Mở rộng phạm vi để phòng, chống là cấp thiết

VHO- Ngày 6.4.2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết luận đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và nội dung được nhấn mạnh, được dư luận quan tâm là yêu cầu từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

Mở rộng phạm vi để phòng, chống là cấp thiết - Anh 1

Ảnh minh họa

 Có thể khẳng định rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra gần như hầu khắp mọi ngành, lĩnh vực. Đặc biệt những lĩnh vực nguy cơ cao phát sinh tham nhũng, tiêu cực như các lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao hoặc là các tài sản công có giá trị lớn như đất đai, nhà ở, tài nguyên khoáng sản… Do đó, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tệ nạn tham nhũng, tiêu cực cần quyết liệt, mạnh mẽ nhưng cũng phải bao quát, toàn diện, khoa học, nhất là ở các lĩnh vực quan trọng này. 
Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng là tăng cường quản lý, kiểm soát, mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng, tiêu cực ra các đối tượng liên quan. Bởi vì thông thường để thực hiện được hành vi tham nhũng cần có sự tham gia của một nhóm đối tượng, có sự cấu kết chặt chẽ hoặc liên quan nhất định đến nhau. Vì vậy, để ngăn chặn triệt để, dứt điểm cần phải mở rộng phạm vi, đối tượng có khả năng thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không loại trừ khu vực công hay tư. 
Công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã bước đầu đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, được quần chúng nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn biến khá phức tạp không chỉ ở khu vực công mà ra ngoài xã hội. Nó không chỉ dừng lại ở những người có quyền lực thoái hóa biến chất hoặc cán bộ, công chức thực thi công vụ, nhiệm vụ công, mà tham nhũng, tiêu cực còn có sự tham gia chủ động, có tổ chức từ khu vực tư nhân, Công ty Việt Á là dẫn chứng điển hình.
Ngoài ra, trước đây khi thực hiện tham nhũng, tiêu cực thì những người có quyền lực thường phải sử dụng “sân sau” để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, hiện nay nhiều vụ việc những người chủ động thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực lại ở khu vực tư nhân, còn những người có nắm giữ quyền lực công, được nhân dân giao phó quyền lực đôi khi chỉ giữ vai trò là đồng phạm với hành vi “tiếp tay” hoặc chỉ là thiếu trách nhiệm “làm ngơ”, buông lỏng quản lý dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, cuối cùng là gây thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.
Thiết nghĩ, việc quyết định mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, cấp bách, nhất là hiện công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang đi vào giai đoạn cao trào, quyết liệt. Điều này không chỉ góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả to lớn hơn nữa mà còn thích ứng, phù hợp với tình hình thực tế của tệ nạn tham nhũng, tiêu cực hiện nay đang biến tướng rất phức tạp nhằm trốn tránh, “thích nghi”. 


 THS PHẠM VĂN CHUNG 

Ý kiến bạn đọc