Vang mãi nghệ thuật Bài chòi dân gian

VHO - Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định mở rộng năm 2022 vừa kép lại tại thành phố biển Quy Nhơn, nhưng đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân và du khách, đặc biệt toát lên giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi và cũng là dịp phát hiện những giọng hát hay để tập trung bồi dưỡng, phát triển, đào tạo đội ngũ kế thừa.

Lan tỏa nghệ thuật dân gian

Bài chòi là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống ở nông thôn các tỉnh, thành phố miền Trung. Tiền thân từ những câu hô, phong cách diễn xướng của anh - chị Hiệu trong Hội đánh Bài chòi dân gian, cùng với dân ca cổ đã dần hòa quyện cùng nhau để định hình, phát triển thành một loại hình nghệ thuật sân khấu như ngày nay.

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ: Song hành với thời gian, nghệ thuật Bài chòi không ngừng được chọn lọc, kế thừa, nâng cao, mang đậm hồn tính, tạo nên bản sắc văn hóa không thể trộn lẫn của những người dân miền Trung. Bản sắc ấy là nền tảng tinh thần, là động lực trực tiếp, là sức mạnh nội sinh giúp người dân nơi đây sinh cơ, lập nghiệp; chiến thắng thiên tai, dịch họa và giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi. “Bản sắc ấy đã tắm tưới, làm tươi mát tâm hồn bao thế hệ người dân và bồi đắp cho mối cố kết cộng đồng ngày thêm bền chặt. Bởi vậy, di sản nghệ thuật Bài chòi không chỉ tồn tại và thăng hoa trong phạm vi khu vực Trung Bộ mà đã lan tỏa ra cả trong và ngoài nước. Có được thành quả ấy trước hết là do công sức, trí tuệ, tâm huyết của các bậc tiền nhân, của bao thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân đã lao động sáng tạo, gìn giữ, trao truyền mà có”, ông Giang chia sẻ thêm.

Những ngày qua, Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định mở rộng năm 2022 đã thu hút hơn 250 nghệ nhân, diễn viên, cộng tác viên, nhạc công của 5 đoàn đại biểu, nghệ nhân ngoài tỉnh gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên và Khánh Hòa và 8 đoàn đại biểu, nghệ nhân tại tỉnh Bình Định.

Vang mãi nghệ thuật Bài chòi dân gian - Anh 1

Các nghệ nhân trình diễn Bài chòi dân gian

Nội dung thi trình diễn nghệ thuật Bài chòi dân gian tại liên hoan là hoạt động chính. Các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ liên hoan đã diễn ra trong mấy ngày qua tại thành phố biển Quy Nhơn, đã để lại trong tâm khảm mỗi người dân và du khách những tình cảm tốt đẹp không thể nào quên. Ở đó, hàng trăm nghệ nhân, diễn viên Bài chòi không chuyên từ các tỉnh, thành phố khu vực Trung bộ và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Định đã đem về liên hoan những chương trình, tiết mục nghệ thuật là thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật mới nhất, tâm huyết nhất của địa phương.

Theo nhìn nhận của Ban tổ chức, liên hoan này thật tưng bừng, nghiêm túc và chất lượng. Các nghệ nhân, diễn viên đã hết sức cố gắng tự tin trên sàn diễn, rút ngắn khoảng cách, thậm chí đã xóa đi cái ranh giới về chất lượng nghệ thuật giữa Bài chòi không chuyên và chuyên nghiệp.

Bảo tồn tốt không gian di sản

Đến nay, nghệ thuật Bài chòi ở 9 tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ đã qua thời gian 5 năm được ghi danh vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Bước ra từ liên hoan với nhiều tín hiệu vui mừng, niềm tin và hy vọng về sự phát triển của nghệ thuật Bài chòi dân gian trong thời gian tới, song thách thức vẫn còn đó. Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết: Ở thời điểm hiện tại, khi cuộc sống đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, các đoàn, các câu lạc bộ Bài chòi đang có nhiều nỗ lực, cố gắng để đưa nghệ thuật truyền thống này đến với khán giả nhiều hơn nữa. Tuy nhiên cũng cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đối với nghệ thuật Bài chòi để đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản phi vật thể này trong thời gian tới.

Vang mãi nghệ thuật Bài chòi dân gian - Anh 2

Cách diễn xướng của nghệ thuật Bài chòi hút người dân và du khách đến xem

Ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh TP. Đà Nẵng cho rằng, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài chòi thiết nghĩ cần bảo tồn không gian diễn xướng. “Hiện nay, không chỉ những người lớn tuổi đam mê nghệ thuật Bài Chòi mà nhiều thế hệ cũng đã bắt đầu đam mê nghệ thuật này”, ông Ngọc thông tin.

Theo PGS.TS Lê Văn Toàn, Ủy viên Hội đồng Di dản văn hóa quốc gia, để bảo tồn tốt di sản, một mặt phát huy các sáng tạo, thực hành di sản Bài chòi cổ hay Bài chòi đương đại cho rõ ràng, minh bạch. Việc sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi những mô hình, kiểu thức Bài chòi cổ ở những địa phương bị thất truyền có thể phục dựng lại và được gắn liền tri thức cũng như văn hóa truyền thống địa phương, các dòng tộc. Có như vậy mới mong trả lại cho được Bài chòi những dáng vẻ như nó vốn có từ xưa. “Bảo tồn, phát huy tốt di sản Bài chòi trong cuộc sống đương đại cũng là mong muốn, là mục tiêu của hành động quốc gia dành cho di sản Bài chòi Trung bộ Việt Nam hướng tới”, PGS.TS Lê Văn Toàn nhìn nhận.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc