Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Người đảng viên gìn giữ “kho báu” văn hóa Tây Nguyên (Kỳ 2): Kiến thức uyên thâm về văn hóa của đồng bào

Thứ Hai 29/08/2022 | 10:11 GMT+7

VHO- Theo thống kê, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có sự hiện diện của tất cả 54 dân tộc anh em, trong đó, các dân tộc định cư lâu đời có thể kể đến Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, K’Ho, Xơ Đăng… Đây cũng là khu vực duy nhất có đầy đủ các nhóm ngôn ngữ - dân tộc của Việt Nam. Chính từ sự đa dạng ấy nên trong quá trình tìm hiểu, sưu tầm hiện vật, nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm đã phân chia “kho báu” hơn 30.000 hiện vật của mình thành 7 chuyên ngành để tiện cho công tác nghiên cứu chuyên sâu, gồm: Nhạc cụ, Dụng cụ sản xuất, Săn bắn, Lễ hội, Trang sức, Dệt thổ cẩm và Đồ rèn…

 Ông Tâm đang thể hiện một khúc nhạc bằng đàn Chapi

 Choáng ngợp trước số lượng hiện vật

“Giờ mà ngồi kể chuyện sưu tầm thì không biết đến bao giờ mới hết”, nói rồi ông vui vẻ đưa chúng tôi đi tham quan không gian trưng bày của mình. Chúng tôi thực sự choáng ngợp khi được tận mắt chiêm ngưỡng tầng tầng lớp lớp hiện vật đủ loại được bài trí khắp gian phòng rộng lớn. Từ những chiếc trống cực lớn đến bộ sưu tập chum, ghè có lịch sử hàng ngàn năm tuổi.

Đầu tiên, ông đưa chúng tôi đến khu vực sưu tập dụng cụ săn bắn. Không gian này hầu như có đầy đủ tất cả các loại dụng cụ phục vụ cho việc săn bắn và thuần hóa thú. Từ những chiếc cung, ná (nỏ), lao, giáo, mác… đến các loại bẫy thú rừng. Giữa cơ man những công cụ ấy, ông bất ngờ lấy ra một chiếc nỏ khá lớn và nói với chúng tôi: “Đây là cây nỏ tôi sưu tầm được từ một người Raglay”.

Nỏ là một loại vụ khí săn bắn được sử dụng rộng rãi ở tất cả các dân tộc cư trú tại Tây Nguyên. Đây là một loại công cụ săn bắn rất lợi hại. Các mũi tên thường sẽ được thợ săn tẩm độc để có thể nhanh chóng hạ gục những con thú dữ. Để tôn vinh những người thợ săn lập được nhiều chiến công trong quá trình săn bắn thì phần thưởng của họ cũng phải thật khác biệt so với các thợ săn khác trong cộng đồng và bộ tộc. “Sau mỗi lần hạ được một con thú, thông thường người thợ săn sẽ lấy một cọng lông và một giọt máu của con thú vừa mới hạ bôi lên đầu thân nỏ, đến khi đầu nỏ đóng thành một lớp đen kịt, dày cộm lên thì chỉ cần nhìn vào đó là sẽ biết được chiến công và tầm cỡ của người ấy lẫy lừng như thế nào. Ngoài ra, ở cánh nỏ của người thợ săn vừa hạ được con thú lớn cũng sẽ được lên đai như một cách tôn vinh công trạng vừa lập được”, ông chia sẻ.

Tiếp đến, ông đưa chúng tôi đến không gian trưng bày dụng cụ săn bắt và thuần hóa voi. Thấy chúng tôi chú ý đến một loại vật dụng bằng 2 cây gỗ có gai được buộc lại song song bằng dây mây, ông liền giải thích: “Đây là cùm chữ V. Sau khi săn được một con voi thì những người thợ săn sẽ tiến hành tra cái cùm này vào cổ chúng, con voi càng chống trả thì cùm được siết càng chặt làm những chiếc gai trên đó sẽ đâm vào khiến con vật đau đớn. Mục đích là để chúng nhanh được thuần hóa, biết nghe lời và lành tính đi”.

Săn và thuần hóa voi là truyền thống lâu đời của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Đặc biệt là các dân tộc M’Nông, Ê Đê mà nhân vật xuất chúng nhất chính là Y Thu Knul và người con rể Ama Kông, 2 người đàn ông này đã săn được gần 700 con voi. Trong không gian sưu tầm hiện vật săn bắn của mình, ông Tâm còn có một chiếc ghế được làm bằng nguyên một bộ xương voi. Vật dụng này được xem như để tôn vinh và chỉ người săn được nhiều voi nhất mới được ngồi lên nó.

Tiếp tục đưa chúng tôi đến không gian trưng bày bộ sưu tập trang sức truyền thống, ông cho biết, trang sức của người Tây Nguyên nổi bật nhất là các loại còng đeo tay, còng đeo chân, các chuỗi hạt cườm đeo cổ. Họ không quý vàng bạc bằng những chiếc còng đồng. Đặc biệt, trong những sự kiện quan trọng như hôn lễ thì những chiếc còng đồng chính là vật hứa hôn của các đôi trai gái khi nên vợ thành chồng.

