Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Hướng đi nào cho du lịch duyên hải miền Trung - Tây Nguyên? (Bài 2) Kiên quyết trước các sai phạm

Thứ Hai 22/08/2022 | 11:38 GMT+7

VHO- Trong thời gian qua, nhiều sai phạm tại các dự án du lịch ở khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên được chỉ ra như việc không chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, quản lý và sử dụng đất, môi trường, xây dựng…

 Tỉnh Bình Định sẽ hạn chế các dự án du lịch - dịch vụ dọc tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, TP Quy Nhơn

Đụng đâu sai đó

Tại Gia Lai, thời gian qua dư luận lo ngại việc biến 174 ha rừng làm sân golf ở huyện Đắk Đoa. Một số đơn vị đã đề nghị tỉnh Gia Lai cân nhắc cẩn trọng trong đề xuất chuyển mục đích sử dụng hơn 174 ha đất rừng để thực hiện dự án sân golf Đắk Đoa, vì việc này có thể làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương. Mặc dù vậy, Dự án sân golf Đắk Đoa vẫn được tỉnh Gia Lai đề xuất xin chủ trương và được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 1.4.2021. Dự án đầu tư sân golf Đắk Đoa do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, có thời hạn hoạt động là 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, với nguồn vốn đầu tư là 1.142 tỉ đồng. Khi bắt tay vào làm sân golf, chủ đầu tư đã tiến hành di dời 2.500 cây thông. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng di dời, hàng loạt cây thông đã chết, khô héo, trụi lá. Nhiều cây bị cắt khúc vùi xuống đất. Việc hàng nghìn cây thông hàng chục năm tuổi được di thực có dấu hiệu chết dần, chết khô khiến dư luận địa phương hết sức bức xúc, nhiều người tỏ ra xót xa, tiếc nuối cho rừng thông gắn liền với điểm du lịch “Đồi cỏ hồng” nổi tiếng ở địa phương.

Dự án khu du lịch (KDL) Thiên Đàng ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) sau 17 năm xây dựng đến nay dự án này cỏ cây mọc um tùm, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2005, dự án KDL Thiên Đàng do Công ty TNHH Thiên Đàng (sau đổi tên Công ty CP Thiên Đàng) làm chủ đầu tư được Ban Quản lý KKT Dung Quất (nay là BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi) cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu với tổng vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng (sau điều chỉnh nâng lên hơn 1.800 tỉ đồng). Theo kết luận thanh tra Quảng Ngãi, trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư chỉ mới triển khai giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động (vào năm 2006-2007) với diện tích sử dụng đất 324.772m2; giai đoạn 2 triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng một số ít các hạng mục trên diện tích đất 741.043m2. Việc vi phạm tiến độ của nhà đầu tư kéo dài từ năm 2009 đến nay, song nhiều lần xử lý, giải quyết thủ tục điều chỉnh dự án nhưng đều không có kết quả. Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trễ thực hiện dự án đến thời điểm này là do nhà đầu tư không đủ năng lực để hoàn thành toàn bộ dự án dù đã kéo dài nhiều năm qua, nhiều lần cam kết tiến độ nhưng không thực hiện đúng… Dù đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi tạo điều kiện để giãn tiến độ, nhưng nhà đầu tư không phối hợp thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Tại Khánh Hòa có rất nhiều dự án du lịch vướng sai phạm từ việc quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cho đến triển khai xây dựng chậm tiến độ... Trong đó phải kể đến 2 “đại” dự án: Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (513,3 ha) và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung (gần 20 ha) thuộc khu vực núi Chín Khúc, phía Tây TP Nha Trang vướng nhiều sai phạm trong việc giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Kiên quyết thu hồi

Theo số liệu thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh hiện có 17 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng không nhiều. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm về quản lý đất đai, tuyệt đối không để xảy ra việc tổ chức, cá nhân tự ý triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trên phần diện tích đất thực hiện dự án khi chưa có quyết định giao (cho thuê) đất của cấp có thẩm quyền. Trong quá trình theo dõi và kiểm tra, khi phát hiện những trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật về đất đai… Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị địa phương tăng cường rà soát, kiên quyết tham mưu UBND tỉnh thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ, nhất là các dự án nhà đầu tư thiếu năng lực, xin dự án để xí phần, tránh lặp lại những thiếu sót trong công tác quản lý, thu hút đầu tư.

Năm 2019, UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch điều chỉnh 1/2.000 các điểm du lịch - dịch vụ dọc tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, TP Quy Nhơn. Nhưng sau khi thu hút đầu tư xây dựng các dự án du lịch - dịch vụ thì tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu bộc lộ nhiều hạn chế, bởi vậy Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu rà soát 18 dự án để đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch, dừng triển khai thực hiện đối các dự án chưa triển khai, các dự án phá vỡ cảnh quan, có địa hình nguy cơ sạt lở. Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định thông tin: “Thời điểm phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, chúng tôi không lường trước các dự án du lịch - dịch vụ dọc tuyến đường này lại gây bất lợi lớn cho cảnh quan môi trường. Hiện đơn vị đang hoàn tất báo cáo để trình cho UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến quyết định. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh, những dự án nào gây bất lợi đến cảnh quan môi trường, đặc biệt gây sạt lở đất thì sẽ cương quyết thu hồi”.

Trong khi đó tại Khánh Hòa, những năm trở lại đây đã thu hút rất nhiều dự án du lịch tầm cỡ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, một số “đại” dự án mặt biển đất vàng với nguồn vốn đầu tư rất lớn, nhưng triển khai chậm tiến độ kéo dài nên đã bị thu hồi. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tỉnh Khánh Hòa kiên quyết thu hồi dự án du lịch mặt biển có sai phạm nghiêm trọng. Riêng phần đất dự án Nha Trang Sao sau khi thu hồi sẽ được dùng để xây công viên, phục vụ mục đích công cộng, giải trí cho người dân và du khách”. 

Bài 3: Cần cơ chế hợp lý thu hút đầu tư

 NHƯ ĐỒNG - XUÂN HƯỚNG - NGỌC HÒA - PHAN HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top