Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Bộ VHTTDL luôn đồng hành, hỗ trợ Thừa Thiên Huế phát triển văn hóa, thể thao và du lịch

Thứ Tư 20/04/2022 | 20:04 GMT+7

VHO- Chiều ngày 20.4, đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về kết quả phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh. Cùng dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Cục Hợp tác quốc tế, Vụ Văn hóa dân tộc, Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ…

Đoàn công tác của Bộ VHTTDL và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chụp ảnh lưu niệm

Đánh giá cao công tác bảo tồn di sản tại Huế

Trong thời gian qua, các hoạt động văn hóa, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật tại tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức phù hợp, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, qua đó đã tạo được không gian văn hóa và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của cộng đồng và du khách. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, đã tổ chức các lễ Ban Sóc, lễ hội Đền Huyền Trân, lễ hội Điện Huệ Nam, các hoạt động sự kiện trong chương trình của Festival Huế bốn mùa năm 2022. Cùng với đó là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trưng bày, triển lãm đã được tổ chức với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Từ sau khi mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch trở lại, ngành du lịch Thừa Thiên Huế tích cực quảng bá, xây dựng các tour tuyến thu hút nguồn khách đến Huế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế

Công tác trùng tu di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đang được tập trung triển khai, với kế hoạch bố trí vốn năm 2022 là hơn 85 tỷ đồng. Hiện nay tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị khởi công các dự án như: Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu (giai đoạn 1); Bảo tồn, phục hồi thích nghi 02 nhà Cửu vị thần công; Hệ thống cấp nước các hồ khu vực Hoàng Thành; Bảo tồn tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ; Chiếu sáng mỹ thuật di tích Ngọ Môn.

Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang gặp một số khó khăn cần được sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ VHTTDL để tháo gỡ. Thời gian qua, tỉnh tập trung nguồn lực để thực hiện đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế” nên việc đầu tư cho các thiết chế văn hóa ở địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Dù đã được các cấp ban ngành Trung ương và địa phương quan tâm đầu tư cho hoạt động bảo tồn tu bổ hàng loạt các công trình di tích trong những năm gần đây, nhưng do Quần thể Di tích Huế quá đa dạng và có nhiều công trình đã và đang bị xuống cấp hư hỏng nặng nề do biến đổi khí hậu và thời gian, nên nguồn đầu tư cho công tác bảo tồn tu bổ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Tiềm năng huy động nguồn lực xã hội hóa công tác bảo tồn, tu bổ và khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế là rất lớn, tuy nhiên thực tế việc thu hút nguồn vốn tài trợ còn gặp nhiều khó khăn...

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận thời gian qua Bộ BVTTDL đã quan tâm, phân bổ nhiều nguồn lực cho tỉnh trong công tác bảo tồn di sản, tuy nhiên nhu cầu của công tác tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích rất lớn. Tỉnh kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ VHTTDL trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Huế; làm cơ sở trong xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết 54  của Bộ Chính trị.

“Chúng tôi mong muốn Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL quan tâm đến các di tích như Thái Miếu, Văn Miếu, Võ Miếu... để có nguồn lực tu bổ, nâng cấp, phát huy giá trị di sản trên địa bàn. Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu phục hồi các di tích Văn Miếu, Võ Miếu”- ông Phương nói.

Ông Nguyễn Văn Phương- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Bộ VHTTDL tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị đến Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, tiếp tục xem Festival Huế 2022 là một trong những hoạt động trọng điểm về văn hóa của quốc gia năm 2022 (như các kỳ Festival trước đây). Hỗ trợ công tác thông tin, quảng bá cho Festival Huế 2022 bằng nhiều hình thức; thông báo và cho phép tham gia quảng bá Festival Huế 2022 tại các hội chợ, các liên hoan nghệ thuật, các sự kiện lớn do Bộ chủ trì ở trong và nước ngoài.  Xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch trong khu vực; tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Huế; đồng thời, xem xét đưa một số hoạt động văn hóa- thể thao- du lịch quốc gia về tổ chức tại Huế…

Tại  buổi làm việc, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã ghi nhận và đánh giá cao công tác bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, tỉnh cần xác định đầu tư bảo tồn di tích một cách có trọng tâm, các công trình di tích có ý nghĩa để phát huy giá trị di sản hiệu quả. Đặc biệt tại khu vực Hoàng cung Huế, cần tập trung đầu tư các công trình di tích ở trục Thần đạo. Hiện nay ở khu vực này đang trùng tu điện Kiến Trung, điện Thái Hòa, cần xem xét đánh giá để phục hồi, trùng tu điện Cần Chánh…

“Hiện nay, công tác bảo tồn di sản ở Huế quá tốt rồi. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu Bộ trưởng có quyết định hỗ trợ đầu tư trùng tu di tích xuống cấp khẩn cấp tại địa bàn tỉnh”- Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao công tác bảo tồn di sản Huế trong thời gian qua

Theo ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, trước đây tỉnh từng có kế hoạch thực hiện đề án xã hội hóa khai thác di sản Huế nhưng không thực hiện được do vướng cơ chế. Nếu việc này thực hiện được, địa phương sẽ cho đấu giá cho các đơn vị thuê và khai thác dịch vụ ở khu di sản; nhà nước sẽ quản lý, giám sát thực hiện. Tỉnh kiến nghị Bộ VHTTDL xem xét, tham mưu Chính phủ có Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác đối với loại tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, di sản; tạo cơ sở pháp lý để cho thuê quyền khai thác đối với loại tài sản này.

Ngoài ra, ông Lê Trường Lưu cũng kiến nghị Bộ trưởng quan tâm đến việc xây dựng và phát huy thiết chế bảo tàng tại Huế. Điển hình là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, nơi lưu giữ và bảo quản rất nhiều cổ vật quý, gần đây vừa được một doanh nghiệp hiến tặng 2 cổ vật triều Nguyễn được đấu giá ở Tây Ban Nha.

Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế với bản sắc văn hóa đặc trưng

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhận xét rằng, đô thị Huế đã có sự đổi thay và phát triển mạnh mẽ, hội tụ nhiều điều kiện để xây dựng và phát triển thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Tỉnh cần dựa trên thế mạnh của mình để phát triển hơn nữa du lịch, như các thế mạnh về bản sắc văn hóa, lễ hội, ẩm thực, thương hiệu áo dài... Xây dựng Thành phố Huế với văn hóa riêng có, xây dựng thương hiệu Festival Huế với nét đặc trưng, tinh túy và tạo được thương hiệu riêng cho Huế, từ đó quay lại thúc đẩy phát triển du lịch. 

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và lĩnh vực văn hóa- thể thao- du lịch của địa phương này nói riêng trong thời gian vừa qua. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu, định hình trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, trong đó làm rõ 4 trụ cột lớn mà tỉnh phải căn cứ vào đó để phát triển. Gồm: Tập trung bảo vệ, tôn tạo các di tích và di sản, phát huy bản sắc văn hóa Huế và xem đây là trụ cột phát triển có tính chất bền vững; ưu tiên phát triển du lịch để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng của Bộ Chính trị; phát triển công nghiệp và công nghệ thông tin; phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Chúng tôi cho rằng về lâu dài, nếu bám được và thực hiện được các nội dung trên thì Thừa Thiên Huế sẽ phát triển nhanh và bền vững.

“Đảng bộ và chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, đưa kinh tế xã hội của tỉnh phát triển, dẫn chứng qua việc tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng, GDP tăng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế với khu vực dịch vụ chiếm 45%... Từ vấn đề kinh tế, Đảng bộ tỉnh đã từng bước khắc phục được hạn những chế trong việc chưa coi trọng về văn hóa, chính vì thế mà văn hóa và du lịch của tỉnh phát triển hơn. Ở góc độ di sản, Thừa Thiên Huế đã dồn toàn sức lực để điều tra, đánh giá, xếp hạng di tích để có kế hoạch tu bổ di tích, di sản. Xây dựng các thương hiệu văn hóa, trong đó Festival Huế không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và còn tạo được sản phẩm văn hóa của Huế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Thừa Thiên Huế đã mạnh dạn trọng số hóa và áp dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy di tích, di sản; điều này, chúng tôi mong muốn các địa phương khác cũng triển khai sâu rộng. Đặc biệt, tỉnh đã chú ý xây dựng đời sống văn hóa cơ sở góp phần hiệu quả trong xây dựng đời sống văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới; trong đó, các phong trào Ngày Chủ nhật xanh, Tôi yêu Huế đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người Huế và người Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận xét.

Ông Lê Trường Lưu- Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tặng quà lưu niệm  Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia vui với những kết quả đạt được của tỉnh, đồng thời bày tỏ cảm ơn Đảng bộ, chính quyền Thừa Thiên Huế đã quan tâm đến các lĩnh vực mà ngành VHTTDL đang thực hiện. Bộ VHTTDL mong muốn đóng góp công sức của Bộ cho sự phát triển chung của địa phương.

Góp ý cho sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, do đó cần tăng cường kiểm tra, đánh giá để bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung phù hợp với các chương trình, Nghị quyết của Trung ương về lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, cần chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm, chuyên môn để làm rõ nội hàm “Bản sắc văn hóa Huế” (trên cơ sở các đề tài nghiên  cứu khoa học), từ đó có Nghị quyết về vấn đề này để tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng và những người yêu Huế. Đó cũng là cơ sở để tập trung xây dựng môi trường văn hóa.

Buổi làm việc của đoàn công tác Bộ VHTTDL với tỉnh Thừa Thiên Huế

Về lĩnh vực du lịch, đề nghị tỉnh giao Sở Du lịch phối hợp với Tổng Cục Du lịch nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch riêng có của Huế nhưng phải có thương hiệu; chú ý phải gắn liền với di sản, bởi chỉ riêng Huế mới có. Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư để phát triển du lịch Mice tại Huế, đây là xu hướng phát triển du lịch ở khu vực đô thị hiện nay; đồng thời nghiên cứu những sản phẩm du lịch mới trong Festival Huế. Vấn đề quan trọng để khôi phục và phát triển du lịch chính là nguồn nhân lực, Bộ trưởng đề nghị Trường Cao đẳng Du lịch Huế (đơn vị thuộc Bộ) phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai kế hoạch đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn cho nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cần tập trung phát triển phong trào thể thao quần chúng hiệu quả, góp phần rèn luyện sức khỏe và nâng cao thể lực của nhân dân; trên cơ sở đó để  phát hiện các tài năng, tiếp tục đào tạo, rèn luyện và phát triển thể thao thành tích cao.

“Về việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong khai thác di tích Huế, Bộ đồng ý chủ trương này và đề nghị UBND tỉnh xây dựng đề án thí điểm để có cơ sở triển khai theo quy định”  Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng giao Cục Di sản văn hóa và Vụ Kế hoạch Tài chính rà soát, ưu tiền có danh mục cho Thừa Thiên Huế trong chương trình “Chấn hưng văn hóa”; do đó, tỉnh phải có kiến nghị với danh mục cụ thể để xem xét. Tỉnh cũng cần chủ động sớm trình Bộ các danh mục để rà soát, bổ sung cho quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa- thể thao quốc gia. Một số kiến nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về các chính sách thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ sẽ ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý…

Bài, ảnh: SƠN THÙY

 

 

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top