“Địa chỉ đỏ” lưu dấu chân Người

VHO- Con đường nhỏ vòng theo những vách núi, thung sâu đưa chúng tôi từ miền biên ải Trùng Khánh về với Minh Tâm, vùng đất của những “địa chỉ đỏ” trên quê hương cách mạng Cao Bằng. Nằm ở phía đông huyện Nguyên Bình, Minh Tâm lặng lẽ giữa thung lũng được bao bọc bởi những dãy đá vôi trầm mặc. Bước chân trên những bậc đá cheo leo, chúng tôi đến với di tích quốc gia Hang Kéo Quảng. Địa chỉ đặc biệt này vẫn được người dân nơi đây thầm nhủ là “trái tim” của Minh Tâm.

“Địa chỉ đỏ” lưu dấu chân Người - Anh 1

 Di tích nền nhà ông Dương Mạc Thạch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc đầu năm 1942

 Hơn 80 năm, kể từ khi Bác Hồ mở lớp huấn luyện chính trị cho các cán bộ chủ chốt của tỉnh Cao Bằng năm 1942, từng góc nhỏ trong hang đá đơn sơ dường như vẫn vẹn nguyên hơi ấm và dấu chân Người, là lời nhắc thế hệ hôm nay luôn nhớ về những ký ức lịch sử một thời.

Học tư tưởng lớn từ hang đá nhỏ

Bí thư Đảng ủy xã Minh Tâm Mã Quang Tuyến kể chuyện, hang Kéo Quảng, còn được gọi bằng tên do Bác Hồ đặt là hang Lê Nin, trong tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Minh Tâm luôn có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Từ một hang đá nhỏ nằm cheo leo ở đỉnh đèo, Bác Hồ đã tập hợp và truyền đạt những tư tưởng lớn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh Cao Bằng, sau đó mở rộng ra lớp cán bộ của 3 tỉnh Cao- Bắc- Lạng.

“Chúng tôi tự hào với truyền thống lịch sử của quê hương. Minh Tâm là tên một đồng chí cán bộ đảng viên hy sinh trong khi hoạt động cách mạng tại địa phương. Để tưởng nhớ, xã được đặt tên là Minh Tâm...”, ông Mã Quang Tuyến cho biết.

Minh Tâm nằm ở phía đông huyện Nguyên Bình, chỉ có hai con đường để vào xã, một từ xã Hồng Việt huyện Hòa An và một đường từ Nà Bao sang. Nhưng con đường chúng tôi đến Minh Tâm hôm ấy lại là một con đường khác, con đường của những ký ức lịch sử tự hào. “Hoa tiêu” trên hành trình theo dấu chân Người ở Minh Tâm của chúng tôi có Bí thư Mã Quang Tuyến, Trưởng phòng VHTT huyện Nguyên Bình Nông Thị Thủy và một số cán bộ trẻ.

Kéo Quảng tiếng địa phương là đèo rộng, nằm ở vị trí đỉnh đèo rộng nên dân địa phương đã lấy địa danh Kéo Quảng gắn cho hang. Hồ sơ xếp hạng di tích ghi, năm 1942, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Lũng Vài, xã Hồng Việt, huyện Hòa An chuyển sang hoạt động tại xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình và mở lớp huấn luyện chính trị cho các cán bộ chủ chốt của tỉnh Cao Bằng tại hang Kéo Quảng. Người đặt tên hang là hang Lê Nin. Hang đá nằm ở trung tâm xã Minh Tâm. Từ chân dãy núi Tổng Ngần, chúng tôi bước theo vài trăm bậc đá xếp lớp chênh vênh, độ cao khoảng 200 mét từ chân núi để lên hang. Đường hẹp, mới chỉ được đầu tư ở mức cơ bản, cây cỏ mọc nhiều nên phải mất cả tiếng đồng hồ chúng tôi mới có thể đến hang Kéo Quảng.

