Tại Hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm rõ thêm về nội dung phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

VHO - Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội chiều nay 1.6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã làm rõ thêm nội dung phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây cũng là hai vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tại Hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm rõ thêm về nội dung phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - Anh 1

Bộ trưởng Bộ VHTTDL  Nguyễn Văn Hùng phát biểu làm rõ thêm một số nội dung tại phiên thảo luận

Về vấn đề phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Như các đại biểu đã phân tích, đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngành Du lịch được hiểu là một ngành kinh tế tổng hợp và Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Trước đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đã có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế.

Khi đại dịch tác động thì du lịch có thể nói là ngành chịu nhiều thiệt hại và tổn thất, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới. Các con số từ Hiệp hội Du lịch quốc tế cũng như du lịch Việt Nam đã chứng minh rõ những thiệt hại này. Tuy khó khăn, nhưng Đảng, Chính phủ và Quốc hội luôn quan tâm đến ngành kinh tế mũi nhọn và đã có nhiều quyết sách để hỗ trợ kịp thời. Đó là những chính sách được miễn giảm trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát để giảm bớt sức nặng cho các cơ sở lưu trú, giảm 80% tiền chi phí thành lập các doanh nghiệp lữ hành, giảm 50% phí thẩm định để cấp giấy phép về thành lập các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Ngoài ra, còn hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng hướng dẫn viên làm công tác du lịch với số tiền 3,7 triệu/ người.

Bên cạnh đó, với các Nghị quyết của Quốc hội và các Chỉ thị của Thủ tướng, các cơ sở kinh doanh du lịch đều được hưởng các chính sách về an sinh xã hội, các chính sách về vùng miền và đang có hiệu lực. Nhờ những chính sách đó nên ngành  Du lịch cũng đã thấy được trách nhiệm của mình là dù khó khăn những phải cố gắng vượt qua. Bộ trưởng cho biết: Bộ VHTTDL đã có nhiều phiên họp, nhiều cuộc làm việc với các cơ quan làm công tác du lịch ở các địa phương và với các hiệp hội doanh nghiệp để đề nghị cơ cấu lại ngành, chuẩn bị thích ứng an toàn trong việc xem xét để mở cửa. Đồng thời Bộ cũng đã tham mưu một cách tích cực nhất để Chính phủ xem xét, cho phép lúc nào có thể mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế. "Chúng ta đã làm thí điểm về việc đón khách quốc tế, cho phép sơ kết nhanh để báo cáo lại Chính phủ. Đến ngày 15.3.2022, Việt Nam đã chính thức mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế. Và Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở cửa nhanh và tạo ra một chiều hướng tốt khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, khi lượng vắc xin đã được phủ. Nhờ đó, chúng ta đã tạo ra được một cú hích trong vấn đề này", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng phân tích rõ thêm: Cùng với đó, chúng ta coi du lịch nội địa là điểm tựa khi du lịch quốc tế  đang gặp khó khăn. Hơn nữa, du lịch quốc tế còn phụ thuộc vào các nước chứ không phải theo mong muốn chủ quan của chúng ta. Chính vì vậy, khi du lịch nội địa đã được vực dâỵ và tăng đột biến trong thời gian vừa qua đã làm tiền đề phát triển du lịch quốc tế.

Bộ trưởng thông tin: Qua số liệu các đại biểu đã phân tích đã cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng tới 200% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch nội địa còn tăng nhiều hơn. Con số này đã cho thấy một quy luật là khi chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh thì Việt Nam là điểm đến an toàn.

Bên cạnh đó, sau khi Bộ Chính trị cho phép, Chính phủ đã triển khai SEA Games 31. SEA Games 31 không chỉ là sự kiện thể thao mà là dịp để quảng bá về văn hoá, về hình ảnh của Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời thúc đẩy du lịch phát triển. 

