Giúp trẻ em gái và phụ nữ tự tin theo đuổi khoa học, công nghệ

VHO- Với mục tiêu truyền cảm hứng và thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực STEM, trong năm 2021 – 2022, Viện MSD – United Way Việt Nam triển khai thực hiện dự án STEMherVN – “Thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học”.

Trong khuôn khổ dự án đã diễn ra cuộc thi sáng kiến “Em yêu STEM” và lễ trao giải cuộc thi đã được tổ chức ngày 19.7 tại Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội). Sự kiện là một trong những nỗ lực của dự án nhằm truyền cảm hứng cho các bạn nữ sinh theo đuổi ước mơ nghề nghiệp STEM, hướng tới phá bỏ các rào, định kiến và phân biệt đối xử trên cơ sở giới cản trợ sự phát triển của nữ giới; Khẳng định tầm quan trọng của nữ giới và những đóng góp của họ trong lĩnh vực STEM.

Giúp trẻ em gái và phụ nữ tự tin theo đuổi khoa học, công nghệ - Anh 1

Nữ sinh viên Học viện Tài chính (bên trái) đoạt giải Nhất trong cuộc thi "Em yêu STEM"

Theo bà Trần Vân Anh, Giám đốc Chương trình Viện MSD – United Way Việt Nam, trong những năm gần đây, giáo dục STEM cũng đã dần trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các nhà trường, gia đình và rất vui khi ngày càng có nhiều bạn nữ mạnh dạn theo đuổi đam mê trong các ngành nghề STEM. Tuy nhiên, lĩnh vực STEM vẫn được xem như là ngành nghề đặc thù chỉ dành cho nam giới, với biểu hiện là tỉ lệ nam giới theo học nghề liên quan đến lĩnh vực STEM cao hơn hẳn so với tỉ lệ này ở nữ giới. Một trong những rào cản này đến từ định kiến cho rằng các ngành nghề khoa học kĩ thuật không phù hợp với nữ giới. Thực tế hoàn toàn không phải như vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nam hay nữ đều có khả năng như nhau trong mọi ngành khoa học, nghề nghiệp và khả năng hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi giới tính. Các em gái hoàn toàn có thể tự tin theo đuổi đam mê, sở thích, và thế mạnh của mình trong lĩnh vực STEM nếu các em mong muốn và có khả năng. "Tôi tin rằng sự nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo của mỗi bạn trẻ sẽ là tiền đề để tạo nên và dẫn dắt sự thay đổi, hi vọng các bạn sẽ đồng hành cùng chúng tôi trên hành trình STEMherVN: truyền cảm hứng để xoá bỏ định kiến, thúc đẩy bình đẳng giới trong tiếp cận nghề nghiệp", bà Trần Vân Anh cho hay.

Cuộc thi “Em yêu STEM” được tổ chức với mong muốn là sân chơi để các bạn trẻ yêu thích STEM, đặc biệt các bạn nữ có thể sáng tạo và nộp ý tưởng, dự án ứng dụng STEM vào giải quyết các vấn đề của xã hội. Sau hơn 1 tháng phát động và triển khai, Ban tổ chức đã trao giải Nhất: Ứng dụng Just Sign - Giải pháp công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho người điếc; giải Nhì: ứng dụng OMHA (Our Mental Health Assistance) - Hỗ trợ sức khoẻ tâm thần và Máy tích điểm đổi quà tự động bằng chai nhựa; giải Ba: Thiết bị hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh trong giờ tự học buổi tối ở trường nội trú; Nhà chờ xe buýt An toàn - Thông minh - Thân thiện và Thiết bị điều khiển quạt và máy phun sương tự động...

Giúp trẻ em gái và phụ nữ tự tin theo đuổi khoa học, công nghệ - Anh 2

20 nữ sinh được nhận học bổng "Em yêu STEM"

Chia sẻ về cách thức ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người điếc – ý tưởng đoạt giải Nhất - bạn Diệp Linh, sinh viên Học viện Tài chính hào hứng: “Đa số những người điếc gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp do ngôn ngữ kí hiệu chưa được phổ biến rộng rãi. Do vậy, chúng em muốn có một giải pháp để giúp cho người điếc và người bình thường giao tiếp với nhau thông qua ngôn ngữ ký hiệu, và công nghệ sẽ giúp rút ngắn khoảng cách, giúp cho người Điếc dễ dàng hoà nhập với cộng đồng. Chúng em rất vui khi đạt được giải thưởng, điều này giúp chúng em tự tin rằng phụ nữ cũng có thể theo đuổi ngành nghề STEM.”

Các ý tưởng đoạt giải:

Giải Nhất:

JUST SIGN - Giải pháp công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho người điếc: được đề xuất bởi hai bạn Vũ Diệp Linh sinh viên Học viện Tài chính và Lều Thị Hằng - Sinh viên Đại học Ngoại thương. JUST SIGN là một giải pháp công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho người Điếc với tính năng cốt lõi là phiên dịch từ ngôn ngữ ký hiệu qua ngôn ngữ của người nghe và ngược lại. JUST SIGN hi vọng có thể xóa bỏ rào cản giao tiếp giúp Người Điếc Hòa nhập cộng đồng thông qua giải pháp công nghệ hiện đại nhất.

Giải Nhì:

- Máy tích điểm đổi quà tự động bằng chai nhựa: được đề xuất bởi nhóm các bạn: Nguyễn Bùi Minh Thư, Quan Thanh Nghiệp và Lương Ngọc Long - học sinh thuộc trường Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng - Đăk Lăk. Máy được kết nối với ứng dụng trên điện thoại. Khi bỏ 1 chai nhựa vào máy thu gom – tích điểm thì người dùng sẽ nhận được điểm thưởng để đổi lấy các phần quà hay tiền mặt, thay vì phải tích nhiều chai nhựa thì mới có thể mang đi đổi hoặc bán được.

- Ứng dụng OMHA (Our Mental Health Assistance) - Hỗ trợ sức khoẻ tâm thần: được đề xuất bởi các bạn: Hoàng Tuấn Tú, Phí Vũ Trung Kiên và Vũ Thị Yến Chi - học sinh trường THPT Chuyên Thái Bình. Our Mental Health Assistance, viết tắt là OMHA là một ứng dụng giúp chăm sóc sức khỏe về mặt tinh thần cho người dùng, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Ứng dụng hi vọng có thể giúp người cải thiện được đời sống tâm lý và phụ huynh thông qua đây cũng sẽ có góc nhìn khác về tâm lý con trẻ.

Giải Ba:

- Thiết bị hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh trong giờ tự học buổi tối ở trường nội trú: được đề xuất bởi các bạn: Hoàng Thị An, Lê Tố Uyên và Đỗ Quốc Huy - học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng - Đăk Lăk. Dự án hướng tới các trường học nội trú và nhằm quản lý học sinh tốt hơn trong những giờ tự học buổi tối (19h-22h). Nhóm xây dựng một thiết bị đo độ ồn, thống kê lại những lớp bị nhắc nhở sau mỗi buổi học. Thiết bị sẽ có hình chữ nhật với bên ngoài là một chiếc loa và màn hình LCD dùng để thông báo nhắc nhở khi tiếng ồn quá mức quy định.

- Nhà chờ xe buýt An toàn - Thông minh - Thân thiện: được đề xuất bởi các bạn: Vũ Thúy Hằng, Nguyễn Hoàng Lan, Trương Bùi Kim Ngân - Thành viên CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi (COC) - Trường Đại học Giao thông Vận tải. Dự án hướng tới nhóm đối tượng sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Xuất phát từ những hạn chế hiện nay, nhóm đề xuất sáng kiến về nhà chờ xe buýt với ba tiêu chí: An toàn - Thông minh - Thân thiện.

- Thiết bị điều khiển quạt và máy phun sương tự động: được đề xuất bởi nhóm học sinh: Lưu Thị Thu Huệ, Hoàng Thị Lê Vy và Lương Chiều Vỹ - học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng - Đăk Lăk. Xuất phát từ thực tế khí hậu tại Đăk Lăk, sáng kiến xây dụng thiết bị điều khiển quạt và máy phun sương tự động sử dụng cảm biến nhiệt độ và độ ẩm để đo không gian trong phòng, hiện lên màn hình LCD và tự động điều khiển bình phun sương nhằm giúp cho không gian có không khí thoải mái cho mọi người.

 

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc