Ấm áp yêu thương ở cô nhi viện Phú Hòa

VHO- Với sự chăm sóc ân cần, ấm áp, nhiều năm nay Cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi) đã giúp những đứa trẻ mồ côi cảm nhận được tình yêu thương trong ngôi nhà chung, sống vui vẻ, hữu ích và quên dần tuổi thơ bất hạnh…

Ấm áp yêu thương ở cô nhi viện Phú Hòa - Anh 1

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP Quảng Ngãi thăm, tặng quà cho các em nhỏ ở Cô nhi viện Phú Hòa

Chốn nương tựa vững vàng

Vừa cất tiếng khóc chào đời với hình hài dị dạng (sứt môi, hở hàm ếch) là em Lê Văn Lộc đã bị mẹ ruột vứt bỏ ngoài cánh đồng. Lộc được Cô nhi viện nhận về nuôi nấng, dạy bảo. Nhờ sự can thiệp của các bác sĩ, tổ chức từ thiện nên đến nay Lộc đã có nụ cười lành lặn và đang học lớp 11. Em sống hòa đồng, chăm chỉ học tập và biết yêu thương, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh như mình. “Bị người thân chối bỏ nhưng may mắn con được các mẹ ở đây nuôi dưỡng, bảo ban, cho học hành, cho con tình yêu thương như người thân ruột thịt. Đây chính là ngôi nhà của con, con sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này có công ăn việc làm nuôi sống bản thân và trở thành người có ích cho xã hội”, Lộc bộc bạch.

Sơ Nguyễn Thị Kim Hà, người phụ trách Cô nhi viện Phú Hòa cho biết, hầu hết trẻ ở đây đều bị bỏ rơi trước cổng. Rạng sáng, thức dậy đi lễ nhà thờ, mỗi lần nghe tiếng trẻ khóc bên ngoài là mái ấm có thêm một thành viên mới. “Mai Khôi và Kim An hiện là hai bé nhỏ nhất ở Cô nhi viện, Mai Khôi được các sơ “nhặt” được trước cổng vào một ngày mùa đông tháng 10.2020, còn Kim An thì vào tháng 7.2021. Cả hai lúc đó đỏ hỏn, nhỏ xíu, chắc chỉ tầm 1 tuần tuổi. Không rõ người thân của các con là ai vì không một mảnh giấy hay thông tin nào để lại. Các sơ đưa con về nuôi dưỡng, may là chúng đều khỏe mạnh và rất ngoan, không quấy khóc bao giờ”, sơ Hà kể.

Em Nguyễn Thị Hồng Thắm đã có 11 năm gắn bó với Cô nhi viện, nhỏ nhẹ tâm sự, “các sơ chăm sóc, nuôi dạy con từ bé tới giờ, con được các sơ cho đi học, mỗi lần ốm thì các sơ lo cho từng miếng ăn, viên thuốc. Chúng con ở đây dù không cùng cha cùng mẹ nhưng lúc nào cũng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, luôn nghe lời, hiếu thuận với các sơ. Chúng con biết ơn các sơ nhiều lắm. Sau này lớn lên, con mong ước lại được làm sơ để chăm sóc các em mồ côi”.

Nhìn nụ cười hồn nhiên của các con, các sơ vừa vui vừa chạnh lòng thương chúng bị bỏ rơi từ lúc vừa lọt lòng. Có cháu khi phát hiện chỉ còn thoi thóp, mặt mày tím ngắt, các sơ phải giành giật với thần chết từng giờ từng phút mới cứu sống được. Nguồn sống của Cô nhi viện Phú Hòa luôn có sự giúp sức của hàng xóm, láng giềng. Ai có thứ gì cũng mang sang cho các cháu, từ nải chuối, quả đu đủ đến lon gạo, hộp sữa... Rồi vào những ngày đặc biệt như Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, năm nào Cô nhi viện cũng được đón các đoàn công tác xã hội từ thiện, người thì giúp tiền, giúp gạo, người thì cho sữa, áo quần, sách vở, đồ chơi… Những cuộc viếng thăm này đã đem đến cho các em nhỏ nhiều niềm vui.

