Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Văn hóa, văn minh nơi tàu điện trên cao: (Bài cuối): Lan tỏa cái tốt, cái đẹp trong cộng đồng

Thứ Năm 11/08/2022 | 14:30 GMT+7

VHO- Trước tác động của việc mở rộng Thủ đô, và làn sóng sự di cư từ nông thôn ra thành thị, nét văn hóa Hà Nội đang bị pha loãng và bị ảnh hưởng. Nhưng sẽ là sự pha loãng một cách tích cực nếu cái tốt, cái đẹp được lan tỏa và phát huy  thành chuẩn mực của người Hà Nội.

Trở lại những hành động chưa đẹp của một bộ phận hành khách đi tầu điện trên cao như co chân lên ghế, trẻ em nô đùa, chạy nhảy, hay nói chuyện quá ồn ào… PGS.TS Từ Thị Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, đó chỉ là tỉ lệ phần trăm rất nhỏ, không phải đa số nên có thể không đến mức nghiêm trọng hay báo động. Bà tin rằng, cũng như tại các không gian công cộng khác, những hành vi đó trên môi trường đường sắt đô thị dần dần sẽ được điều chỉnh, dẫn dắt bởi số đông có hành động, ứng xử đẹp.

Vào thời gian cao điểm cuối năm 2021, người dân trật tự xếp hàng tại máy bán vé tự động

Lý giải về điều này, PGS.TS Từ Thị Loan khẳng định: Hà Nội vẫn là đất ngàn năm văn hiến nên người dân tứ chiếng về Thủ đô dần dần sẽ bị cảm hóa, hay “Hà Nội hóa”. Nếu có biểu hiện, ứng xử không đẹp thì chắc chắn không phải là dòng chủ lưu để thắng thế xu hướng đang hình thành về nếp sống văn minh, tiến bộ của Hà Nội. Tuy nhiên, khi bắt gặp những ứng xử, hành vi chưa tốt vẫn rất cần sự lên tiếng bởi đó là biểu hiện sự đấu tranh giữa cái đẹp và chưa đẹp. Cùng với đó là người có thẩm quyền để nhắc nhở tuân thủ những nguyên tắc, quy định đề ra; thậm chí có chế tài xử phạt từ đó mọi người mới điều chỉnh hành vi của mình và dần dần hình thành nếp sống mới.

Thực tế cho thấy, nhiều người chứng kiến những ứng xử không đẹp như hút thuốc không đúng nơi quy định, khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, gây tiếng ồn ảnh hưởng tới người xung quanh… hầu như chọn cách im lặng, nếu thấy phiền phức thì tránh ra chỗ khác và chẳng ai muốn nhắc nhở vì sợ nhắc nhở sẽ ảnh hưởng tới bản thân. Nói về điều này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta gần như bị suy thoái về tinh thần cộng đồng, vì lo ngại cho bản thân. Do đó, trong tuyên truyền, giáo dục về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh nơi cộng cộng cần phải giáo dục tinh thần cộng đồng với người vi phạm và cộng đồng với người chứng kiến sự vi phạm đó.

PGS.TS Lê Quý Đức

Cũng theo PGS Lê Quý Đức, hiện nay dường như chúng ta tiếp thu mạnh mẽ trình độ tiên tiến về mặt công nghệ nhưng trình độ văn hóa, văn minh lại không theo kịp. Tuy điều này không vui nhưng cũng không phải là quá buồn bởi các nước phương Tây hay một số nước châu Á đã phát triển trước chúng ta hàng chục năm trước nên chúng ta cũng không thể đốt cháy giai đoạn. Song cần nắm bắt lợi thế của người đi sau bỏ qua những giai đoạn ban đầu để đấu tranh với những bảo thủ, lạc hậu, để tiến nhanh hơn, gần hơn với lối sống, ứng xử văn minh. “Chúng ta đang ở giai đoạn chuyển đổi đô thị hóa rất nhanh, đang từ nông thôn bỗng chốc thành thành thị vì vậy người dân chưa kịp chuyển lối sống, thói quen, nhận thức cũ. Cùng với việc giáo dục, tuyên truyền, chúng ta cần phải có thể chế chính sách phù hợp và thực thi một cách nghiêm túc. Đồng thời, mỗi cá nhân phải tự nâng cao trình độ của mình lên ”,  PGS Lê Quý Đức nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thức

Bàn về giải pháp và nâng cao chất lượng môi trường văn hóa, văn minh nơi công cộng, PGS.TS Nguyễn Hữu Thức, giảng viên cao cấp Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương cho rằng đây là vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp. Phức tạp ở chỗ môi trường công cộng là khoảng không chung mà mọi người đều có quyền đến để sử dụng và thể hiện quyền của mình. Do đó, phải tìm ra giải pháp xây dựng môi trường văn hóa công cộng lành mạnh, giàu tính nhân văn. Giải pháp đầu tiên là nâng cao nhận thức vì nhận thức là cái đi đầu, trước tiên thường được gọi là công tác đi trước một bước. Tuyên truyền bằng tất cả các hình thức đa dạng để “mưa dầm thấm lâu” giúp người dân nhận ra rằng nếu mình không tham gia vào “cuộc chơi” xây dựng môi trường văn hóa công cộng thì mình sẽ cảm thấy xấu hổ. Giải pháp tiếp theo là biểu dương, khen thưởng kịp thời. Hệ thống khen thưởng hiện nay của chúng ta chưa đủ vì còn rất nhiều người làm việc tốt, những người hi sinh cho cộng đồng, xã hội nếu được biểu dương, khen thưởng kịp thời sẽ tạo nên một nguồn lực tinh thần cho họ để họ cống hiến cho xã hội và lôi kéo những người khác làm theo.

Nếp sống văn minh, tiến bộ đang được hình thành và là dòng chủ lưu để điều chỉnh những hành vi không đẹp

Hà Nội đang ngày càng phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội, song hành với đó lãnh đạo TP Hà Nội cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch trên địa bàn góp phần từng bước đi vào cuộc sống trong việc xây dựng nếp sống văn hóa con người Hà Nội. Ngày 30.7.2021, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND, về việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17.3.2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình bao gồm 3 nhóm vấn đề, trong đó Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025 gồm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các quy tắc ứng xử đã từng bước đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực, được dư luận đồng tình, hưởng ứng, tự giác thực hiện. Các tiêu chí chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, nhân ái, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt… được đề cao, tuyên truyền rộng rãi và có sức lan tỏa sâu rộng hướng đến mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành TP tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa.

QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top