Đưa dân ca Chăm vào trường học

VHO- Ông Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết, để phát huy giá trị các làn điệu dân ca Chăm, Sở vừa tổ chức Hội thảo đưa dân ca Chăm vào chương trình dạy âm nhạc tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Đưa dân ca Chăm vào trường học - Anh 1

 Các điệu dân ca Chăm là “đặc sản” của tỉnh Ninh Thuận

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi và thảo luận nhiều nội dung: Dân ca Chăm được sưu tầm như thế nào; Con đường bảo tồn và lưu giữ nghệ thuật dân ca Chăm trong dòng chảy âm nhạc hiện đại; Sự linh hoạt trong dạy học lồng ghép dân ca Chăm vào môn âm nhạc trong chương trình chính khóa ở trường THCS; Giải pháp nâng cao hiệu quả dạy và học dân ca Chăm trong chương trình khối THCS trên địa bàn tỉnh… Văn hóa phi vật thể của đồng bào Chăm rất phong phú và đa dạng với hơn 70 loại hình lễ và hội, trong đó có múa và hát. Nhiều các loại hình dân ca, dân vũ, những bản thánh ca, tráng ca, anh hùng ca… vẫn còn nguyên bản. Các điệu múa, điệu trống trong các lễ hội tín ngưỡng dân gian Chăm được giới thiệu và được công chúng trong và ngoài nước biết đến.

Tuy nhiên, các nhà khoa học, các nhà quản lý về văn hóa và các nghệ nhân đều nhận định, hiện nay điều kiện để thực hành âm nhạc Chăm ngày càng bị thu hẹp, các nghệ nhân Chăm ngày một già yếu và ít đi, trong khi đó lớp trẻ lại thiếu mặn mà với việc kế tục truyền thống văn hóa âm nhạc của dân tộc. Do đó, các giá trị di sản văn hóa các dân tộc Chăm, trong đó có âm nhạc đứng trước nguy cơ mai một là khó tránh khỏi. Do đó, giải pháp các nhà nghiên cứu đưa ra tại hội thảo là đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa, nhận diện di sản; truyền dạy và đưa âm nhạc vào trường học; tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá và đề cao di sản, làm cho di sản âm nhạc được phục hồi; đồng thời tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia đóng góp, truyền đạt cho thế hệ trẻ học tập và phát huy.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, cần đưa được âm nhạc dân tộc Chăm trở thành một thể loại âm nhạc phục vụ nhu cầu giải trí chung của xã hội; không nên bó hẹp trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng và chỉ phục vụ cho nhu cầu cộng đồng người Chăm. Một giá trị văn hóa sẽ càng có giá trị khi nó đem đến lợi ích cho nhiều người. Vì thế, việc phát huy và đưa các điệu dân ca Chăm vào chương trình dạy âm nhạc tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và mang nhiều ý nghĩa hiện nay. Qua đó vừa bảo tồn phát huy hiệu quả giá trị văn hóa Chăm và giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa Chăm hiện nay.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc