Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tôn vinh các loại hình nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam

Thứ Tư 06/04/2022 | 09:22 GMT+7

VHO- Từ ngày 7 - 11.4, tại Bảo tàng Cần Thơ, Bộ VHTTDL, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo tổ chức triển lãm Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam. Triển lãm cũng được tổ chức online tại địa chỉ website: http://trienlamvhnt.vn và http://sovhttdl.cantho.gov.vn, từ 9.4 - 30.5.2022.

 Hát then vùng cao ở Tràng An Ảnh: NGÂN LIÊN

 Triển lãm nằm trong khuôn khổ của Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022, giới thiệu sự phong phú và độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam; tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc và quảng bá các loại hình nghệ thuật được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới nói chung, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng.

Triển lãm Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam trưng bày các nhạc cụ chọn lọc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền, thể hiện bức tranh đa dạng, độc đáo gắn với các hoạt động giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống. Phần trưng bày chính do Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam và Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam thực hiện. Tại đây, cùng với các nhạc cụ truyền thống, có 100 hình ảnh tư liệu, nhạc cụ, màn hình trình chiếu giới thiệu về nhạc cụ các dân tộc Việt Nam, hình ảnh các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc và trình diễn nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Việt Nam trên mọi vùng miền.

Tiêu biểu cho loại hình nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng núi cao và thung lũng phía Bắc, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng cây đàn tính sử dụng trong âm nhạc và nghi lễ tôn giáo của người Tày; trống tang sành của người Sán Chay; khèn bè của người Thái, Lào, Lự... Là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số, nghệ thuật dân gian và âm nhạc phong phú là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng vùng núi cao và thung lũng phía Bắc. Cùng ba tổ hợp được bài trí chân thực gồm: Nam, nữ dân tộc Mông thổi khèn; bà then dân tộc Tày với cây đàn tính và thầy cúng dân tộc Dao, Nùng với các nhạc cụ thanh la, não bạt, chuông lắc và các đạo cụ cúng…, trưng bày cũng giới thiệu một số nhạc cụ tiêu biểu như đàn tính của người Tày, Thái; sưu tập trống, nhạc sóc, thanh la, não bạt, chuông lắc, lềnh pài, kèn, đàn, sáo, nhị, kèn lá, chiêng… của các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Dao, Lô Lô, Mường, tăng bu của dân tộc Khơ Mú, bộ sạp của dân tộc Thái…

Lãng du đến vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, người xem được sống trong không gian cảnh quan với hình ảnh đình làng, ao làng, sân khấu rối nước dân gian, chiếu chèo, chầu văn, quan họ. Trong đó, có hình ảnh biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống như sinh tiền, sáo, nhị, trống trò, thanh la, não bạt, đàn bầu. Cùng với các tổ hợp trưng bày ấn tượng là các nhạc cụ đàn nguyệt, sáo, đàn tranh, đàn nhị, đàn tam thập lục, đàn bầu, mõ, phách, trống, kèn loa…, điểm thêm vào bức tranh toàn cảnh của nhạc cụ các dân tộc Việt Nam nhiều sắc màu độc đáo.

Vùng duyên hải Miền Trung, trưng bày các loại nhạc cụ điển hình như trống Paranưng, trống Ghi năng, kèn Saranai… Cùng với đó là trưng bày tổ hợp thày Ka nhi kéo nhị, biểu diễn saranai trước hình ảnh tháp Chăm và lễ hội Kate, cô gái Chăm đội nước cùng các hiện vật: Mâm lễ rước lên tháp, trống, kèn… Quá trình sinh tồn và phát triển, cư dân miền Trung, Tây Nguyên đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ độc đáo. Trong đó, trống, cồng chiêng là một phần không thể thiếu. Triển lãm trưng bày hình ảnh thể hiện cảnh quan môi sinh vùng văn hóa buôn làng Tây Nguyên với nhà Rông, lễ hội cầu mùa; tổ hợp lễ hội mừng lúa mới với cây nêu, tượng nam nữ mặc trang phục các dân tộc ở Tây Nguyên nhảy múa xoang, đánh cồng chiêng. Điểm nhấn là sưu tập cồng chiêng, trống, đàn T’rưng, kèn bầu, đán đá, ting ninh (kèn bầu), đinh tút, khèn, tù và, đinh năm, đàn ống tre…

Nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng Nam Bộ cũng có nhiều dấu ấn độc đáo. Không gian vùng Nam Bộ trưng bày dàn nhạc ngũ âm của dân tộc Khmer, nhạc cụ sử dụng trong đờn ca tài tử. Bên cạnh đó là một số hình ảnh thể hiện cảnh quan văn hóa Nam Bộ với phum sóc, ngôi chùa, miệt vườn, kênh rạch; trưng bày hiện vật gắn với ngôi chùa và nhạc cụ dàn nhạc ngũ âm, dàn nhạc đờn ca tài tử như: Đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn cò, sáo, tiêu, song loan…

Cùng với khu trưng bày trung tâm, triển lãm cũng tạo nhiều ấn tượng với cách bài trí độc đáo, sinh động ở khu trưng bày triển lãm nhạc cụ truyền thống của các tỉnh, thành phố. Một không gian đa sắc, giới thiệu nhạc cụ dân tộc tiêu biểu của các địa phương sẽ cùng hiện hữu tại đây. Trong đó, Cần Thơ trưng bày 82 hình ảnh, hiện vật về các nhạc cụ tiêu biểu của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Tây Ninh giới thiệu 12 bộ nhạc cụ dùng trong nghệ thuật đờn ca tài tử. Đắk Lắk giới thiệu di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Bạc Liêu mang đến các nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn kìm, đàn sến 3 dây... dùng trong nghệ thuật đờn ca tài tử. An Giang giới thiệu những giá trị văn hóa tốt đẹp, phong tục tập quán lâu đời của các dân tộc thông qua những hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ và tiết mục trình diễn của các nghệ nhân. Ninh Thuận giới thiệu nhạc cụ nhạc lễ và đờn ca tài tử của người Kinh, Khmer. Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long cũng giới thiệu các loại hình nhạc cụ trong nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và các hoạt động nhằm bảo tồn giá trị của đờn ca tài tử Nam Bộ...

Trong khuôn khổ hoạt động trưng bày còn diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật, với các làn điệu dân ca, dân vũ, trình diễn độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc; các loại hình nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo, cải lương, tiểu phẩm sân khấu, lễ hội sân khấu hóa... 

 HÀ NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top