Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Tư duy lại, hành động mới” để phát triển bền vững thị trường khách du lịch quốc tế

Thứ Năm 08/09/2022 | 18:07 GMT+7

VHO - Nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 16 (ITE HCMC 2022), ngày 8.9, Diễn đàn Du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững” đã diễn ra quy mô với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo ngành du lịch các nước, các địa phương trong cả nước, doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng chủ trì diễn đàn, lắng nghe chia sẻ của đại biểu.

Toàn cảnh Diễn đàn Du lịch cấp cao tại TP.HCM

Mối quan tâm chung về sinh kế của hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Mở đầu diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ các số liệu tổng quan, trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề tới toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội toàn cầu, trong đó có lĩnh vực du lịch. Số liệu năm 2021 của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ngành Du lịch thế giới thiệt hại khoảng 2,4 nghìn tỉ USD; có 46 quốc gia, chiếm 21% điểm đến du lịch toàn cầu, phải đóng cửa hoàn toàn biên giới, dừng đón khách du lịch quốc tế và 55 quốc gia đóng cửa biên giới một phần. Lượng khách du lịch quốc tế giảm hơn 1 tỷ lượt, tương đương 73% so với năm 2020, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á. Tỉ lệ thất nghiệp trong các ngành nghề liên quan đến du lịch cao gấp 4 lần so với các ngành nghề khác. Tổ chức Du lịch thế giới cũng nhận định, du lịch toàn cầu cần 2 đến 4 năm để lấy lại đà tăng trưởng như năm 2019… 

Đối với Việt Nam cũng không ngoại lệ, du lịch Việt Nam bị tổn thất nặng nề, hoạt động du lịch quốc tế của nước ta phải tạm dừng hoàn toàn từ tháng 4.2020-11.2021, hoạt động du lịch nội địa trải qua 4 lần gián đoạn tương ứng với 4 lần bùng phát dịch. Song với sự vào cuộc đồng bộ của BVHTTDL, các địa phương, các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp thông qua các tham mưu đề xuất về cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; sớm khôi phục lại chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh trước khi có dịch; thực hiện các Chương trình kích cầu du lịch, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương; chú trọng du lịch nội địa để làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế để du lịch Việt Nam từng bước khởi sắc, tăng trưởng sau khi mở cửa lại thị trường du lịch từ 15.3.2022.

Đại biểu quốc tế tham dự tại Diễn đàn

Cùng chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Ounethouang Khaophanh cũng cho hay, sự bùng phát của Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch thế giới. Du lịch ở Lào đã bị tạm dừng do việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của bệnh Covid-19 ở các nước trên thế giới, chẳng hạn như đóng cửa các hãng hàng không, cửa khẩu quốc tế và các biện pháp khác, khiến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch ở Lào sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là đối với các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Lào đã thông báo mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 9.5. Lượng khách không ngừng tăng lên, đặc biệt là du khách các nước láng giềng đến du lịch dọc hành lang đường sắt Lào - Trung. Tình hình du lịch Lào đang dần hồi phục và trở nên sôi động hơn.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Thong Khon, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia gửi lời cảm ơn tới Việt Nam đã khởi xướng Diễn đàn Du lịch cấp cao tập hợp các chính trị gia và chuyên gia cao cấp để chia sẻ các điển hình, kinh nghiệm, quan điểm và viễn cảnh về phục hồi và tương lai của du lịch. Diễn đàn này là kịp thời và cho thấy mối quan tâm chung về sinh kế, việc làm và kỹ năng của hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngài Bộ trưởng Thong Khon cũng cho biết du lịch Campuchia đang phục hồi nhở Chính phủ và lãnh đạo ngành có những giải pháp đúng đắn, thận trọng. Bộ trưởng Bộ Du lịch cho biết Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã phê chuẩn lộ trình Xúc tiến Du lịch và Kế hoạch phục hồi du lịch trong và sau Covid-19 giai đoạn 2020-2025, chia làm 3 thời kỳ. Giai đoạn 1 (Tự cường và Khởi động lại) từ 2020-2021; giai đoạn 2 (Phục hồi) từ 2022-2023 và giai đoạn 3 (Tái khởi động) từ 2024-2025. 

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Nguyễn Văn Hùng phát biểu mở đầu Diễn đàn

Sự đứt gãy nguồn nhân lực du lịch sau 2 năm đóng băng do dịch bệnh

Chia sẻ tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tâm tư, du lịch Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 gây nhiều thiệt hại nặng nề nhưng đồng thời cũng giúp chúng ta nhận ra được nhiều điểm “yếu”, điểm “nghẽn” của ngành. “Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) hiện vẫn đang xiết chặt phòng chống dịch, như Trung Quốc hiện theo đuổi chính sách “không Covid’’ và đến nay vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế. Xung đột quân sự Nga - Ukraina đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau… Đặc biệt là sự đứt gãy nguồn nhân lực du lịch sau 2 năm đóng băng do dịch bệnh; sự gián đoạn, đứt gãy liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và các doanh nghiệp lữ hành đối tác ở nước ngoài, đặc biệt do tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phá sản hoặc giải thể. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận tải, lưu trú còn nhiều bất cập, xuất hiện tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Sự cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực để thu hút khách du lịch quốc tế.

