Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Người đam mê sưu tầm hơn 18.000 cổ vật ở phố núi

Thứ Tư 01/06/2022 | 10:39 GMT+7

VHO- Hơn 10 năm nay, cứ nghe ngóng ở đâu có những món đồ cổ quý là anh Lê Tấn Khoang ở làng Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa (Gia Lai) lại khăn gói lên đường để “sưu tầm” cho bằng được.

 Những món đồ anh Khoang sưu tầm chủ yếu là cổ vật qua các thời kỳ và 85% trong số đó là đồ gốm, sứ

Anh Khoang không thể nhớ rõ trong suốt quãng thời gian đó đã trải qua bao nhiêu chuyến đi, để rồi giờ đây nhìn lại trong bộ sưu tập của mình đã có hơn 18.000 cổ vật quý hiếm.

Trò chuyện với chúng tôi, người đàn ông ngoài 40 tuổi với dáng mảnh khảnh vui vẻ cho biết, anh bắt đầu sưu tầm cổ vật từ năm 2011. Lúc đó anh chỉ sưu tầm những cổ vật có giá trị nhỏ, dần dà khi kinh nghiệm đã dày thêm anh sưu tầm những đồ cổ lớn có giá trị hơn. “Hồi đó tôi đam mê lắm, cứ nghe ở đâu có cổ vật quý là phải lặn lội đến xem và sưu tầm cho bằng được. Có những món đồ trao đổi rất dễ, nhưng cũng có những món cổ vật phải mất hai, ba năm kiên trì theo đuổi mới mua được”, anh Khoang chia sẻ.

Nói rồi anh Khoang lấy chiếc tù và bằng ngà voi ra ngắm và dẫn chứng: “Ví như cổ vật này, khi nghe thông tin mình đến tận nơi để xem, thấy nó đẹp và giá trị mình hỏi mua mãi nhưng chủ nhân không chịu bán. Phải mất hơn hai năm với nhiều lần đi lại thuyết phục tôi mới mua được của 1 người dân ở xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa (Gia Lai)”. Hay như chiếc bình gốm Gò Lá Thiêu, gốm Nam Bộ, món đồ này được anh Khoang sưu tầm cách đây 8 năm. Ở tỉnh Gia Lai hiện nay chỉ có một cái duy nhất và anh Khoang đang sở hữu nó. Điểm đặc sắc của món đồ này là có 6 cái tai là 6 con lân nhìn xuống, ở giữa là tam lân - tam hạc (3 con lân - 3 con hạc); nước men ngọc. “Thời xưa phải là quan chức, trưởng bản hoặc tá điền, người có địa vị thì mới có thể sở hữu món đồ độc lạ như chiếc bình gốm có 6 cái tai này”, anh Khoang cho biết.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng không gian trưng bày cổ vật của mình, anh Khoang cho hay, những món đồ anh sưu tầm và lưu giữ đa phần là cổ vật qua các thời kỳ Lý, Trần và nhà Thanh như bình trà Khang Hy, cặp bình Mai - Thọ (thời nhà Thanh), chế Mẹ Bồng Con (thế kỷ XIX), cặp ấm lục giác Quảng Đức, bình gốm Cây Mai, chiêng cổ của người Bana... Theo anh Khoang, để có thể định giá đúng một cổ vật, người chơi phải có sự hiểu biết nhất định về lịch sử, văn hóa, đồng thời nắm bắt chút ít chuyên môn về nhận biết cổ vật. Chỉ cần nhìn qua chất liệu, hoa văn, hình dáng là có thể đoán định được niên đại, giai đoạn lịch sử cũng như giá trị của món đồ. “Mỗi người có một sở thích riêng, nhưng muốn gắn bó với cổ vật thì người sưu tầm phải có niềm đam mê. Khi sưu tầm cổ vật, tôi tích lũy được rất nhiều kiến thức về văn hóa và lịch sử của dân tộc. Vì thế, tôi luôn có động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê sưu tầm cổ vật”, anh Khoang tâm sự.

Trong không gian trưng bày, anh Khoang có thể kể rành rọt về “gốc tích” của các cổ vật và giá trị lịch sử của nó qua các giai đoạn. Trong hơn 18.000 cổ vật, đa số vẫn còn nguyên vẹn, cũng có không ít món bị sứt, vỡ nhưng anh vẫn quý trọng, nâng niu, bảo quản kỹ lưỡng, bởi theo anh, mỗi đồ vật đều có những giá trị riêng.

Sở hữu được nhiều cổ vật, anh Khoang cảm thấy mình là người may mắn và có “duyên”, vì nhiều món đồ không phải cứ có tiền là mua được. Chủ nhân của những cổ vật này cho biết, sưu tầm là nhằm mục đích được thỏa mãn với niềm đam mê về văn hóa và lịch dân tộc, chính vì vậy những cổ vật này chỉ để lưu giữ và trưng bày chứ không bán hay có ý định kinh doanh. Nhiều người sau khi tham quan, ưng ý với một cổ vật và trả giá cao, nhưng mình nhất định không bán. Thi thoảng một số bảo tàng ở các tỉnh lân cận “mượn” để trưng bày, anh Khoang đều đồng ý và không ngần ngại vận chuyển đến tận nơi để những người cùng đam mê có cơ hội thưởng lãm. Ngoài ra, anh Khoang đã tặng hàng trăm cổ vật cho Bảo tàng các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Bình…

Với bộ sưu tập hơn 18.000 cổ vật, ngôi nhà của anh Khoang ở làng Blo luôn rộng cửa chào đón khách đến tham quan, tìm hiểu. “Hiện tôi đang có một một bảo tàng tư nhân trưng bày cổ vật ở Phú Yên. Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Bảo tồn cổ vật Việt Nam cũng đã cấp giấy chứng nhận đặt văn phòng liên lạc của Câu lạc bộ Nghiên cứu sưu tầm cổ vật tỉnh Gia Lai trong khuôn viên gia đình tôi. Tôi luôn ấp ủ ước mơ xây dựng một bảo tàng tư nhân tại Gia Lai để cho mọi người đến tham quan. Hiện tôi đang làm các thủ tục đề nghị các đơn vị có liên quan cấp giấy phép để xây dựng bảo tàng, đưa vào hoạt động trong năm 2022. Gia Lai là tỉnh có rất nhiều cổ vật, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục sưu tầm để tăng thêm số lượng cho bộ sưu tập của mình”, anh Khoang nói về dự định của mình.

Theo ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Nghiên cứu Sưu tầm Cổ vật Gia Lai cho biết: “Bộ sưu tập cổ vật của ông Khoang được những người đam mê đồ cổ đánh giá rất cao, nhiều món thuộc dạng “khủng”, ít người có được. Kỳ thực tôi rất ngưỡng mộ, phải là người thực sự đam mê và dồn nhiều tâm huyết thì mới có thể sở hữu bộ sưu tập đồ sộ như ngày hôm nay”. 

VĨNH AN

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top