Dọc đường, cán bộ văn hóa huyện Nguyên Bình thuật lại câu chuyện trên hang đá năm xưa. Ngày 8.2.1941, Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên đến Pác Bó

 Tại hang Kéo Quảng, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Đào Duy Kỳ... đã tổ chức các lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày khác cho cán bộ cách mạng địa phương trong những năm 1942 - 1943.

Ngày 22.12.1944 Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim huyện Nguyên Bình. Trong số 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội có 5 đội viên là người của xã Minh Tâm. Xã Minh Tâm cũng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu theo Quyết định số 988/QĐ-TTg, ngày 18.6.2014.

 và chọn Pác Bó làm đại bản doanh trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mở ra một chương mới cho lịch sử dân tộc. Người mở các lớp huấn luyện cán bộ, bắt tay thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh và gấp rút chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Hội nghị được triệu tập tại Khuổi Nậm, Pác Bó từ ngày 10.5 đến 19.5.1941, đề ra chủ trương và đường lối chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh việc đào tạo cán bộ hiện nay đã trở thành công tác gấp rút. Người chỉ rõ, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc của Đảng.

“Địa chỉ đỏ” lưu dấu chân Người - Anh 2

 Di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (ngày 15.11.1935)

Thực hiện phương châm đó, Bác thường xuyên mở các lớp huấn luyện cho cán bộ. Tháng 5.1942, Người chuyển sang hoạt động tại xã Minh Tâm và tổ chức một lớp huấn luyện quy mô lớn cho các cán bộ chủ chốt của tỉnh Cao Bằng. Hang Kéo Quảng thuộc dãy núi Tổng Ngần được lựa chọn là địa điểm tổ chức lớp. Học viên gồm nhiều cán bộ chủ chốt, trong đó có Bí thư huyện Nguyên Bình Dương Mạc Thạch, Bí thư tỉnh ủy Hoàng Đức Thạch, Bí thư huyện Hà Quảng Lê Quảng Ba…

“Trong ký ức của ông Dương Mạc Thăng, con trai của Bí thư huyện Nguyên Bình Dương Mạc Thạch, kể lại rằng lớp học ngày ấy diễn ra ngắn ngày nhưng để lại nhiều dấu ấn. Trong thời gian này, Bác Hồ là người trực tiếp giảng dạy…”, Bí thư xã Minh Tâm Mã Quang Tuyến cho biết.

Ở lớp, đồng chí Vũ Anh làm trợ lý giảng dạy. Nội dung lớp huấn luyện gồm 3 vấn đề: Sơ lược về Chủ nghĩa cộng sản, Điều lệ Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, ngoài ra còn có các bài giảng về chiến thuật du kích. Lớp huấn luyện chính trị trong khoảng một tuần. Những ký ức về lớp học ngày ấy sau này vẫn được nhiều cán bộ kể lại. Theo đó, trong thời gian ở hang, nghe cán bộ địa phương báo cáo tình hình bệnh đậu mùa đang lan tràn, Người đã giới thiệu một bài thuốc chữa bệnh của người Trung Quốc và dặn các cán bộ đi công tác phổ biến cho dân biết. Rồi cũng từ đây, sau khi lớp huấn luyện kết thúc, Người rời sang Lũng Tàn, Lũng Lừa, Lũng Dẻ; đến cuối tháng 7.1942, Người từ Lũng Dẻ sang Hồng Việt, Hòa An về Pác Bó.

“Lớp huấn luyện chính trị tại hang Kéo Quảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, tập trung đầy đủ các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Cao Bằng. Những tư tưởng lớn được Bác Hồ truyền đạt đã truyền lửa để các cán bộ tỏa đi khắp các địa phương trong tỉnh, vận động toàn dân làm cách mạng, xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng vững chắc, khai thông những tuyến đường Đông - Tây - Nam tiếp nối liền với căn cứ địa Việt Bắc, góp phần xứng đáng cho Cách mạng Tháng Tám thành công…”, ông Mã Quang Tuyến cho hay.

Di tích Hang Kéo Quảng là di tích lưu niệm sự kiện danh nhân, đánh dấu một sự kiện lịch sử quan trọng của phong trào cách mạng Cao Bằng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Kéo Quảng không phải là một hang động sâu nhưng có địa thế kín đáo, đặc biệt ở trên hang có thể quan sát được toàn bộ hoạt động ở dưới làng Pác Hai và khu vực Tổng Ngần. Nền hang được tạo bằng những phiến đá rời phẳng, có thể ngồi hoặc nằm.

Di tích cần được phát huy giá trị

Với giá trị đặc biệt quan trọng, hang Kéo Quảng được xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 13.2.1995. Bà Nông Thị Thủy, Trưởng phòng VHTT huyện Nguyên Bình cho biết, theo hồ sơ di tích, thời điểm xếp hạng, khu vực hang kể cả ngoại cảnh vẫn giữ được gần như nguyên trạng ở thời kỳ năm 1942. Dưới chân núi, còn có hai điểm di tích quan trọng khác là di tích nền nhà ông Dương Mạc Thạch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc đầu năm 1942, xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 11.12.2003; địa điểm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên huyện Nguyên Bình, xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 15.1.2005.

“Địa chỉ đỏ” lưu dấu chân Người - Anh 3

 Di tích Hang Kéo Quảng

“Đây là cụm di tích có ý nghĩa giữ lửa, truyền lửa cho các thế hệ ở Minh Tâm, từ những tháng năm kháng chiến cho đến cuộc sống hòa bình hôm nay…”, ông Mã Quang Tuyến bày tỏ. Cộng đồng các dân tộc ở Minh Tâm luôn khắc ghi ý nghĩa cội nguồn của di tích gắn với Bác Hồ. Nơi đây cũng được xem là tiền thân của Học viện Chính trị quốc gia. Đội ngũ cán bộ được trang bị đầy đủ lý luận và thực tiễn từ lớp học đặc biệt ấy đã đi xuống các cơ sở tuyên truyền, vận động quần chúng làm cách mạng, như một ngọn đuốc soi sáng cho nhân dân các dân tộc ở Cao Bằng một lòng theo Đảng, theo cách mạng, thúc đẩy phong trào cách mạng Cao Bằng phát triển mạnh mẽ, trở thành chiếc nôi căn cứ địa cách mạng vững chắc của cả nước.

Đón tiếp chúng tôi trong một cơ ngơi được xem là điển hình của mô hình phát triển kinh tế mới ở Minh Tâm, nguyên Chủ tịch UBND xã Minh Tâm Ma Văn Lê tâm sự, sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng, đối với ông và mỗi người dân Minh Tâm, di tích Hang Kéo Quảng, nơi in dấu hình ảnh Bác Hồ luôn có một vị trí thiêng liêng. Chứng kiến những thăng trầm, đổi thay của quê hương, ông Lê cho biết, Minh Tâm tự hào nhiều lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. “Xã Minh Tâm cán đích nông thôn mới từ năm 2015, tuy nhiên sau khi sáp nhập còn một số tiêu chí chưa đạt. Thế nhưng người dân Minh Tâm luôn tự hào với truyền thống. Chúng tôi luôn cùng nhau nhìn lên hướng núi Tổng Ngần, nơi có di tích Hang Kéo Quảng để tri ân quá khứ, nhớ lời Bác dạy và cố gắng vươn lên…”, ông Ma Văn Lê cho biết.

Vùng đất từ khó khăn vươn lên nhờ có những đảng viên, những cán bộ nhiều sáng kiến, quyết tâm “thay da đổi thịt”, xóa đói giảm nghèo cho quê hương. Ông Ma Văn Lê là một gương sáng được người dân Minh Tâm học tập, làm theo. Những ý tưởng đổi mới được nung nấu từ những năm tháng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo địa phương, phải đến khi nghỉ ngơi ông mới có thể biến thành hiện thực. Bản lĩnh và sự nêu gương của một đảng viên gần 40 năm tuổi Đảng đã thôi thúc ông tiên phong thay đổi mô hình kinh tế, mang lại thu nhập cao và trở thành tấm gương để nhân dân trong xã học tập. Là người đầu tiên mang giống cây thanh long về trồng và nhân giống thành công tại Minh Tâm, nay vườn nho chất lượng cao do vợ chồng ông trồng cũng đang là mô hình kinh tế được nhiều gia đình mong muốn nhân rộng.