Đại biểu quốc tế dự báo du lịch Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch

Là địa phương phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức Diễn đàn cấp cao, đại diện cho lãnh đạo TP, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, TP đề xuất một số giải pháp cần quan tâm triển khai thực hiện để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững: Ở cấp độ quốc tế, TP.HCM đề xuất các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mêkông thống nhất và công bố rộng rãi các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực du lịch để làm cơ sở cho các doanh nghiệp xây dựng các chương trình du lịch một cách ổn định và lâu dài. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm liên quốc gia và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thu hẹp khoảng cách trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch nhằm tận dụng hiệu quả nguồn thị trường gần của nhau trong gia tăng lượng khách quốc tế của từng quốc gia trong khu vực. Ở cấp độ quốc gia, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan phối hợp Bộ VHTTDL xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên để phát triển du lịch, trong đó có chính sách về thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. TP.HCM cũng đề xuất các tỉnh, thành trong cả nước cùng hợp tác, đẩy mạnh liên kết để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, hướng đến tiệm cận và đạt tiêu chuẩn quốc tế; chú trọng cả lực lượng lao động trực tiếp lẫn gián tiếp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng sức thu hút khách quốc tế và giữa các nước, giảm thiểu tối đa tác động của việc dịch chuyển lao động giữa các địa phương.

“Cần xem lại toàn bộ các chính sách về phát triển du lịch đế phát triển bền vững hơn”

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ mất mát, tổn thất của nhiều gia đình, nhiều doanh nghiệp đã phải gánh chịu do ảnh hưởng Covid-19 thời gian qua, đặc biệt là ngành du lịch, lĩnh vực phải gánh chịu trực tiếp nhất… Phó Thủ tướng cám ơn TP.HCM, nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế, đã có những nghĩa cử cao đẹp để hỗ trợ nhau trong công tác phòng chống dịch hai năm qua, đồng thời chúc mừng các nước bạn đã vượt qua đại dịch, phục hồi du lịch và kinh tế. 

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù đến nay dịch Covid-19 vẫn chưa hết, nhưng sau những nỗ lực thời gian qua, chúng ta có thể tự hào, tự tin hơn để có thể từng bước đưa ngành du lịch phát triển trở lại, đương nhiên cũng phải tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Chúng ta cần thực hiện thật nhanh hơn các gói hỗ trợ để ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ. Từng địa phương cần có hỗ trợ cần thiết để đưa những ng tạm thời bị chuyển từ ngành du lịch sang làm những ngành nghề khác, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, sớm quay trở lại ngành du lịch. Có rất nhiều người làm các công việc ngắn hạn trong lúc chờ du lịch phục hồi, hoặc họ đã về nông thôn… thì chúng ta cần có giải pháp thu hút họ trở lại. Song song đó có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cực nhỏ… 
“Một điểm theo tôi đánh giá rất quan trọng, qua đại dịch chúng ta cần xem lại toàn bộ các chính sách về phát triển du lịch đế phát triển bền vững hơn. Trước đây khi nói du lịch bền vững, chúng ta thường chỉ quan tâm đến môi trường,… nhưng đại dịch vừa rồi là bài học xương máu là chúng ta phải làm sao có chính sách thật sự bền vững hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguồn nhân lực hiện rất thiếu, câu hỏi đặt ra chúng ta luôn khuyến khích phát triển du lịch nhưng tại sao lúc nào cũng kêu thiếu? Việc này có phải do Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH hay Bộ VHTTDL - cơ quan quản lý du lịch, chúng ta cần xem xét thấu đáo. Chúng ta phải làm sao huy động được các doanh nghiệp phối hợp trong việc đào tạo nhân lực du lịch. Thứ hai là vấn đề môi trường. Thứ ba là cần chuyển đổi số thật mạnh. Không chỉ là giúp du khách tìm hiểu các sản phẩm, điểm đến du lịch… mà cần số hóa tất cả sản phẩm liên quan văn hóa - du lịch, chẳng hạn số hóa bảo tàng để du khách tìm hiểu thuận lợi trước khi đến tham quan. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn

“Nhân đây tôi cũng mong muốn chúng ta làm các chương trình kết nối, không chỉ sang thăm nhau, mà phải cùng nhau làm, giúp khắc phục những hạn chế ngành du lịch, như tình trạng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực biết ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ hiếm… Ngoài hội chợ ITE chúng ta đã thực hiện rất tốt thời gian qua, tôi mong rằng các quốc gia, doanh nghiệp tăng cường kết nối, trên tinh thần cùng có lợi. Chúng ta không chỉ phát triển du lịch với giá trị kinh tế mà phát triển du lịch còn là để cho cuộc sống người dân có nhiều trải nghiệm ý nghĩa. Tôi rất mong rằng, chúng ta thực hiện các giải pháp đã được xác định, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Ông Martin Koerner, Chủ tịch Tiểu ban Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn,  Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho rằng, nếu định vị Việt Nam là một trong những điểm đến MICE và điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, nên xem xét các điều chỉnh lập pháp quan trọng. Việt Nam có tất cả những gì du khách quốc tế đang tìm kiếm: lịch sử phong phú, thiên nhiên tươi đẹp, những thành phố sôi động và những người dân thân thiện, nồng ấm, và đây là cốt lõi của ngành Du lịch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Diễn đàn du lịch cấp cao được tổ chức nhân sự kiện ngày 27.9.2022 tới đây, tại Indonesia kỷ niệm Ngày Du lịch Thế giới 2022 với chủ đề “Tư duy lại về du lịch”. “Bộ VHTTDL mong muốn rằng chúng ta sẽ cùng “tư duy lại”, “tư duy mới - hành động mới” để đưa ra được nhiều sáng kiến, ý tưởng và giải pháp thực sự thiết thực để góp phần phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bền vững. Chúng ta sẽ “cùng vững bước, cùng đi lên” theo đúng tinh thần chủ đề của ITE HCMC 2022”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

ANH HUY - HOÀNG ĐĂNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top