Ấm áp yêu thương ở cô nhi viện Phú Hòa - Anh 2

 Trẻ em ở Cô nhi viện Phú Hòa vui tết Trung thu

Mái ấm gia đình thực sự ấm áp

Cô nhi viện Phú Hòa thành lập từ năm 1963, do Hội Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn đảm trách. Gần 60 năm qua, có hơn 150 trẻ được nuôi dưỡng tại đây đã lớn khôn, rời Cô nhi viện rồi lập gia đình, lập nghiệp. Mỗi trẻ là mỗi mảnh đời, mỗi câu chuyện buồn. Chúng được các sơ đặt cho tên gọi rất hay, thường có chữ Hồng, Phúc, An... như để gửi gắm ước nguyện cuộc đời của các em sau này sẽ gặp nhiều hồng phúc, xua đi nỗi bất hạnh khi mới chào đời.

Hiện Cô nhi viện Phú Hòa có 6 sơ, đang nuôi dưỡng 31 em, trong đó có 3 em học đại học, 3 em học trung học phổ thông, 5 em học trung học cơ sở, 10 em học tiểu học, 4 em mầm non (Kim An nhỏ tuổi nhất nên chưa đi học), 4 trường hợp bị thiểu năng, 1 trường hợp bị não úng thủy. Sơ Nguyễn Thị Liễu, người gốc Đắk Lắk đã gắn bó với Cô nhi viện Phú Hòa 4 năm, kể: “Các trường hợp thiểu năng đều trên 40 tuổi và chúng tôi xác định phải nuôi dưỡng suốt đời. Còn với trường hợp Nguyễn Hoàng Phúc Hưng, con bị bại liệt chỉ nằm một chỗ nên chúng tôi cũng sẽ nuôi con suốt đời. Phúc Hưng trắng trẻo dễ thương lắm. Con là kết quả của việc phá thai mà không thành. Số phận nghiệt ngã, dù không thể đi đứng, hoạt động như những trẻ bình thường khác nhưng con sống tình cảm và rất yêu âm nhạc”.

Theo năm tháng, lần lượt những đứa trẻ ở Cô nhi viện lớn lên, rồi bay đi khắp bốn phương để tìm hạnh phúc cho riêng mình. Những bé mồ côi khác lại đến với Cô nhi viện như một mối lương duyên. Mọi thứ dần đổi thay theo năm tháng, nhưng tình thương của các sơ thì không bao giờ thay đổi, dù lớp người sau đến thay thế lớp người trước. Sơ Hà hạnh phúc kể, vào tháng 7 năm nay, con gái Huỳnh Thị Ngọc Bích của gia đình Cô nhi viện Phú Hòa đã tốt nghiệp Khoa Điều dưỡng của ĐH Duy Tân. Đây là niềm vui và niềm tự hào chung của các sơ. “Vào cô nhi viện, phần lớn trẻ bị bỏ rơi từ khi còn rất nhỏ, được các sơ đặt tên, địa phương giúp đỡ thực hiện khai sinh, sau đó phối hợp với các bệnh viện khám sàng lọc để có phương án chăm sóc phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Với những trẻ có khả năng học tập, Cô nhi viện phối hợp với các trường đóng trên địa bàn để các cháu được đến trường. Để các em sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện, vào các ngày lễ tết, Cô nhi viện đều tổ chức các hoạt động vui chơi... nhằm tạo dựng một mái ấm gia đình thực sự ấm áp”, sơ Hà bày tỏ.

Ông Tạ Công Ái, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Quảng Ngãi chia sẻ, mọi trẻ em trên đời, dù là ai, xuất thân trong hoàn cảnh nào cũng có quyền được yêu thương, chăm sóc. Để bảo vệ, chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thời gian qua, Nhà nước và địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ; các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trong tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà. Thực tế ở Cô nhi viện Phúc Hòa đã có nhiều em trưởng thành, vượt qua bệnh tật, sống khỏe mạnh và tìm thấy hạnh phúc cũng như niềm tin cuộc sống từ những vòng tay nhân ái... 

 NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc