Từ vụ cháy trong khu vực di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn (Huế): Lời cảnh báo… “hỏa tốc”

VHO- Vụ hỏa hoạn xảy ra vào chiều ngày 17.8 bên trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, đây cũng chính là di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn, đã khiến nhiều vật dụng, đồ đạc bị hư hại. Vụ việc này là lời “cảnh tỉnh” để các cơ sở thiết chế văn hóa, các khu di tích, di sản không thể chủ quan, lơ là trước công tác PCCC, đặc biệt là vào mùa nắng nóng gay gắt.

Từ vụ cháy trong khu vực di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn (Huế): Lời cảnh báo… “hỏa tốc” - Anh 1

 Cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tập huấn, xử lý PCCC và CNCH trong trường hợp giả định có vụ cháy ở di tích Cung Diên Thọ, Đại nội Huế Ảnh: BẢO MINH

Ngày 18.8, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đặt biển thông báo tạm thời không đón khách tham quan. Cơ quan công an đã giăng dây phong tỏa khu vực hiện trường vụ cháy để phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan công an đang điều tra

Một cán bộ đang khảo sát ở hiện trường cho biết, vụ việc đang được Công an tỉnh và Công an TP Huế phối hợp điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, hiện chưa có kết luận gì. Để đảm bảo an toàn cho công tác điều tra, khu vực xung quanh hiện trường cũng không cho phép người dân đến gần. Sau đám cháy, hệ mái của khu nhà đã bị hư hại, đổ sập rất nguy hiểm.

Khu vực xảy ra hỏa hoạn chính là dãy nhà nằm bên trái Di Luân Đường (nhìn từ cổng chính vào). Dãy nhà này có 3 gian trưng bày, là không gian trưng bày hiện vật, tư liệu, hình ảnh về giai đoạn chống Pháp (1945-1954). Khi phát hiện ngọn lửa bốc lên ở khu nhà này, một số cán bộ của bảo tàng và lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng vận chuyển các tài liệu, hiện vật ra bên ngoài. Theo kiểm kê danh mục tư liệu hiện vật được trưng bày tại dãy nhà này có 180 hiện vật; đã kịp thời di chuyển 163 hiện vật ra khỏi khu vực xảy ra hỏa hoạn. Còn lại 17 hiện vật chưa di chuyển ra được, nhưng ngọn lửa nhanh chóng được lực lượng PCCC khống chế nên các hiện vật không bị ảnh hưởng. Hiện, các hiện vật đã được chuyển về kho bảo tàng, bảo quản theo quy định và kiểm kê, lưu giữ an toàn.

Sở VHTT cho biết, đám cháy không gây thiệt hại về người, song công trình lại bị hư hại, bởi dãy hệ mái của dãy nhà bằng gỗ, lợp ngói liệt nên nhanh bắt lửa. Trước mắt ¼ hệ mái của dãy nhà trưng bày thời kháng chiến chống Pháp đã bị sập, một số khu vực tường công trình bị hư hỏng. Cũng trong ngày 18.8, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT cho biết Sở đã có báo cáo ban đầu về vụ hỏa hoạn đến Bộ VHTTDL, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Hải thông tin, Sở đã yêu cầu lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử tỉnh tập trung phối hợp với cơ quan an ninh điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn; đồng thời, tăng cường công tác bảo quản, đảm bảo an toàn về người, tài sản, hiện vật của bảo tàng; ổn định tư tưởng của đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động để làm việc, không gây ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.

Từ vụ cháy trong khu vực di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn (Huế): Lời cảnh báo… “hỏa tốc” - Anh 2

 Lực lượng PCCC Công an tỉnh Thừa Thiên Huế nỗ lực chữa cháy tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh trong vụ hỏa hoạn chiều 17.8

Đảm bảo PCCC từ cơ sở

Trụ sở Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế hiện tại cũng chính là di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn, là một trong những công trình di tích cùng với hệ thống di tích triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.

Hệ thống khu di sản Huế với phần lớn các công trình di tích kiến trúc gỗ; nhiều di tích nằm ở khu vực ven rừng thông và xa trung tâm thành phố (như lăng Gia Long, lăng Khải Định); di tích nằm trọn trong khu dân cư (lăng Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân); nhiều di tích có miếu, điện thờ cúng; lượng khách tham quan vào dịp mùa hè nắng nóng tăng cao… nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ là rất lớn. Chính vì thế, công tác PCCC luôn được ưu tiên quan tâm hàng đầu để bảo vệ công trình di sản, an toàn cho du khách và lực lượng làm nhiệm vụ tại các di tích.

Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, hằng năm Trung tâm thường kiện toàn Ban Chỉ huy và có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể về công tác PCCC và CNCH. Mỗi năm, đều có các lớp tập huấn, trang bị kiến thức về PCCC và CNCH cho cán bộ tất cả các phòng, ban thuộc Trung tâm, trong đó lực lượng bảo vệ là nòng cốt. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và nâng cấp, trang bị các thiết bị PCCC chuyên dụng và cơ bản ở các điểm di tích. Lực lượng thực hiện PCCC ban đầu ở cơ sở là rất quan trọng để hạn chế tối đa hỏa hoạn, nên chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt, không chủ quan, lơ là.

Thực tế, hằng năm đều có các đám cháy nhỏ xảy ra ở các khu vực xung quanh di tích như ở lăng Khải Định, lăng Thiệu Trị, lăng Cao Hoàng… do người dân đốt rác, vàng mã ở khu vực rừng giáp ranh. Tuy nhiên, lực lượng PCCC ở cơ sở tại các di tích đã nhanh chóng dập lửa, không để đám cháy lan rộng ảnh hưởng đến di tích. Ngoài ra, nhờ xây dựng “đường ranh chắn lửa” mà các di tích ở vùng ven giáp ranh với khu dân cư, giáp với rừng thông đã khống chế hiệu quả các đám cháy. Tính đến nay, “đường ranh chắn lửa” ở các điểm di tích thuộc khu di sản Huế có diện tích hơn 40.000m2. Vào tháng 5 vừa qua, để trang bị và bổ sung kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ và người lao động tại chỗ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai lớp tập huấn cho 120 cán bộ. Lực lượng PCCC và CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cùng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai tình huống giả định để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong PCCC và CNCH cho cán bộ và người lao động khi xảy ra vụ cháy ở di tích Cung Diên Thọ, bên trong Hoàng thành Huế.

“Chúng tôi bố trí, cắt cử lực lượng trực 24/24h đảm bảo công tác PCCC và CNCH tại các công trình di tích, khu vực đồi thông, và các khu vực giáp ranh với dân cư để kịp thời phát hiện và triển khai xử lý hỏa hoạn. Không chỉ quán triệt nhiệm vụ PCCC và CNCH đến toàn thể cán bộ của trung tâm, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra và tuyên truyền nhiệm vụ PCCC và CNCH đối với các đơn vị khai thác dịch vụ trong khu vực di tích, các đơn vị thi công trùng tu di tích và quan trọng hơn nữa là du khách tham quan”, ông Nguyễn Thành Nam nói. 

 Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho tài liệu, hiện vật

Như Văn Hóa đã đưa tin, ngày 4.8.2022, Bộ VHTTDL đã có công văn số 2888/ BVHTTDL-DSVH gửi các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường phòng chống thiên tai, cháy, nổ, trộm cắp ở bảo tàng và di tích năm 2022. Bộ yêu cầu các Sở địa phương chỉ đạo các bảo tàng, ban, trung tâm quản lý di tích trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, gồm: Rà soát các phương án phòng chống thiên tai, cháy, nổ, trộm cắp; kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị liên quan tới công tác bảo vệ, bảo quản nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng và di tích trong mùa mưa bão.

Phân công lãnh đạo trực tại bảo tàng và di tích để bảo đảm việc theo dõi, giám sát và ứng phó kịp thời với các nguy cơ rủi ro. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai, cháy, nổ, trộm cắp cho đội ngũ viên chức các bảo tàng, ban, trung tâm quản lý di tích, người trực tiếp trông coi di tích và khách tham quan.

 Không được phép lơ là PCCC

Trong hơn 10 năm trở lại đây, gần như năm nào Bộ VHTTDL cũng ban hành Chỉ thị hoặc có văn bản gửi các tỉnh, thành phố và các Sở địa phương về công tác tăng cường phòng chống thiên tai, cháy, nổ, trộm cắp ở bảo tàng và di tích. Nói như thế để thấy rằng, Bộ VHTTDL rất chú trọng và quan tâm vấn đề này, bởi mỗi khi xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ tại di tích hay bảo tàng thường để lại hậu quả rất nặng nề, nhiều di vật, hiện vật, tài liệu, hình ảnh; giá trị kiến trúc… sẽ một đi không trở lại, không có khả năng khôi phục.

Vụ hỏa hoạn xảy ra vào chiều ngày 17.8 bên trong khuôn viên di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn là hồi chuông cảnh báo đối với các Ban quản lý di tích, bảo tàng trong việc nâng cao nhận thức; thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá hệ thống PCCC tại di tích, bảo tàng, đồng thời cần phải có các biện pháp phòng ngừa rủi ro.

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc