Để sắc màu thổ cẩm không bị “bay đi”

VHO-Trong nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc, người phụ nữ Bana tại Bình Định luôn biết giữ gìn những “gam màu” sặc sỡ giữa rúi rừng bằng cách dệt lên những tấm thổ cẩm. Họ coi đây là một phần trong đời sống tinh thần, đặc biệt dệt thổ cẩm được coi là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá phẩm chất, đức hạnh của người con gái Bana. Ngày nay, chỉ còn một số ít biết dệt thổ cẩm, nhưng những người phụ nữ Bana đang cố níu giữ để sắc màu thổ cẩm không bị “bay đi” trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Ở Bình Định có những làng nghề dệt thổ cẩm vang bóng một thời như, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Bana ở các làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh), làng dệt Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện vân Canh), hay làng dệt xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn)... Mặc dù do ảnh hưởng lớn của đời sống hiện đại, không gian và các dịp sử dụng trang phục thổ cẩm hẹp dần, nhưng vì tất cả tình yêu sắc màu dân tộc, người Bana tìm mọi cách để sợi chỉ màu len lỏi của thổ cẩm vẫn tiếp tục tồn tại trong đời sống hiệ đại ngày nay.

Để sắc màu thổ cẩm không bị “bay đi” - ảnh 1

Những phụ nữ trẻ Bana hiện nay, giờ bắt đầu quay trở lại với nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Những phụ nữ cao niên Bana ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận cho hay, từ ngàn xưa, phục nữ ở đây đã biết dệt vải và tự tay dệt ra những bộ áo nam, nữ; váy, chăn cõng trẻ con, chăn đắp; khăn quấn cổ, khăn đội đầu; túi đựng trầu cau… Điều dễ thấy trên từng tấm vải thổ cẩm của người Bana ở làng Hà Văn Trên là các gam màu xanh, đỏ, đen, cam, trắng trên từng sản phẩm với họa tiết, hoa văn ngày một tinh xảo, thể hiện nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, lối sống của dân tộc Bana. “Ngoại và mẹ là người chỉ dạy nghề dệt thổ cẩm cho tôi từ khi 15 tuổi. Tầm năm 20 tuổi, tôi tự tay đan, dệt hoàn chỉnh từng chiếc áo, chiếc chăn mặc, váy, khăn, khố… Tôi rất vui vì trong làng vẫn còn nhiều người biết dệt thổ cẩm, đặc biệt là lớp trẻ”, bà Đinh Thị Lên (63 tuổi), là một trong những người lớn tuổi ở làng còn gắn bó với nghề truyền thống này chia sẻ.

Để sắc màu thổ cẩm không bị “bay đi” - ảnh 2

Bà Đinh Thị Lên là một trong người lớn tuổi ở làng Hà Văn Trên còn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Bana

Nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên có được những gam màu tươi sáng là từ vài năm trước chính quyền địa phương đã chủ động tìm cách bảo tồn, phát huy làng nghề. Được biết, bắt đầu năm 2020, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Canh Thuận, được sử dụng địa danh “Hà Văn Trên - Canh Thuận - Vân Canh - Bình Ðịnh” đăng ký nhãn hiệu tập thể “Vải thổ cẩm Hà Văn Trên”. Huyện cũng phối hợp với Sở KH&CN Bình Định lập hồ sơ, đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu.

Đầu tháng Ba vừa rồi, UBND huyện Vân Canh tổ chức lễ công bố quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể “Vải dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên”, đồng thời trao giấy chứng nhận cho 10 hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu, đây như một “món quà” tặng để tiếp sức cho nghề dệt nơi đây ngày càng phát triển. Hơn nữa, còn là cơ hội tôn vinh cũng như quảng bá, phát huy giá trị truyền thống, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh thương hiệu “Vải thổ cẩm Hà Văn Trên” trên thị trường trong và ngoài nước,thúc đẩy phát triển làng nghề và thu hút khách du lịch.

Tại làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, nghề dệt thổ cẩm của người Bana được xem là một trong những làng dệt thổ cẩm có lịch sử hình thành từ lâu đời. Khi xưa, người dân của làng này hầu như ai cũng biết dệt nhưng hiện chỉ còn 20 - 30 người còn làm nghề và sản phẩm làm ra chủ yếu để sử dụng trong gia đình, dòng tộc, bởi gần như không bán được hàng. Giờ đây, nghề dệt thổ cẩm ở Hà Ri có niềm tin được hồi sinh, khi được địa phương đã quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại “thắng cảnh” Suối Tà Má.

Để sắc màu thổ cẩm không bị “bay đi” - ảnh 3

Duyên dáng với nét đẹp áo nữ của người Bana

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp cho hay: Người có tay nghề dệt thổ cẩm cao không còn nhiều, hầu hết đã lớn tuổi, hơn nữa lớp trẻ bây giờ lại không mấy mặn mà với nghề dệt. Hiện nay, địa phương đang tích cực vận động bà còn trở lại với nghề dệt thổ cảm truyền thống, bởi các sản phẩm làm ra sẽ được trưng bày, đem bán tại làng du lịch cộng đồng Suối Tà Má cho du khách.

Theo ông Lê Thanh Nhơn, Trưởng phòng VHTT huyện Vân Canh, nghề dệt thổ cẩm của người Bana làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận đã có từ lâu đời và được truyền dạy qua nhiều thế hệ sinh sống trong cộng đồng. Hiện, làng Hà Văn Trên có khoảng 100 người gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm nơi đây không chỉ giúp giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Bana mà còn tạo sản phẩm hàng hóa phong phú, góp phần cơ bản giải quyết việc làm, cải thiện đời sống kinh tế cho bà con. Những năm gần đây, các cấp, các ngành của tỉnh, huyện đã quan tâm, khuyến khích phụ nữ Bana phát huy nghề dệt thổ cẩm. Ở những ngày hội VHTT các dân tộc miền núi của huyện, của tỉnh đều đưa nội dung thi tài dệt thổ cẩm, khuyến khích lớp trẻ tham gia. Nhờ vậy, nghề dệt thổ cẩm vẫn lưu truyền, phát triển đến hôm nay.

THẾ HỮU

Ý kiến bạn đọc