Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tết Trung thu cổ truyền trước thách thức thời đại mới

Thứ Bảy 10/09/2022 | 12:49 GMT+7

VHO- Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận, Tết trung thu truyền thống với bản sắc rất riêng của Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức, lấn lướt từ guồng quay gấp gáp của cuộc sống hiện đại. Bối cảnh đó buộc thế hệ hôm nay cần có sự đổi mới trong cách nhìn nhận. Nhưng đổi mới không có nghĩa là quay lưng lại, không biến những giá trị truyền thống thành bảo tàng mà cần có sự tách lọc, trong đó bản sắc cần phải giữ gìn, và những cái mới, phù hợp cũng cần được hướng đến để cuộc sống của giới trẻ ngày càng phong phú hơn.

Gìn giữ những giá trị truyền thống trước thách thời đại mới

Tọa đàm “Tết Trung thu cổ truyền – Gìn giữ, phát huy và lan tỏa” do Cung thiếu nhi Hà Nội phối hợp cùng Hội Truyền thông TP. Hà Nội tổ chức đã thu hút nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân các làng nghề…

Trung thu của thế kỷ XXI

Tại tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc đã có những chia sẻ nhiều cảm xúc về Tết Trung thu xưa qua những câu chuyện và những bức ảnh độc đáo do Tạp chí Xưa và Nay sưu tầm. Gần 30 bức ảnh là những câu chuyện về các đồ chơi Trung thu, cách đón Trung thu của người Hà Nội trước và sau năm 1945. Nhà sử học không giấu vẻ bùi ngùi khi nói về những Trung thu đã lùi vào quá khứ: “Ký ức không chỉ là trải nghiệm mà còn có cả những gì đã đọc được trong sách vở. Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi vẫn là một bài “tập làm văn” của một học trò nếu còn sống thì hôm nay đã 128 tuổi và viết cách đây đã 115 năm. Đó là bài “Trung Thu” của trò Nguyễn Văn Xuân, học tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục nổi tiếng ở phố Hàng Đào gắn với tên tuổi Cụ Cử Lương Văn Can…”. Đọc lại bài “tập làm văn” khiến ông ấn tượng, nhà sử học nói, đó là những dấu bút đẹp về những giá trị của ngày Tết Trung thu xa xôi nhưng vẫn còn mãi trong tâm thức người Việt.

Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, chủ đề của buổi tọa đàm rất hữu ích trong cuộc sống hiện nay, khi những guồng quay gấp gáp của cuộc sống hiện đại đang dần lấn át và tạo nên nhiều thách thức những giá trị văn hóa truyền thống. “Chúng ta chứng kiến những thay đổi và đồng thời, phải có sự đổi mới trong cách nhìn nhận. Đổi mới không có nghĩa là sự quay lưng lại. Chúng ta không biến những giá trị truyền thống đó thành bảo tàng mà cần có sự tách lọc, trong đó những giá trị truyền thống, bản sắc cần phải giữ gìn, đồng thời, hướng tới những cái mới, phù hợp để cuộc sống của giới trẻ ngày càng phong phú hơn...”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ nhiều cảm xúc về Tết Trung thu xưa

Chia sẻ góc nhìn về trung thu trong thời đại mới, TS. Vũ Hồng Nhi, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ngậm ngùi: “Cùng với sự phát triển của xã hội kéo theo sự thay đổi trong hình thức tổ chức Tết Trung thu. Những năm đầu thế kỷ XXI, Trung thu ngập tràn những đồ chơi ngoại nhập, đồ chơi hiện đại với sắc màu sặc sỡ, lấn át hoàn toàn đồ chơi truyền thống. Mâm cỗ Trung thu gần như vắng bóng đồ chơi dân gian. Trẻ em không còn được trông trăng, phá cỗ và cùng chúng bạn vui đùa với những món đồ chơi được làm thủ công với ý nghĩa giáo dục sâu sắc như trước kia”.