Bộ trưởng đã dẫn ra những con số rất thuyết phục: 10.000 vận động viên, huấn luyện viên và trọng tài sẽ là những sứ giả, những đại sứ về du lịch của chúng ta. Đó là chưa kể gần 700 nhà báo quốc tế đi theo sự kiện này. Đó là những cây bút sẽ nói, sẽ viết cho chúng ta, giới thiệu về một điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện và hiếu khách. Một cơ hội hiếm để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, thực sự hữu ích để cho ngành Du lịch phát triển.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, ngành Du lịch đã tập trung vào mấy vấn đề lớn như sau: Một là phải tiếp tục đề xuất với Chính phủ để chỉ đạo, tháo gỡ những vấn đề về visa. Thứ 2 là phải làm mới sản phẩm du lịch. Ngoài ra, chủ đề của Năm du lịch quốc gia 2022 đã được phát động tại Quảng Nam hướng về du lịch xanh, cho nên trong thời gian tới, du lịch về cộng đồng, du lịch về biển đảo, du lịch về nghỉ dưỡng là thế mạnh mà Việt Nam phải phát triển mạnh.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng, phải tập trung rà soát và tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung quảng bá, nâng cấp điểm đến và số hoá trong ngành Du lịch để tạo điều kiện cho ngành này phát triển và đạt mức phấn đấu để hoàn thành chỉ tiêu dự kiến sẽ đón được 5 triệu lượt khách quốc tế.

Về nội dung thứ hai được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Làm rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề di tích và di sản. Tuy nhiên, với một số lượng di tích, di sản đã được công nhận và xếp hạng rất lớn. Tổng số di tích cả nước hiện nay đã được kiểm kê là hơn 40.000, trong đó đã được công nhận một số di tích, di sản là: 8 di tích, di sản đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá thế giới, 123 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.599 di tích quốc gia được Bộ trưởng Bộ VHTTDL xếp hạng, 10.755 di tích được Chủ tịch cấp tỉnh xếp hạng. Như vậy, số lượng di tích, di sản của chúng ta hết sức phong phú, đồ sộ và đa dạng.

Tại Hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm rõ thêm về nội dung phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - Anh 2

Vì vậy, để phát huy được giá trị của di tích, di sản, căn cứ vào Luật Di sản văn hoá, chúng ta coi di tích, di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng, là lịch sử ngàn đời mà cha ông ta đã để lại. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm phát huy, bảo tồn và lan toả. Chính vì vậy, giai đoạn 2015-2020, Bộ VHTTDL đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá. Tại thời điểm này, Quốc hội phân cho Bộ VHTTDL 245 tỉ trong 5 năm để bảo tồn, tôn tạo di tích. Bộ đã phân bổ cho 400 di tích ở tất cả các địa phương, bình quân mỗi di tích được đầu tư 600 triệu đến 1 tỉ. "Với con số nêu trên, quả thực là quá khó khăn cho công tác chống xuống cấp. Vì vậy mà các địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn, tuy nhiên đó là những địa phương có điều kiện, còn những địa phương không có điều kiện thì cũng không có nguồn đầu tư nào, nên di tích xuống cấp", Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, trong nhiệm kỳ này, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã kết thúc, Bộ VHTTDL không được phân bổ nguồn vốn. Chính vì vậy tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc để triển khai Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ đã chính thức báo cáo và được các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đồng ý, cho phép nghiên cứu để xây dựng một chương trình chấn hưng và phát triển văn hoá Việt Nam, trong đó có nội dung về nâng cấp di tích, di sản. Và hiện nay, Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, cân đối, trình Quốc hội để có thể bố trí một khoản nào đó để điều tiết cho địa phương chống xuống cấp di tích, di sản. "Việc chống xuống cấp di tích là trách nhiệm của tất cả chúng ta và được biết Quốc hội cũng đã đưa vào chương trình làm luật, giao cho Bộ VHTTDL báo cáo Luật Di sản văn hoá để xem xét sửa đổi, và lúc đó chắc chắn chúng ta phải phân cấp rõ hơn, trách nhiệm rõ hơn để tránh tình trạng là khi công nhận di tích, xếp hạng di tích thì cứ nghĩ đây là trách nhiệm của Bộ, ngành. Di tích ở địa phương nào, địa bàn nào thì địa phương đó có cộng đồng trách nhiệm và phải được phát huy giá trị di tích ngay tại địa phương đó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

HOÀNG HƯƠNG, ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc