Tái hiện lễ cưới của dân tộc Dao đỏ

VHO- Nằm trong chuỗi các hoạt động tháng 9, cộng đồng dân tộc Dao đỏ đến từ tỉnh Tuyên Quang tổ chức tái hiện “Lễ cưới của dân tộc Dao đỏ” tại không gian làng dân tộc Dao, Khu các làng dân tộc I, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Tái hiện lễ cưới của dân tộc Dao đỏ - Anh 1

Thầy cúng thực hiện nghi lễ

Nghi lễ đón dâu bắt đầu từ bên nhà trai với đoàn nhạc lễ của người Dao gồm kèn, trống, chiêng, chũm, chọe, thanh la sang nhà gái xin dâu. Trên đường đi, người thổi kèn thổi các bài ca chào bản, chào mường. Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái gồm gà, rượu, gạo và thịt lợn để xin được đón cô dâu về. Nét đặc biệt trong đám cưới của người Dao là trang phục của cô dâu với chiếc khăn đỏ lớn chùm đầu có đính nhiều nụ hoa đan từ len đỏ, cài xen những lắc nhạc đồng. Mũ áo của cô dâu người Dao là một “tác phẩm” độc đáo của sắc màu, thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống…

Tái hiện lễ cưới của dân tộc Dao đỏ - Anh 2

 Đoàn nhạc lễ trong đám cưới người Dao đỏ

Trên đường về nhà chồng cô dâu phải trùm vải đỏ, người phù dâu phải che mặt cho cô dâu. Theo phong tục, không để mặt trời nhìn thấy mặt cô dâu bởi sợ mất vía, sẽ không gặp may trong đời sống sau này. Chú rể cũng không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ tạ tổ tiên. 

Đoàn rước dâu trở về với đoàn nhạc lễ thổi những bài ca mừng cưới. Đến nhà trai, đoàn rước dâu phải đợi giờ tốt, đợi thầy cúng làm lễ báo với tổ tiên thì mới được vào nhà. Thủ tục xong xuôi, cô dâu chú rể vào nhà quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên. Đôi vợ chồng được buộc dải khăn đỏ, tượng trưng cho sợi dây tơ hồng, nối kết hạnh phúc trăm năm bền chặt. Theo phong tục, mẹ chú rể đến mở khăn mặt cho cô dâu.                                                           

HOÀNG NGUYÊN
 

Ý kiến bạn đọc