Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Sửa đổi Luật Phòng, chống BLGĐ: Góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp

Thứ Bảy 16/04/2022 | 16:59 GMT+7

VHO-Chiều 16.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; các uỷ viên thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tham gia phiên họp.

Việc sửa đổi Luật góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc

Thừa uỷ quyền của Chính phủ, trình bày báo cáo dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật PCBLGĐ được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21.11.2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2008. “Việc ban hành Luật PCBLGĐ đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn nạn BLGĐ, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc; thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế về PCBLGĐ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn và các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị BLGĐ, xử lý các hành vi BLGĐ, vi phạm pháp luật trong PCBLGĐ. Cấp ủy, tổ chức Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp PCBLGĐ. Nhiều địa phương tổ chức triển khai các mô hình PCBLGĐ sáng tạo, năng động, phát huy hiệu quả, đã huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác PCBLGĐ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, BLGĐ vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Tình trạng BLGĐ còn khá phổ biến. Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác /hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này còn cho thấy, năm 2019, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). Không chỉ BLGĐ với phụ nữ mà BLGĐ với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến và có nhiều vụ việc nghiêm trọng trong thời gian qua….

Thực trạng trên cho thấy, vấn nạn BLGĐ có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, BLGĐ sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo về dự thảo Luật

Từ thực trạng trên cho thấy, BLGĐ vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp và do đó việc sửa đổi Luật PCBLGĐ hiện hành là thực sự cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật PCBLGĐ hiện hành; bảo đảm phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia và bài học kinh nghiệm quốc tế.

“Việc sửa đổi Luật PCBLGĐ hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác PCBLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh và cho biết, đây là luật đặc thù, nhằm điều chỉnh hành vi. Vì thế cơ quan soạn thảo đã cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo để tránh tình trạng luật khung, luật ống. Về bố cục, dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành.

Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu cầu thị nhiều ý kiến đóng góp

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Thường trực Uỷ ban Xã hội thấy rằng, phòng, chống bạo lực gia đình là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều nội dung riêng tư trong mối quan hệ gia đình, được điều chỉnh bởi cả quy phạm đạo đức, tập quán, quy phạm pháp luật... và việc khắc phục tình trạng bạo lực gia đình đòi hỏi phải sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ, cả về kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, pháp luật và phải mang tính toàn diện. "Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo với tinh thần cầu thị đã tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng dự án Luật. Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3”, bà Thuý Anh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật

Bà Thuý Anh cũng cho biết,  Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên bà Nguyễn Thuý An cũng đề nghị, do dự án Luật liên quan đến một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm, tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về pháp luật.

Thẩm tra một số nội dung cụ thể, Thường trực Uỷ ban Xã hội nêu ý kiến góp ý về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; về các hành vi bạo lực gia đình; về các điều kiện bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình; về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

Góp ý cho dự thảo Luật, hầu hết các ý kiến đánh giá cao Ban soạn thảo đã có nhiều nỗ lực trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đây là luật khó, chuyên sâu, nhận được sự quan tâm của xã hội, việc sửa đổi Luật thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với vấn đề bạo lực gia đình đang ngày càng phức tạp như hiện nay. Việc sửa đổi Luật cũng thể hiện rõ các chủ trương, quan điểm của Đảng ta như tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ 13 của Đảng: xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh…

Góp ý cụ thể cho dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Ngọc Ánh cho rằng, đây là bộ luật nhận được sự quan tâm của nhân dân và của nhiều người bị BLGĐ mong muốn qua Luật này sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đánh giá rằng dự thảo Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong dự thảo Luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình ra Quốc hội vào kỳ họp tới.

Nêu lên thực tế từ việc các em học sinh bị áp lực quá lớn vì sự kỳ vọng của cha mẹ dẫn đến tình trạng có em phải học đến 3-4 giờ sáng hay áp lực từ việc cha mẹ mong muốn con phải được 10 điểm để cha mẹ được hãnh diện, đi theo con đường cha mẹ đã chọn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng những kỳ vọng đó nhiều khi đã vượt qua khả năng của các em, khiến các em chịu áp lực lớn. Vì vậy người đứng đầu ngành Giáo dục mong muốn, dự thảo Luật phải có những qui định rõ hơn về vấn đề bạo lực gia đình về việc dạy và học đối với trẻ em, trách nhiệm của cha mẹ trong việc phối hợp với nhà trường để dạy dỗ các em.

Đánh giá cao dự thảo Luật, Trưởng ban Ban công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng trong quá trình xây dựng dự thảo Luật (sửa đổi), ban soạn thảo đã tiếp cận được nhiều nội dung mới liên quan đến quan điểm của Đảng, Nhà nước về vấn đề gia đình. Bà Thanh đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu kỹ hơn để có sự tương đồng giữa dự thảo Luật và các Luật khác có liên quan như Luật bình đẳng giới, Luật trẻ em năm 2006…

Cảm ơn các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu trên tinh thần cầu thị để hoàn thiện dự thảo Luật, trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Đồng thời yêu cầu hai cơ quan tiếp tục phối hợp để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

THU SÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top