Công bố những phát hiện quan trọng của văn hóa Óc Eo: Hội đủ tiêu chí của một di sản văn hóa thế giới

VHO- Sau gần 4 năm thực hiện Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”, giới nghiên cứu, khoa học đã có thêm những phát hiện quan trọng, làm sáng giá trị nổi bật của khu di tích Óc Eo- Ba Thê trong lịch sử.

Công bố những phát hiện quan trọng của văn hóa Óc Eo: Hội đủ tiêu chí của một di sản văn hóa thế giới - Anh 1

 Toàn cảnh khu di tích khảo cổ học Nền Chùa, Kiên Giang

Hé mở bí ẩn từ những khám phá quan trọng không chỉ làm “sống dậy” ký ức vàng son của nền văn hóa Óc Eo, văn minh Phù Nam một thời vang bóng mà còn khẳng định, khu di tích hội đủ tiêu chí của UNESCO về di sản văn hóa thế giới.

Cơ sở khoa học cho di sản thế giới

Lễ công bố kết quả đề án khảo cổ học văn hóa Óc Eo qua ấn phẩm “Văn hóa Óc Eo- Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa 2017- 2020” vừa được Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành.

PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh, Óc Eo - Ba Thê được xem là khu di tích khảo cổ học nổi tiếng và quan trọng, là nơi tập trung một quần thể di tích khảo cổ học dày đặc và phong phú nhất ở Nam Bộ. “Nhiệm vụ chính của đề án là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại các di tích ở Óc Eo - Ba Thê và di tích Nền Chùa nhằm thu thập tư liệu, làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, đặc biệt nhằm phục vụ việc xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là di sản văn hóa thế giới...”, PGS.TS Bùi Nhật Quang cho biết.

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, thành tựu quan trọng nhất của Đề án là góp phần minh chứng và làm sáng rõ những giá trị nổi bật của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong lịch sử. Những ký ức vàng son của nền văn hóa Óc Eo, văn minh Phù Nam một thời vang bóng tiếp tục được làm “sống dậy” bởi những khám phá quan trọng của khảo cổ học trong những năm 2017-2020. “Đô thị cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa là một đô thị độc đáo, tạo nên những bước phát triển vượt ra khỏi giới hạn không gian, đưa vùng đất đầm lầy trở thành một đô thị sầm uất và nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ sau Công nguyên. Khu di tích quốc gia đặc biệt này hội tụ đầy đủ các tiêu chí của UNESCO về di sản văn hóa của nhân loại”, ông Bùi Minh Trí khẳng định.

TS Phạm Quốc Quân nhận định, đề án không những có nhiều phát hiện mới cùng nhiều kiến giải, nhận định khoa học mới, góp phần làm sáng rõ, sâu sắc hơn các giá trị cốt lõi của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, mà còn cung cấp cơ sở khoa học tin cậy cho công tác quy hoạch, bảo tồn và xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới.

Công bố những phát hiện quan trọng của văn hóa Óc Eo: Hội đủ tiêu chí của một di sản văn hóa thế giới - Anh 2

Đồ trang sức đá quý được tìm thấy với số lượng lớn

Bước tiến quan trọng

Với khối lượng tư liệu đồ sộ, những khám phá và câu chuyện lịch sử cuốn hút, giới nghiên cứu, khoa học khẳng định, kết quả thực hiện đề án là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là di sản văn hóa của nhân loại.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, kể từ năm 1944 đến nay, bất cứ ai quan tâm nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam cả trong và ngoài nước đều biết tới văn hóa Óc Eo thế kỷ 1-7 ở Nam Bộ, trong đó có công trình nổi tiếng: Khảo cổ học đồng bằng sông Mekong của Louis Mallerer, công bố năm 1959-1963. Nhưng, để hiểu diện mạo đích thực của nền văn hóa này thật khó khăn, bởi có rất ít công bố khoa học với các mô tả chuẩn và các phụ lục chuẩn. “Giới Khảo cổ học Việt Nam rất hoan nghênh công trình “Văn hóa Óc Eo - Những phát hiện mới về Khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa năm 2017- 2020” của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam”, ông Tín nhấn mạnh. Phân tích một loạt phát hiện quan trọng ở di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa giai đoạn 2017-2020, PGS.TS Tống Trung Tín nêu, các nhà khoa học phát hiện một địa tầng văn hóa dày dặn, niên đại trải dài liên tục từ trước Công nguyên đến thế kỷ 10-11; một hệ thống di tích phong phú trải theo các thời kỳ lịch sử văn hóa bao gồm các dấu tích: tường bao, nhiều nền móng kiến trúc đền miếu, dấu tích kiến trúc nhà sàn bị đổ sập, đường đi lối lại, giếng nước, đường nước, dấu tích các lung lớn, lung nhỏ… “Chúng ta có thể hình dung rõ hơn quá trình phát triển, hưng thịnh và suy tàn của Văn hóa Óc Eo. Đó là một diện mạo của một thành thị cổ, bóng dáng của một cảng thị cổ quốc tế, một khu vực kinh tế - văn hóa lớn vào bậc nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á thế kỷ 1-7. Chúng ta bước đầu hình dung được cụ thể hơn diện mạo của khu di sản với một trung tâm lớn Ba Thê - Óc Eo kết nối với nhiều trung tâm vệ tinh, một thành thị có các trung tâm Phật giáo, Ấn Độ giáo, thành thị có giao thương kết nối sôi động cùng Trung Bộ, Bắc Bộ của Việt Nam và xa hơn như với Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Cận Đông, La Mã…”, PGS.TS Tống Trung Tín nhận định.

Công bố những phát hiện quan trọng của văn hóa Óc Eo: Hội đủ tiêu chí của một di sản văn hóa thế giới - Anh 3

 Cảnh khai quật tại Khu di tích Óc Eo

Trong những phát hiện mới về văn hóa Óc Eo, ông Tín hứng thú với phát hiện hệ thống di vật phong phú với nhiều loại hình chất liệu và kiểu dáng khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã tiếp cận những giải pháp công nghệ hiện đại và tăng cường nghiên cứu so sánh giúp người đọc bước đầu nhận ra được nhiều vấn đề về di tích, di vật mà trước đây nhìn chung còn rất lờ mờ. “Tôi đặc biệt hứng thú với các bức ảnh giới thiệu các vết tích nhà sàn và việc các nhà nghiên cứu cố gắng bước đầu tái hiện hình thái kiến trúc nhà sàn của văn hóa Óc Eo. Điều đó cho phép hình dung đời sống xưa của cư dân Óc Eo cùng môi trường sống cụ thể của họ. Đây chính là việc minh chứng sinh động cho tiêu chí 5, tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản nếu như Việt Nam xây dựng hồ sơ di sản thế giới về văn hóa Óc Eo tại Ba Thê - Óc Eo”, ông nói.

Ấn phẩm “Văn hóa Óc Eo-Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020” được biên soạn trên cơ sở kết quả đạt được của Đề án, công bố bước đầu những kết quả thực hiện của Đề án tại di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa. PGS.TS Đặng Văn Thắng, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là cuốn sách rất có tư liệu cực kỳ phong phú và khoa học, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, góp phần khẳng định chủ quyền phần đất phía Nam của Việt Nam. Cuốn sách còn là tư liệu quý cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Khu di tích văn hóa Óc Eo- Ba Thê vào Di sản văn hóa thế giới.

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, kết quả nghiên cứu và những nhận định khoa học của Đề án văn hóa Óc Eo là những bằng chứng và tư liệu xác thực làm cơ sở xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO, đặc biệt là phù hợp với tiêu chí số 2 của UNESCO. Có thể thấy, vào những thế kỷ đầu Công nguyên, lần đầu tiên trong lịch sử, một hệ thống kinh tế thế giới được thiết lập thông qua một số tuyến thương mại châu Á nối Trung Quốc, Đông Nam Á qua Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải… Trong đó, Óc Eo-Ba Thê nổi lên như một khu vực có trình độ sản xuất và thương mại phát triển nhất Đông Nam Á, nối liền giao thương giữa phương Tây và phương Đông. 

  Tôi đặc biệt hứng thú với các bức ảnh giới thiệu các vết tích nhà sàn và việc các nhà nghiên cứu cố gắng bước đầu tái hiện hình thái kiến trúc nhà sàn của văn hóa Óc Eo. Điều đó cho phép hình dung đời sống xưa của cư dân Óc Eo cùng môi trường sống cụ thể của họ. Đây chính là việc minh chứng sinh động cho tiêu chí 5, tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản nếu như Việt Nam xây dựng hồ sơ di sản thế giới về văn hóa Óc Eo tại Ba Thê - Óc Eo.

(PGS.TS TỐNG TRUNG TÍN

 MỘC AN; Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành cung cấp

Ý kiến bạn đọc