Tiêu chí “xanh” sẽ là chủ đạo

VHO- 2 năm dịch bệnh khiến ngành Du lịch ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời xu hướng, nhu cầu thị trường, tâm lý đi du lịch của người dân thay đổi đòi hỏi người làm du lịch cũng phải thay đổi rất nhiều từ tư duy đến hành động.

Tiêu chí “xanh” sẽ là chủ đạo - Anh 1

 Du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục lên ngôi

 Theo nhận định của các công ty du lịch, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới sức khoẻ, chăm sóc bản thân, thụ hưởng cuộc sống, do vậy dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng càng được khẳng định vị thế của mình, trở thành một nhu cầu thường xuyên, liên tục đối với nhóm đối tượng khách hàng từ trung lưu trở lên.

Dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng lên ngôi

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Flamingo Holding Group, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho biết: “Không chỉ đặt các sản phẩm kỳ nghỉ qua các công ty lữ hành, người tiêu dùng còn tự chủ động xây dựng, tổ chức các kỳ nghỉ và đặc biệt là mong muốn được sở hữu của riêng một sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như ngôi nhà thứ hai của mình. Chính vì vậy, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn khẳng định là một dòng sản phẩm đặc biệt tiềm năng và là xu hướng chính trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch”.

Tài nguyên du lịch của Việt Nam được đánh giá rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên thời gian qua, việc phát triển hạ tầng du lịch, khai thác sản phẩm du lịch chỉ tập trung ở một số địa phương và trong mỗi địa phương chỉ tập trung ở một số địa bàn cụ thể với những dòng sản phẩm truyền thống. Xu hướng đầu tư hạ tầng du lịch sẽ dịch chuyển sang các miền đất mới, đáp ứng được đồng thời việc kết nối giao thông, nguồn tài nguyên phong phú, có không gian phát triển lớn, có điều kiện phát triển đồng bộ, chưa bị phá vỡ bởi tình trạng đầu tư manh mún, nhỏ lẻ…

Những địa phương đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch, đặc biệt là các tài nguyên phù hợp với xu hướng du lịch hiện nay như: Du lịch biển gắn với thể thao trải nghiệm; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch gắn với lịch sử, văn hóa truyền thống… đang thu hút nhiều nhà đầu tư. Trong đó xu hướng đầu tư hạ tầng đồng bộ với tổng mức đầu tư ngày càng lớn, có sự tham gia hợp tác của các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư thứ cấp, nhà đầu tư dịch vụ chuyên nghiệp và nhà đầu tư cá nhân.

Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, phát triển bền vững, giữ gìn được bản sắc đặc trưng, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, hiện nay các địa phương không còn dễ dàng trong việc chấp thuận các dự án đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, tiện ích nghèo nàn, chất lượng thấp. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch các đô thị du lịch, khu du lịch, điểm du lịch được thực hiện một cách nghiêm túc với những tiêu chí ngày càng khắt khe; yêu cầu tổ chức triển khai phải đồng bộ về thời gian, về hệ thống tiện ích, sự bảo đảm hạ tầng kết nối đối ngoại và đối nội.

Cần phát triển bền vững cho sản phẩm

Từ các bài học phải trả giá trong giai đoạn phát triển “nóng” thời gian qua, nhà đầu tư du lịch chuyên nghiệp không còn dễ dãi trong trong việc quy hoạch, thiết kế và vận hành các cơ sở hạ tầng du lịch mà đã xây dựng bộ tiêu chí riêng. Đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng và nhu cầu đi du lịch của du khách đã thay đổi rất nhiều. Trong đó, rõ nét nhất là thay đổi về: Nhu cầu về an toàn và vệ sinh, sức khỏe và sử dụng thực phẩm hữu cơ, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch gần nhà, du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch trải nghiệm, trải nghiệm theo yêu cầu, du lịch không chạm, đặt dịch vụ trực tuyến…

Ngoài những yếu tố quan trọng như đáp ứng nhu cầu thị trường, những trải nghiệm du lịch, tính đa dạng và sáng tạo, tính giáo dục, sản phẩm du lịch còn cần đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới. Trong đó, sản phẩm du lịch an toàn luôn là tiêu chí được áp dụng trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch cũng như tổ chức hoạt động du lịch nói chung. Tiêu chí “xanh” trong sản phẩm du lịch được nhấn mạnh là tiêu chí chủ đạo và du lịch bền vững trở thành tiêu chí cho mọi hoạt động du lịch, đặc biệt từ khâu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đòi hỏi của du khách trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh mới, giải pháp khôi phục lại và tăng cường nhu cầu đi du lịch cần đến sự hấp dẫn và thu hút của sản phẩm du lịch. Vì thế, trong giai đoạn này, sự khác biệt, độc đáo, đặc sắc của sản phẩm du lịch sẽ giúp cho doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh hơn trong thị trường. Sự khác biệt này có thể đến từ việc phát hiện những giá trị đặc sắc của tài nguyên du lịch và có thể có được từ sáng tạo của một hay sự liên kết nhiều doanh nghiệp để tạo ra sự khác biệt dựa vào nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch. Trong đó cần chú trọng vào việc xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu, những sản phẩm du lịch chuyên biệt (ví dụ như tham quan thành phố Hà Nội bằng xe 2 tầng mui mở, tour đi bộ, tour xe đạp, tour ẩm thực phố cổ, tour bảo tàng…), ứng dụng công nghệ số trong sản phẩm du lịch, liên kết doanh nghiệp lữ hành trong xây dựng sản phẩm… Dựa vào tài nguyên du lịch của một địa phương, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển riêng cho từng phân khúc thị trường, ở tầm vĩ mô có thể đề cập như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng…

Phát triển sản phẩm du lịch cũng cần có sự gắn kết, phối hợp giữa đơn vị chuyên ngành Du lịch hiểu rõ nhu cầu của khách du lịch và đơn vị quản lý hay người dân địa phương là chủ sở hữu những giá trị tài nguyên du lịch vô hình hay hữu hình tại địa phương. 

 NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc