Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Chuyển đ​​​​​​​ổi số và liên thông thư viện: Phải tăng tốc nếu không muốn bạn đọc quay lưng

Thứ Tư 25/05/2022 | 10:04 GMT+7

VHO- Tại Hội thảo “Chuyển đổi số và liên thông thư viện” do Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vừa qua tại Hà Nội, nhiều đại biểu khẳng định vấn đề chuyển đổi số, liên thông thư viện cần phải được tăng tốc. Làm được điều này thì ngành thư viện Việt Nam mới có thể nâng cao chất lượng dịch vụ, hấp dẫn bạn đọc.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã tham dự và phát biểu tại Hội thảo. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của lãnh đạo các Ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố; người làm công tác thư viện…

Khó đủ đường

Theo Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các thông tin, tri thức trong hệ thống thư viện phải được chuyển tải nhanh đến bạn đọc qua mạng internet. Vì vậy, việc chuyển đổi số ngành thư viện đã trở thành xu thế tất yếu, nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa cũng như đọc sách trên mạng của bạn đọc. Chuyển đổi số còn giúp lưu giữ nhiều tài liệu cổ, giá trị. Đồng thời, tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện.

Đồng quan điểm, bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam cho biết, việc triển khai chương trình chuyển đổi số là cơ hội để ngành Thư viện Việt Nam tăng tốc hiện đại hóa, tạo lập cộng đồng thư viện lớn mạnh. Tuy nhiên từ thực tế cho thấy, chuyển đổi số và liên thông thư viện hiện nay chưa được triển khai hiệu quả. Tài liệu được số hóa toàn văn còn khiêm tốn do vấn đề bản quyền, thiết bị số hóa, nhân lực, ngân sách…

Ông Nguyễn Nhã, Phó Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ chỉ rõ: “Một thực tế đáng buồn là bạn đọc ngày càng ít đến thư viện... Để tháo gỡ khó khăn, chuyển đổi số và liên thông thư viện là một trong những giải pháp cốt lõi. Thế nhưng, vấn đề liên thông thư viện đang diễn ra rất chậm, chưa có sự phối hợp. Chẳng hạn việc mượn sách in giữa các thư viện chỉ dừng lại ở chỗ thấy tiện thì cho, không thì thôi. Chính sách làm thẻ và mượn sách in liên thư viện không rõ ràng”.

Phó Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ nêu thêm, số hóa thư viện cũng chưa được làm “tới nơi, tới chốn”. Cơ sở dữ liệu số, tài liệu số hóa chưa có chính sách chia sẻ và quản lý ra sao để định hướng phục vụ dạng tài liệu này một cách bài bản. Một số NXB đã có phát hành sách điện tử (ebook), nhưng việc bổ sung, phục vụ ebook cho thư viện chưa thật sự thuận lợi về cả mặt chuyên môn, nghiệp vụ. Bạn đọc vì thế gặp khó trong tiếp cận tài liệu số.

Ông Lê Đức Thắng, Trưởng phòng Tin học (Thư viện quốc gia Việt Nam) chia sẻ, không chỉ gặp khó về cơ chế, chính sách, các thư viện bị “phanh” tốc độ liên thông, chuyển đổi số do thiếu cơ sở vật chất. “Hiện tại, chỉ một số thư viện lớn được trang bị máy scan hiện đại để số hóa. Còn lại, đa phần các thư viện ở mọi loại hình được đầu tư rất ít thiết bị kỹ thuật. Cá biệt có thư viện còn chưa được trang bị công nghệ để số hóa. Thực trạng này rất phổ biến ở thư viện công cộng”, đại diện Thư viện quốc gia Việt Nam chia sẻ. Như vậy có thể thấy, nhiều đơn vị đang phải hoạt động trong tình trạng hạ tầng công nghệ thông tin nghèo nàn, lạc hậu, chưa được đầu tư đúng mức.

Nguyên nhân khác được giới chuyên gia chỉ ra khiến liên thông, chuyển đổi số thư viện gian nan là nhân lực thư viện nói chung và công nghệ thông tin nói riêng còn thiếu và yếu, đa phần được đào tạo từ ngành nghề khác. Do đó, chất lượng nhân lực phục vụ số hóa thư viện chưa được đảm bảo.

 Chuyển đổi số thư viện đang là vấn đề cấp bách nhưng đa phần các thư viện ở mọi loại hình được đầu tư rất ít trang thiết bị kỹ thuật

Phải đồng bộ nhiều giải pháp

Về giải pháp khắc phục, ông Hoàng Văn Sơn, Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Kạn đề xuất: “Chúng ta cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi số và thu hút các nguồn lực tham gia chuyển đổi số thư viện. Trong đó, ưu tiên sự vào cuộc của doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thư viện, cung ứng dịch vụ chuyển đổi số trong hoạt động thư viện. Các thư viện phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, linh hoạt với mọi nguồn tài nguyên thông tin và có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến, phổ biển rộng rãi tới người dân. Từ đó, tạo động lực để đa dạng hóa các dịch vụ thư viện, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí lành mạnh của người dân”.

ThS Trần Thị Mỹ Trinh, Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp bày tỏ: “Các thư viện cần chủ động trong lựa chọn, ứng dụng công nghệ vào nền tảng số ở lĩnh vực thư viện, thực hiện chuyển đổi bền vững, hiệu quả; tránh tình trạng đầu tư không đồng bộ, lâu dài gây lãng phí. Ngoài ra, làm chủ ở đây cũng được hiểu theo nghĩa nền tảng công nghệ thông tin phải có tính bảo mật cao, hạn chế vi phạm quyền tác giả, bản quyền của các sản phẩm thông tin. Khắc phục được vấn đề này, chúng tôi nghĩ sẽ có nhiều tác giả sẵn sàng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của ngành thư viện, góp phần tăng tốc độ chuyển đổi”.

Trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, công tác chuyển đổi số thư viện trong thời gian qua tuy được quan tâm, chú ý nhưng chưa có sự cam kết mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo địa phương, ban, ngành. Để ngành thư viện thực hiện chuyển đổi số thành công, đảm bảo các mục tiêu đề ra, rất cần sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội. Đặc biệt, nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu trong vấn đề này phải được nâng cao. Bên cạnh đó, cần có sự biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện chuyển đổi số ngành thư viện. 

 Chuyển đổi số là chìa khóa để ngành thư viện Việt Nam tiến gần hơn đến bạn đọc. Nhưng thực tế, dù đang từng bước hiện đại hóa thư viện nhưng công tác này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu thốn cơ sở hạ tầng kỹ thuật là vấn đề phải thẳng thắn nhìn nhận. Chưa kể trong liên thông, nhiều thư viện chưa sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên vì nhiều lý do. Thời gian tới, thư viện cùng toàn ngành VHTTDL phải coi vấn đề chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển. Các thư viện cần liên kết chặt chẽ hơn nữa trong liên thông và chuyển đổi số để phục vụ tốt nhất nhu cầu của bạn đọc, góp phần vào công cuộc phát triển con người Việt Nam toàn diện.

(Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY)

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top