TS. Vũ Thế Long, chuyên ngành nghiên cứu môi trường và lịch sử văn hóa nhìn nhận sự thay đổi trong “diện mạo” của Trung thu xưa và nay qua các món đồ chơi từ truyền thống đến hiện đại. Ông cho rằng, nhiều năm qua đã có nhiều món đồ chơi nhập vào Việt Nam từ nước ngoài, đại đa số là đồ chơi từ Trung Quốc. Thứ đồ chơi này cũng nhiều loại làm để kinh doanh. Bên cạnh những đồ chơi có tính thẩm mỹ cao thì có nhiều thứ mặt nạ ma quỷ gớm ghiếc, phản thẩm mỹ, những đồ chơi bạo lực như cung kiếm, súng ống có thể gây nguy hiểm cho trẻ em, thứ đồ chơi bạo lực phản cảm, độc hại. Ngoài ra có những đồ chơi cao cấp như những loại đồ chơi lắp ghép Lego, những con robot chạy điện, máy bay trực thăng, flycam... đây thực sự là những thứ đồ chơi khá đắt và hiện đại, có giá trị nhưng không phải ai cũng có tiền mua…

Những giá trị truyền thống không dễ bị mất đi

TS. Vũ Thế Long cũng chia sẻ, có một điều rất thú vị rằng dù có nhiều đồ chơi nhập ngoại vào Việt Nam áp đảo thị trường, khiến đồ chơi Trung thu truyền thống có một số biến đổi so với trước nhưng những giá trị ấy vẫn không hề vắng bóng. “Tuy một số nghệ nhân đã từ bỏ nghề làm đồ chơi dân gian nhưng đồ chơi dân gian trung thu vẫn duy trì và tồn tại như một sự luyến tiếc và nó lại bùng lên khi có những nhà nghiên cứu nghệ thuật quan tâm và tìm cách gìn giữ nó…”, ông nói.

Sở dĩ đồ chơi dân gian Trung thu Việt Nam không dễ bị mất đi, theo các chuyên gia, bởi ở đó có yếu tố tham gia vào quá trình “tự làm đồ chơi” của trẻ em và của các nghệ nhân nên đã kích thích sự sáng tạo, cân bằng lại sinh hoạt vui chơi giải trí của giới trẻ trong nhịp sống mới có nhiều thách thức.

TS. Vũ Hồng Nhi cho rằng, một điều quan trọng để lưu giữ những giá trị truyền thống bất biến với thời gian chính là sự bền bỉ, tâm huyết của các nghệ nhân đồ chơi dân gian, những người đã góp phần “giữ lửa” cho Trung thu xưa. Dù cuộc sống còn gặp bao khó khăn nhưng nhiều nghệ nhân vẫn quyết tâm lưu truyền những giá trị văn hóa và nét đẹp của mỗi loại đồ chơi dân gian tới thế hệ trẻ. Một trong những “báu vật nhân văn sống” ấy đến với tọa đàm là NNƯT Nguyễn Văn Quyền, (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Năm nay ông đã 83 tuổi và có hơn 60 năm làm đèn kéo quân. Nghệ nhân cho biết, từ nhỏ ông đã được chơi và làm đồ chơi dân gian theo sự hướng dẫn của người lớn. Sau này, đồ chơi công nghiệp bán sẵn rất nhiều, phong trào làm và chơi đồ chơi dân gian bị lắng xuống, ông đã vận động những người biết làm trong thôn tiếp tục duy trì làm diều, đèn kéo quân, đèn ông sao, tiến sĩ giấy…  “Đây là những đồ chơi do các cụ truyền lại, nó gắn bó với tôi từ thời ấu thơ và ăn sâu trong tiềm thức của tôi. Từ những đồ chơi này thế hệ chúng tôi đã trưởng thành bởi vậy rất cần truyền lại cho con cháu”, nghệ nhân tâm sự.

Cũng với mong muốn thứ đồ chơi bằng bột nặn giản dị nhưng là màu sắc của Trung thu không bị mất đi, nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh, 73 tuổi (tổ 2, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn miệt mài ngày đêm làm ra các con giống, đĩa hoa quả bằng bột. Vốn lúc nhỏ, thường giúp cha mẹ đi nhận đồ chơi bằng bột để bán tại cửa hàng của nhà tại 78 phố Đồng Xuân. Sau này do một số nguyên nhân, loại đồ chơi này không còn ai làm nữa, nhưng vẫn có nhiều người tìm đến nơi bán để hỏi mua nên từ năm 1973 bà Ánh đã mày mò, tìm hiểu và cố gắng khôi phục loại đồ chơi này. Vào những năm 2000, đồ chơi bằng bột do bà làm ra bán được rất ít bởi không thể cạnh tranh với đồ chơi ngoại nhập. Mặc dù vậy, bà Ánh vẫn cố gắng duy trì nghề, hàng năm vào dịp tết Trung thu bà vẫn mang sản phẩm của mình gửi bán tại Hàng Mã, chợ Đồng Xuân…

BẢO NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top