Đưa cơ giới vào khu vực bảo vệ I Di tích quốc gia Tháp Bánh Ít là vi phạm Luật Di sản

VHO- Đó là trả lời khẳng định của ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định liên quan đến các câu hỏi về vụ mang cơ giới vào tu bổ, tôn tạo vào khu vực bảo vệ I Di tích quốc gia Tháp Bánh Ít mà tại cuộc báo về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022 vừa được UBND tỉnh này tổ chức.

Vi phạm Luật Di sản văn hóa

Tại cuộc họp báo, Văn Hóa đặt câu hỏi “khu vực bảo vệ I Di tích quốc gia Tháp Bánh Ít có dấu hiệu bị xâm hại nghiêm trọng từ việc đưa cơ giới vào thi công, vậy người đứng đầu UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm như thế nào trước Thủ tướng Chính phủ và Nhân dân?”, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: Việc đơn vị thi công công trình xây dựng, tu bổ và tôn tạo di tích tháp Bánh Ít (do Sở VHTT Bình Định làm chủ đầu tư) đưa máy đào vào khu vực I bảo vệ di tích là vi phạm Luật Di sản văn hóa. Theo Luật Di sản văn hóa, nếu di sản bị hư hỏng, xâm phạm thì chắc chắn Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. “Đưa máy vào khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của di tích là hoàn toàn vi phạm, còn có làm ảnh hưởng di tích hay không thì Bộ VHTTDL sẽ đánh giá. Tuy nhiên rất may mắn, sau khi báo chí phát hiện phản ánh, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cho dừng thi công ngay tại khu vực I bảo vệ Di tích quốc Tháp Bánh Ít, chứ không thì rất phức tạp”, ông Nguyễn Phi Long chia sẻ.

Đưa cơ giới vào khu vực bảo vệ I Di tích quốc gia Tháp Bánh Ít là vi phạm Luật Di sản - ảnh 1

Việc Sở VHTT (chủ đầu tư) đưa cơ giới vào khu vực bảo vệ I Di tích quốc gia Tháp Bánh Ít thi công, là vi phạm Luật Di sản văn hóa

Ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, “muốn giữ được và phát huy giá trị di sản thì phải làm nhưng làm như thế nào? Nếu chủ đầu tư (Sở VHTT Bình Định) không có kinh nghiệm thì đừng “ôm việc”, cần thiết mời các chuyên gia, công ty tôn tạo của Bộ VHTTDL vào làm, mời Cục Di sản văn hóa vào giám sát, hoặc mời công ty chuyên trùng tu của Huế, người ta có kinh nghiệm”.

Riêng câu hỏi trong 2 nhiệm kỳ (từ 2016 đến này), ông Tạ Xuân Chánh đang đương nhiệm làm Giám đốc VHTT Bình Định, đã để xảy ra 3 lần xâm phạm nghiêm trọng đến di tích quốc gia các tháp Chăm (xâm phạm lần 1 sẽ diễn ra năm 2019 đối với Tháp Bánh Ít và Tháp Đôi; xâm phạm lần 2 diễn ra năm 2022 đối với Tháp Bánh Ít), vậy năng lực, trình độ chuyên môn cũng như nhận thức bảo vệ di sản của ông Chánh ra sao và UBND tỉnh xử lý trách nhiệm như thế nào? Ông Nguyễn Phi Long chỉ trả lời: Tỉnh chỉ đạo người đứng Sở VHTT Bình Định phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. “Khi xảy ra sự việc, người đứng đầu Sở VHTT nên tiếp thu ý kiến, trao đổi kịp thời với báo chí, không thể tắt điện thoại hoặc không nghe điện thoại”, ông Nguyễn Phi Long nói rõ.

Về việc Giám đốc Sở VHTT Bình Định ra văn bản truy tìm người đã cung cấp thông tin, hình ảnh cho báo chí, thì ông Nguyễn Phi Long tỏ ra rất bức xúc. “Việc người ta làm đơn giản thì ông Chánh lại làm cho phức tạp lên. Đây là việc không phải ai cũng có kinh nghiệm để làm được. Trân trọng tiếp thu ý kiến thì mình phải làm cho tốt chứ không nên trốn tránh, tôi cũng rất bức xúc. Ngay khi biết thông tin, tôi đã chỉ đạo rút công văn đó ngay”, ông Nguyễn Phi Long cho biết.

Tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ việc tu bổ, tôn tạo di tích

Tại cuộc họp báo, người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định thông tin thêm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhiều di sản văn hóa, đặc biệt là các tháp Chăm đã hơn 1.000 năm tuổi. Nếu không có kế hoạch bảo quản, tôn tạo, gìn giữ bài bản thì nguy cơ sẽ bị hỏng hết. Và đây cũng là những công trình mang nhiều ý nghĩa, giá trị cao và là vốn quý của Bình Định nên cần được bảo tồn, phát huy.

“Sắp tới, tỉnh sẽ thực hiện việc tôn tạo Thành Hoàng Đế. Đây di tích lịch sử có kiến trúc đặc biệt đã được Bộ VHTTDL phê duyệt, điều chỉnh, xác định khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II. Sở VHTT Bình Định nếu không có đủ kinh nghiệm, chuyên môn để làm, phải nhờ các chuyên gia hoặc mời công ty ở Huế có kinh nghiệm vào làm; không được để xảy ra sự việc tương tự như tại dự án tu bổ, tôn tạo Tháp Bánh Ít”, ông Nguyễn Phi Long lưu ý.

Đưa cơ giới vào khu vực bảo vệ I Di tích quốc gia Tháp Bánh Ít là vi phạm Luật Di sản - ảnh 2

Qua kiểm tra, lãnh đạo tỉnh Bình Định và Bộ VHTTDL thống nhất chỉ đạo gỡ bỏ việc xây bồn hoa sát chân tháp

Cùng liên quan đến quá trình thi công xây dựng ở di tích quốc gia Tháp Bánh Ít, trao đổi với Văn Hóa, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay: Mặc dù văn bản thẩm định, thỏa thuận về dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít thì Bộ VHTTDL không cho xây bồn hoa sát chân tháp, nhưng vì Bộ có nói “bằng miệng” đồng ý nên tỉnh mới dám triển khai xây dựng. Sau khi Bộ vào kiểm tra, lãnh đạo tỉnh và Bộ thống nhất gỡ bỏ bồn hoa sát chân tháp và chỉ để lại cây. “Vừa qua đi kiểm tra trên tháp Chính, cốt nền bị chênh nhau giữa các khu vực khoảng 80cm, vậy làm sao mà bằng để lát lát đá ong, đồng thời Bộ cũng góp ý nên lấy gạch chăm lát lên, tuy nhiên tỉnh quyết định không lát đá ong nữa mà thay vào đó chỗ nào trũng thấp sẽ đắp đất sỏi. Khi thi công một công trình di tích cấp quốc gia mà diễn ra đồng loạt thì không ổn lắm, phải diễn ra từng bước, như vậy mới không phá vỡ cảnh quan di tích”, ông Lâm Hải Giang thông tin thêm.

Đề cập đến năng lực của các công ty trong việc tu bổ, tôn tạo tại Di tích quốc gia Tháp Bánh Ít, ông Lâm Hải Giang chỉ rõ, sau này tỉnh sẽ quản lý và giám sát chặt chẽ các công trình liên quan do Sở VHTT Bình Định làm chủ đầu tư trong việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo tại di tích quốc gia. Đặc biệt là chỉ định thầu, sau đó lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu và gám sát, thì Sở VHTT Bình Định phải báo lên tỉnh rõ ràng, không thể để chủ đầu tư muốn làm gì thì làm.

Đưa cơ giới vào khu vực bảo vệ I Di tích quốc gia Tháp Bánh Ít là vi phạm Luật Di sản - ảnh 3

Thay vì thi công từng bước nhưng công trình xây dựng trên các cụm Tháp Bánh Ít diễn ra đồng loạt, dễ dẫn đến phá vỡ cảnh quan di tích

Trong khi đó, TS Đinh Bá Hòa, chuyên gia về di sản, khảo cổ cho rằng, trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích là một hoạt động đặc thù, đòi hỏi tổ chức, cá nhân thực hiện phải có kỹ thuật, trình độ chuyên môn cao và những hiểu biết về văn hóa, lịch sử di tích đó. Do vậy, việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia phải được thực hiện khi lập dự án và trong suốt quá trình triển khai thi công.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc