Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi chết do người dân... “nhiệt tình quá”

Thứ Hai 22/08/2022 | 11:16 GMT+7

VHO- Người dân Yên Lạc đến giờ vẫn chưa thôi xót xa, tiếc nuối cây trôi cổ thụ hơn 300 năm tuổi, vốn được coi là báu vật, chứng nhân lịch sử của làng, bỗng dưng chết khô sau khi được đầu tư 200 triệu đồng để tôn tạo nền đất xung quanh, bón đạm rồi phun thuốc trừ sâu…

 Cây trôi cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở làng Yên Lạc khi còn sống

 Đến xóm Yên Lạc, xã Thanh Ngọc (huyện Thanh Chương, Nghệ An) những ngày này, đâu đâu cũng thấy xôn xao tiếng than “tiếc đứt ruột” khi cây trôi cổ thụ hàng trăm năm tuổi của làng bị chết. Ai cũng buồn bã và thốt lên “giá như không đụng vào cây!”.

Cụ Nguyễn Thị Xuân (80 tuổi) cho biết, “từ khi biết nhận thức là tôi đã thấy cây trôi rồi, cây gắn với bao kỷ niệm của dân làng nơi đây”. Gốc cây có đường kính 4m, phải nhiều người ôm mới khép được vòng. Thân cây cao hàng chục mét, cành lá vươn rộng trên mấy sào đất, dưới gốc có nhiều ụ lớn, bạnh nhô ra với muôn hình kỳ lạ, trẻ con đi đường gặp mưa có thể đứng trú dưới đó. Nơi to nhất của gốc có chu vi lên tới 12m. Đây là một trong hai cây cổ thụ tiêu biểu ở Thanh Chương cùng với cây sui Diên Tràng ở xã Thanh Phong, đồng thời là cây trôi “khủng” nhất tỉnh Nghệ An.

Người dân Yên Lạc kể, trong chiến tranh, máy bay Mỹ đã ném hai quả bom xuống vị trí cây trôi, một quả chui vào lòng đất, một quả phát nổ khiến một số cành cây bị gãy, để lại một hố bom khá to gần gốc cây, nhưng cây vẫn hiên ngang đứng đó. Do chịu tác động của thời gian và bom đạn trong chiến tranh nên địa thế của cây nằm hơi thấp, trơ rễ. Người dân muốn tôn tạo lại khu đất xung quanh cây để giúp cây phát triển và tạo cảnh quan sạch đẹp hơn. Với tinh thần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của quê hương, hàng chục năm qua, người dân địa phương luôn có ý thức bảo vệ cây trôi quý bằng nhiều biện pháp, như kè đá, trồng cây ven sông để giữ đất… Tuy nhiên, sau “dự án” xây dựng, tôn tạo gần đây, rất đáng tiếc là cây trôi đã bị chết khô.

Ông Nguyễn Mạnh Quý, Bí thư Chi bộ xóm Yên Lạc (xã Thanh Ngọc) cho biết, làng Yên Lạc hình thành từ cách đây 500 năm, cây trôi đứng đó như một chứng tích lịch sử của làng. Tháng 3.2020, sau một thời gian vận động người dân địa phương, con em xa quê chung tay đóng góp kinh phí, xóm Yên Lạc đã tổ chức làm lễ động thổ xây dựng, tôn tạo “Khu di tích Cây Trôi” rộng gần 4.000m2 với mục đích gìn giữ, bảo tồn cây quý, đồng thời tôn tạo khu vực này thành “công viên lịch sử” giáo dục truyền thống quê hương. Khu vực quanh cây trôi được xây dựng cụm cột cờ, bồn hoa, bờ chắn, kè đất phía bờ sông, xây tường bao khép kín quanh gốc cây (cao, rộng 0,3m), lắp hệ thống đèn điện chiếu sáng… Công trình hoàn thành vào năm 2020.

Trong quá trình thi công, Ban xây dựng đã bón 1 bao phân đạm NPK 25 kg xung quanh gốc cây và bù đất cao khoảng 1m. Đầu năm 2021, cây trôi ra lá non, nhưng sau đó do xuất hiện rất nhiều sâu ăn lá nên người dân đã cho phun thuốc trừ sâu. Cuối năm đó, cây trôi bị rụng lá hoàn toàn và đến thời điểm này, cây đã khô đét, nhiều cành có dấu hiệu mục, vỏ bong ra khỏi thân từng mảng lớn. Người dân địa phương nhận định, nguyên nhân cây chết chủ yếu là do việc xây dựng, tôn tạo không khoa học đã làm thay đổi tiêu cực môi trường sống của cây.

Cây trôi cổ thụ chết khô, địa phương không chỉ mất một cây quý mà còn mất đi một chứng tích lịch sử của quê hương, gắn liền với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ông Trịnh Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Thanh Ngọc thông tin thêm, Chi bộ và Ban chỉ huy xóm Yên Lạc đã tiến hành họp nhân dân để tìm phương án xử lý. “Trước mắt sẽ theo dõi thêm một thời gian xem cây có mọc mầm được nữa hay không, nếu cây đã chết hẳn thì cần có phương án xử lý sớm để đảm bảo an toàn; đồng thời trồng cây mới thay thế để tạo cảnh quan xung quanh khu vực”. Đây là bài học đắt giá trong việc xây dựng, tôn tạo di sản, đặc biệt là cây di sản, cây quý hàng trăm năm tuổi cho nhiều địa phương. Công tác này cần phải thực hiện cẩn trọng, khoa học, nếu không mất mát về giá trị tinh thần sẽ không thể nào bù đắp được. 

 PHẠM NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top