Bên cạnh các bộ trang sức kể trên, những chiếc vòng căng tai của phụ nữ bằng ngà voi cũng xuất hiện tại không gian trưng bày của ông. “Một số dân tộc bản địa như Brâu, Ê Đê, Ba Na, M’nông thường sử dụng những vòng căng tai từ nhỏ đến to dần. Họ quan niệm, đeo đến khi nào dái tai bị đứt ra thì khi đó người phụ nữ ấy sẽ có được hạnh phúc lớn nhất, trọn vẹn nhất. Bên cạnh đó, việc căng tai cũng là thước đo đánh giá người con gái đó lười biếng hay chịu thương, chịu khó”, ông giải thích.

Ngoài ra, bảo tàng của ông còn trưng bày hàng trăm chiếc nhẫn đồng có niên đại từ 2.500 - 3.000 năm thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn được tìm thấy tại Tây Nguyên.

 Một góc không gian trưng bày hiện vật của thượng tá Đặng Minh Tâm

Đặc sắc không gian nhạc cụ

Không gian sưu tầm nhạc cụ của ông Tâm có tất cả các loại nhạc cụ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, từ những bộ đàn đá, chiêng, trống, đàn T’rưng, đàn Chapi… Ông cho biết, người Tây Nguyên có hệ thống các loại nhạc cụ rất riêng, không giống với các dân tộc ở vùng miền khác. Nếu như hoạt động đánh chiêng thường xuất hiện trong các lễ hội, các hoạt động cộng đồng, tiếng tù và là lời hiệu triệu chiến đấu hay báo hiệu thì đàn T’rưng lại là loại nhạc cụ gắn bó với đời sống sinh hoạt thường ngày, báo hiệu cho thú rừng biết được có sự hiện diện của con người ở đó mà tránh xa.

Nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm bên không gian trưng bày nhạc cụ

“Về hệ thống trống lớn của người Tây Nguyên (các dân tộc K’Ho, M’nông, Mạ…), thông thường mặt trống được chế tác bằng chất liệu da nai, còn người vùng trung Tây Nguyên ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai thì thường làm bằng da trâu rừng và da voi. Trống lớn sẽ có mặt đực và mặt cái. Mặt trống cái sẽ có âm thanh to và cao hơn so với mặt trống đực. Do đa số các dân tộc Tây Nguyên đều theo chế độ Mẫu hệ nên mặt cái của trống sẽ được sử dụng trong các lễ hội lớn, những việc đại sự như lập buôn làng mới, làm nhà rông… Còn những sự kiện nhỏ mang tính gia đình thì sẽ chỉ sử dụng ở mặt đực”, ông giải thích cặn kẽ.

Bên cạnh đó, ông cũng sưu tầm được một số trống đồng Đông Sơn khi các hiện vật này được phát hiện và khai quật tại hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Điều khiến chúng tôi khâm phục nhất ở ông là ngoài những kiến thức uyên thâm đối với mỗi loại nhạc cụ xuất hiện tại không gian trưng bày, ông còn biết sử dụng thành thạo tất cả những nhạc cụ đó.

Không gian sưu tập trang phục của ông bao gồm những bộ trang phục truyền thống của đồng bào. “17 dân tộc bản địa lớn ở Tây Nguyên thì có 17 bộ sưu tập thổ cẩm. Ở đó, mỗi dân tộc sẽ có một cách lấy bông riêng, khung cửi riêng, cách dệt riêng, hoa văn màu sắc riêng… cho nên chỉ cần nhìn vào màu sắc, họa tiết của trang phục sẽ biết được người đó thuộc dân tộc nào. Ví dụ người K’Ho ở khu vực Lang Biang (Lâm Đồng) có trang phục với màu chủ đạo là xanh đậm, chỉ viền là các màu sáng (trắng, vàng, đỏ); còn trang phục của người Mạ sẽ có màu chủ đạo là trắng, hoa văn đỏ, vàng, xanh, đen. Trong khi đó, màu chủ đạo của người Ê Đê là màu đen, hoa văn đỏ, xanh, vàng. Riêng một số dân tộc ở Bắc Tây Nguyên như Ba Na, Gia Rai có màu nền chủ đạo cơ bản giống với người K’Ho nhưng hoa văn lại được bố trí nằm ngang”, ông Tâm giảng giải...

Ngoài các hiện vật được kể trên, không gian trưng bày của nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm còn có rất nhiều công cụ sản xuất truyền thống, các bộ dụng cụ rèn của người bản địa, cùng vô số các loại chum, ché cổ có niên đại hàng ngàn năm gắn liền với tiến trình phát triển của một số nhóm, tộc người trong nước và cả của các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan… 

THÀNH KHIÊM - THANH LƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top