Cuộc đối thoại thú vị của Thư pháp và Graffiti ở Văn Miếu

VHO- Kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm Đối thoại Thư pháp và Graffiti.

Cuộc đối thoại thú vị của Thư pháp và Graffiti ở Văn Miếu - Anh 1

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Tham dự sự kiện có lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL); Sở VHTT Hà Nội; Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng đại diện các CLB Thư pháp, nhóm Graffiti, các không gian sáng tạo, họa sĩ…

TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, triển lãm Đối thoại Thư pháp và Graffiti là kết quả của một dự án sáng tác và trưng bày về Thư pháp kết hợp với Graffiti với mục đích góp phần từng bước hiện thực hóa ý tưởng đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo, một điểm đến quen thuộc của công chúng yêu di sản và văn hóa nghệ thuật.  Đây là dịp để hai loại hình sáng tác này được đối thoại, đồng sáng tạo và đến gần hơn với công chúng, mang lại cho người xem những trải nghiệm và góc nhìn mới mẻ, tích cực, gần gũi đối với cả hai bộ môn.

Cuộc đối thoại thú vị của Thư pháp và Graffiti ở Văn Miếu - Anh 2

Thư pháp là nghệ thuật thể hiện chữ viết, một loại hình sáng tác có lịch sử lâu đời, đã được hình thành và phát triển tại khắp nơi trên thế giới, ngay cả ở các nước phương Tây chứ không chỉ trong phạm vi các quốc gia phương Đông. Tại phương Tây, thư pháp được biết tới dưới cái tên Calligraphy. Calligraphy là kết hợp hai từ Calli và Graphy. Calli có nguồn gốc từ Hy Lạp là Kalli, phát sinh từ Kallos có nghĩa là vẻ đẹp và từ Graphy có gốc Hy Lạp là Graphein, có nghĩa là viết chữ. Bên cạnh Calligraphy, cũng có một lối “chơi chữ nghệ thuật” khác được gọi là Graffiti.

Cuộc đối thoại thú vị của Thư pháp và Graffiti ở Văn Miếu - Anh 3

Graffiti là bộ môn nghệ thuật gắn liền với văn hóa đường phố ra đời vào khoảng những năm 1970. "Graffiti" là một từ bắt nguồn từ chữ “graphein” trong tiếng Hy Lạp – có nghĩa là viết. Sau này, trở thành từ “graffito” trong tiếng La tinh, có nghĩa là “hình vẽ trên tường”, tên gọi chung cho những hình ảnh hoặc chữ viết kiểu cách trên các bức tường ở các đường phố, khu phố và được vẽ bằng sơn, sơn xịt hoặc đánh dấu bằng thứ vật liệu bất kỳ lên những nơi có bề mặt phẳng, rộng.

Từ bao đời nay, thư pháp luôn được biết đến như một thú chơi tao nhã của giới có học thức, giỏi ngôn ngữ và đam mê văn chương. Trong khi đó, hình ảnh  những bức tường phủ đầy graffiti thường gợi lên trong tâm trí người ta hình ảnh những người trẻ “nổi loạn” thích “vẽ bậy”, khao khát được thể hiện và khẳng định mình.

Cuộc đối thoại thú vị của Thư pháp và Graffiti ở Văn Miếu - Anh 4

Cũng theo TS. Lê Xuân Kiêu, triển lãm là cuộc đối thoại đầy thú vị của hai loại hình sáng tác tưởng chừng khó tìm được tiếng nói chung bởi những khác biệt trong thẩm mỹ, ngôn ngữ và chất liệu thể hiện. Cuộc đối thoại trải qua bốn giai đoạn: từ gặp gỡ, đối thoại đến giao lưu với nhau và cuối cùng tìm được sự đồng cảm, chia sẻ những điểm chung – Về hình thức đều chú tâm đến bố cục, đường nét, tạo hình giàu sức khơi gợi, liên tưởng; về nội dung đều mang trong mình sứ mệnh truyền tải những thông điệp hướng tới những giá trị Chân – Thiện – Mỹ. 

Cuộc đối thoại thú vị của Thư pháp và Graffiti ở Văn Miếu - Anh 5

Triển lãm mở ra những khả năng tương tác, học hỏi một cách sáng tạo và không giới hạn giữa những người thực hành Thư pháp và Graffiti, một cuộc đối thoại thành công trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự đa dạng.

Tham gia sáng tác cho Triển lãm, có sự tham gia của nhiều gương mặt trẻ (chủ yếu thuộc thế hệ 9X) quen thuộc đang hoạt động trong lĩnh vực thư pháp Quốc ngữ và Graffiti, đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Cuộc đối thoại thú vị của Thư pháp và Graffiti ở Văn Miếu - Anh 6

Các tác giả đã mang đến triển lãm 39 tác phẩm của cả hai loại hình sáng tác, nội dung  xoay quanh các chủ đề về đạo nghĩa thầy - trò; học tập, rèn luyện bản thân; sách và văn hóa đọc; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Việt Nam và các địa danh nổi tiếng của đất nước.

Triển lãm được tổ chức tại Khu Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ ngày 26.8 đến ngày 30.9.2022.

PHƯƠNG MAI; ảnh: ĐINH THUẬN, P.MAI

Ý kiến bạn đọc