“Đã từng bước đi trên những con đường gập ghềnh, gian khó năm xưa mới cảm thấy thấm thía và biết ơn những giá trị, động lực của truyền thống cho sự vươn lên, vượt khó. Vùng cao Minh Tâm ngày nay đã có đầy đủ điện, nước sạch, trường học, trạm xá; đời sống, sức khỏe của người dân được quan tâm phát triển…”, ông Lê xúc động. Ông nói, có những giá trị tưởng như vô hình, nhưng thực sự vô cùng ý nghĩa. Với Minh Tâm, đó là mạch nguồn truyền thống. Những điểm di tích ngày ấy cho đến bây giờ vẫn luôn mang đến khí chất, niềm tin và động lực tiến về phía trước.

Rồi người đảng viên dân tộc Tày trùng giọng, người Minh Tâm đang mong lắm những di tích quan trọng của quê hương, đặc biệt là những di tích gắn bó với Bác Hồ kính yêu được quan tâm, đầu tư hơn nữa để phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống cách mạng, uống nước nhớ nguồn. “Bây giờ tất cả vẫn còn đơn sơ quá. Nếu muốn phát huy giá trị di tích, gắn với du lịch về nguồn để lan tỏa nhiều hơn niềm tự hào truyền thống thì Nhà nước và tỉnh Cao Bằng cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa để xây dựng, hoàn thiện hạ tầng xung quanh di tích. Từ đó, hang Kéo Quảng và các di tích phụ trợ xung quanh khu vực chân núi Tổng Ngần sẽ tạo thành những điểm đến trong mỗi hành trình về nguồn…”, ông Ma Văn Lê nhấn mạnh.

Bí thư Đảng ủy xã Minh Tâm Mã Quang Tuyến cũng chung quan điểm này. Bởi với một cụm di tích quan trọng, việc bảo vệ và phát huy giá trị cần được tiến hành đồng bộ. Ông Tuyến nêu thực trạng, dù là di tích quan trọng trên địa bàn nhưng hiện nay công tác bảo tồn và phát huy còn sơ sài; rất ít người biết và đến hang Kéo Quảng. “Cùng với điểm Bác ngồi để trực tiếp giảng dạy ở hang Kéo Quảng, cách khoảng 200 mét qua sườn núi mé bên trái còn có một hang nữa là nơi Bác nghỉ ngơi sau giờ lên lớp. Hiện nay chưa có đường kết nối hai điểm này…”, lãnh đạo xã Minh Tâm cho biết. Ông Tuyến cũng nhấn mạnh, công tác đầu tư, quảng bá cho di tích quốc gia Hang Kéo Quảng trong bối cảnh đời sống kinh tế phát triển hiện nay đang rất cần được triển khai quy mô, đồng bộ, để xứng tầm giá trị di tích. 

“Địa chỉ đỏ” lưu dấu chân Người - Anh 4

 Lớp huấn luyện chính trị tại hang Kéo Quảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, tập trung đầy đủ các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Cao Bằng. Những tư tưởng lớn được Bác Hồ truyền đạt đã truyền lửa để các cán bộ tỏa đi khắp các địa phương trong tỉnh, vận động toàn dân làm cách mạng, xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng vững chắc, khai thông những tuyến đường Đông - Tây - Nam tiếp nối liền với căn cứ địa Việt Bắc, góp phần xứng đáng cho Cách mạng Tháng Tám thành công…

(Ông MÃ QUANG TUYẾN, Bí thư Chi bộ xã Minh Tâm)

 

THU TRANG - THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc