm ven bờ sông Hồng, trên địa bàn phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), đình Chèm là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng (Đức Thánh Chèm). Trải qua thời gian, đình đã nhiều lần được tu sửa, tuy nhiên kiến trúc gốc vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Những ngày qua, thông tin về cây đa nằm ngay phía ngoài cổng đình Chèm bị chặt hạ đã khiến nhiều người yêu di sản bức xúc. Cây đa tỏa bóng nơi cổng đình vốn đã tạo thành điểm nhấn cảnh quan của di tích trong nhiều năm qua. Cây đa, cổng đình Chèm cũng đã từng là địa điểm biểu diễn của nhiều nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật truyền thống. Bởi thế, nhiều người đã ngỡ ngàng và tiếc nuối khi chứng kiến hình ảnh gốc đa trơ trụi, với những nhánh rễ dở dang.

“Ai đã chặt cây đa ở đình Chèm?”, thốt lên đầy ngỡ ngàng, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Nguyễn Quang Long xót xa: “Quá bất ngờ khi biết thông tin cây đa trước cửa đình Chèm đã bị hạ gục chỉ còn gốc. Khi còn sống, cây đa khá to, phải chừng 6 người lớn dang tay mới ôm trọn một vòng gốc cây”.

Anh viết: “Những cây lớn mọc trong khu vực đình, đền, phủ, chùa... là một nét đặc trưng góp phần tạo nên văn hóa cảnh quan mang đặc trưng của người Việt. Riêng với đình Chèm, một di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong tâm thức của nhiều người dân yêu và sống ở Hà Nội thì đây là một trong những chốn linh thiêng. Song, việc chặt một cây lớn có giá trị gắn liền với một di tích mang yếu tố tâm linh (cây đa lại ở bên đình) không thể là việc làm tự phát của một cá nhân. Vậy nên, cần sự giải thích hoặc câu trả lời rõ ràng câu hỏi từ phía nhà chức trách về văn hóa, di sản có liên quan ở địa phương…”.

Vụ việc chặt hạ cây đa trước cổng đình Chèm được phát hiện trong quá trình di tích đang tiến hành tu sửa cấp thiết. Trên pano về dự án tại đình không chỉ nói rõ về quy mô đầu tư với các hạng mục tu sửa mà hình ảnh tổng thể của đình vẫn còn nguyên cây đa lớn ở phía trước. Với người yêu di sản, hình ảnh cây đa ở di tích đã gây ấn tượng mạnh. Nhiều người cho rằng, với một cái cây lớn đã tồn tại ngoài 20 năm tại một di tích đặc biệt quan trọng thì mỗi tác động, dù lớn hay nhỏ đều phải cân nhắc kỹ càng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thìn, Trưởng ban Khánh tiết đình Chèm, đây là giống cây đa đỏ mới được trồng từ năm 1998 để tạo bóng mát, không phải cây cổ thụ hay cây di sản. Trước khi bị chặt hạ, cây đa có hiện tượng nghiêng 25 độ về phía nghi môn nội (tàu tượng) và nghi môn ngoại (cột đồng trụ) của đình Chèm, có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Do tâm lý lo sợ mùa mưa bão tới gần, cây sẽ gây nguy hiểm nên ngày 18.3, cây đa đã bị chặt hạ.

Trên thực tế, việc đề nghị chặt hạ cây đa đã bắt đầu từ năm 2021. Ban Tế tự, Ban Khánh tiết của đình Chèm đã có đề nghị gửi lên các cấp chính quyền. Tuy nhiên, tháng 7.2021, trong biên bản kiểm tra hiện trạng di tích, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Phương đã ghi nhận và hứa sẽ trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, trong khi chờ ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền quyết định, UBND phường Thụy Phương đề nghị Ban Khánh tiết đình Chèm giữ nguyên trạng cây đa trước nghi môn, không tự ý chặt hạ cây. Nhưng sự việc rất đáng tiếc vẫn xảy ra.

Ngày 19.3.2022, trong biên bản kiểm tra hiện trạng, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Phương Nguyễn Thị Thanh Loan kết luận, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, việc Ban Khánh tiết Đình Chèm tự ý chặt hạ cây đa trước nghi môn đình mà không báo cáo UBND phường và các cấp có thẩm quyền là không đúng quy định.

Ban Khánh tiết đình Chèm đã nhận khuyết điểm và xin rút kinh nghiệm. Đồng thời, Ban Khánh tiết cũng đề xuất trong 10 năm tới sẽ trồng bổ sung các cây phù hợp với di tích (không trồng các loại cây ngoại lai).

Cây đa bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc rễ

Trao đổi với Báo Văn Hóa, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cho biết, ngày 24.3, Cục đã có văn bản yêu cầu Sở VHTT kiểm tra thực tế, báo cáo UBND TP Hà Nội và gửi Bộ VHTTDL về việc chặt cây đa và tu sửa tại di tích như báo chí đã nêu. Chiều 25.3, Thanh tra Sở VHTT Hà Nội phối hợp với phòng VHTT quận Bắc Từ Liêm tiến hành thanh tra những nội dung này.

Ông Trần Đình Thành cho biết, trước nay không có nhiều đề nghị chặt hạ, loại bỏ cây xanh trong các di tích. Trong hồ sơ dự án tu bổ, tôn tạo di tích do Bộ VHTTDL thẩm định, nhiều dự án đều có phương án di dời dịch chuyển dựa trên sự chủ động đề xuất của BQL di tích và ngành văn hóa địa phương cho thấy cái cây đó cần thiết phải di dời. Nếu đánh giá là cây bụi, cây mới, chủng loại cây không phù hợp với tính chất di tích thì cân nhắc giữa hiệu quả di dời với chặt bỏ xem phương án nào hiệu quả. Nếu cây có giá trị cảnh quan thì xem xét việc di dời để bảo vệ cảnh quan và hiệu quả về kinh tế. “Quan điểm nhất quán là phải đặt di sản lên trên hết”, ông Trần Đình Thành nhấn mạnh.

Về sự việc ở đình Chèm, theo ông Trần Đình Thành, hiện Cục đang chờ kết quả báo cáo từ Sở VHTT Hà Nội. Việc này cần thận trọng, cân nhắc và đánh giá tổng thể các khía cạnh. “Theo báo cáo và đánh giá từ Ban Khánh tiết, cây đa không phải loại đa truyền thống cũng như không phải yếu tố gốc của di tích, tuy nhiên Ban Khánh tiết đã đột ngột chặt hạ cây đa khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền cũng như có thêm thông tin, động thái cần thiết để tránh sự bất ngờ với người dân...”, theo ông Trần Đình Thành. Sự việc tại đình Chèm gợi nhớ đến tình huống tương tự đã từng diễn ra tại đình Voi Phục năm 2009, khi hàng loạt cây xanh, cây đại thụ cũng đột ngột bị chặt hạ, khiến dư luận bức xúc.

Sự việc đúng hay sai sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng làm rõ. Thế nhưng, một điều không thể khác là sẽ không còn nữa bóng dáng cây đa trước cổng ngôi đình cổ. Cũng không đơn thuần khi nhiều người dân thốt lên sự ngỡ ngàng, tiếc nuối trước hình ảnh cây đa chỉ còn trơ gốc rễ. Và dường như, chỉ khi báo chí lên tiếng, các đơn vị chức năng cũng như địa phương mới vào cuộc. Một lần nữa, câu chuyện ứng xử với di sản lại được đặt ra.

Tu sửa cấp thiết những gì?

Có mặt tại di tích đình Chèm ngày 25.3, theo ghi nhận của phóng viên, việc tu sửa cấp thiết tại di tích vẫn đang trong thời gian thực hiện, tuy nhiên hiện trường khu vực thi công không hề được bao che. Ngay phía cổng đình sát đường đi, đất đá ngổn ngang không được quây bạt, che đậy. Phần bậc thềm được lật hết phần đá cũ, xếp ngổn ngang ngay cạnh đó. Cho tới chiều 25.3, khi đoàn thanh tra xuống đình, công nhân thi công mới có động thái che chắn, bọc lại cột và cấu kiện được hạ giải, tháo dỡ.

Trước cổng đền các bậc thềm bị dỡ tung, vật liệu cũ mới ngổn ngang Ảnh: PHƯƠNG ANH

Dự án tu sửa cấp thiết do BQL dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư. Theo đó, di tích được tu sửa ở các hạng mục: điều chỉnh cao độ phần sân đường, tôn tạo hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật: sân đường, bó vỉa, cấp điện, cấp thoát nước, tường rào; tu bổ chỉnh trang chống xuống cấp: nghi môn nội, đại đình, phương đình, nhà bia tả hữu, tả vụ, hữu vu, cổng phụ; chống mối toàn bộ công trình; bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Từ hiện trạng tại đình Chèm, một số vấn đề được đặt ra như khu vực tiến hành tu sửa tại đình Chèm diễn ra trong nhiều tháng, lại nằm sát đường qua lại, với cách thi công như hiện tại liệu có đảm bảo an toàn các cấu kiện xưa cũ đã bị tháo dỡ…? Hơn nữa, việc chỉnh trang sân, vườn, cảnh quan… có thực sự thuộc hạng mục tu sửa cấp thiết? Đến nay, chúng tôi vẫn chưa được tiếp cận với hồ sơ tu sửa cấp thiết tại di tích này.

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cho biết, theo quy định, việc tu sửa cấp thiết di tích thuộc thẩm quyền của địa phương. Điều 19 Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL hướng dẫn quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nêu rõ, hồ sơ tu sửa cấp thiết di tích phải có thuyết minh lý do tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ, nêu rõ tình trạng kỹ thuật và các nguy cơ gây xuống cấp, sập đổ, hủy hoại di tích; đề xuất phương án tu sửa cấp thiết. Bên cạnh đó, việc thực hiện tu sửa cấp thiết có sự tham gia của tổ chức hoặc cá nhân có đủ điều kiện hành nghề thi công tu bổ di tích, có sự giám sát của Sở VHTTDL, Sở VHTT, đại diện tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích và đại diện Ban Giám sát đầu tư cộng đồng…

Liên quan đến câu chuyện tu bổ tại các di tích quốc gia trong thời gian qua, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt bình luận, trong thời gian qua, công tác quản lý, tu bổ ở các di tích kiến trúc cổ có nhiều vấn đề nổi cộm, đặc biệt là các di tích được xếp hạng. Thường xuyên diễn ra sự tùy tiện trong quá trình tu bổ, sửa chữa. Hầu như di tích nào cũng gặp trường hợp thay đổi hiện trạng, thay thế vật liệu, không giữ được nguyên trạng, sai lệch với hồ sơ cấp phép tu bổ của các cơ quan quản lý, hoặc tiến hành tu sửa mà chưa được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. “Nhiều di tích khi tu bổ bị sai lệch so với nguyên gốc, chỉ khi truyền thông lên tiếng thì sự việc mới vỡ lở, các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Đây là lỗ hổng rất lớn trong việc quản lý tu bổ di tích, lỗ hổng này đã có từ lâu và cần được các cơ quan quản lý sớm có giải pháp khắc phục…”, theo ông Nguyễn Đức Bình. 

 PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top