Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Ngành công nghiệp văn hóa: Vẫn còn đó những "nút thắt" cần tập trung tháo gỡ

Thứ Tư 14/09/2022 | 10:24 GMT+7

VHO -Phát biểu tại Hội thảo Tổng kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (2016-2021), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, vào năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo nhìn lại 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH do Viện VHNT quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UN-Habitat, Sở VHTT Hà Nội vừa tổ chức tại Hà Nội.

Định vị “sức mạnh mềm” văn hóa Việt

Đánh giá chặng đường 5 năm phát triển các ngành CNVH tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, việc ban hành và triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy hệ thống văn hóa vào những chuyển dịch sâu rộng hơn.

Bộ VHTTDL đã nhận thức sâu sắc về sứ mệnh, vai trò quan trọng của mình trong việc hiện thực hóa các mục tiêu mà Chiến lược đề ra, nỗ lực chuyển hóa động lực ban đầu này thành các hành động cụ thể. “Từ việc đóng góp vào cải thiện khuôn khổ chính sách cho tới triển khai các kế hoạch, chương trình cụ thể, Bộ VHTTDL đã và đang ghi dấu ấn quan trọng trong những thành tựu mà các ngành CNVH ở Việt Nam đạt được trong 5 năm qua. Tuy nhiên, vai trò của Bộ sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu thiếu sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của nhiều Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và cá nhân tâm huyết với văn hóa nghệ thuật”, Thứ trưởng Việt khẳng định. Với tư duy và cách tiếp cận tổng thể, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hướng tới việc nâng cao giá trị của văn hóa trên mọi phương diện như tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy hòa nhập xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần của người dân và tăng cường khả năng cạnh tranh của các thương hiệu địa phương và quốc gia… Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng nêu rõ, phát triển CNVH bên cạnh những thành tựu luôn tồn tại những hạn chế, thách thức. Sự phát triển toàn diện mà chúng ta luôn kỳ vọng đòi hỏi phải có những đánh giá định kỳ để xem xét đầy đủ, khách quan những tác động thực tiễn của Chiến lược.

“Những bằng cứ từ hội thảo này là cơ sở giúp xác định yêu cầu chuyển đổi cần thiết, cũng như những nhân tố mới, động lực mới nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa…”, lãnh đạo Bộ nhấn mạnh. Một bức tranh toàn cảnh về phát triển các ngành CNVH tại Việt Nam trong nửa thập kỷ qua đã được phác thảo một cách rõ nét. Theo đó, các ngành CNVH đang dần dần được coi là một động lực, vừa góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Nếu năm 2015, các ngành CNVH đóng góp 2,68% GDP, sau 3 năm triển khai Chiến lược, 12 ngành CNVH đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỉ USD, tương đương với 3,61% GDP vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước…

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam (VICAS) nêu, bên cạnh việc đóng góp giá trị trực tiếp, các ngành CNVH có tính liên ngành và bổ sung giá trị cao, đặc biệt là thông qua lĩnh vực thiết kế. Thị trường mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc cũng rất sôi động. Từ 40 không gian sáng tạo năm 2017 đến nay đã phát triển lên hơn 200 điểm sáng tạo ở khắp mọi miền đất nước với những tổ hợp như Hanoi Creative City, Thiết kế 282 Design… Phát triển CNVH còn là con đường để thúc đẩy sự “tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc”, định vị “sức mạnh mềm” của văn hóa. Ngành CNVH tạo cơ hội học tập cho nhiều người, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền.

CNVH góp phần chuyển hóa các di sản văn hóa thành nguồn sức mạnh cố kết xã hội, mở rộng mạng lưới, trao đổi thông tin và nguồn lực trong các cộng đồng. Bên cạnh đó, di sản văn hóa hiện còn là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào phong phú và đa dạng cho nhiều ngành CNVH như du lịch văn hóa, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, trò chơi điện tử, điện ảnh,...

Thứ trưởng ĐOÀN VĂN VIỆT

Còn nhiều việc phải làm

Dù có nhiều tiềm năng nhưng con đường phát triển CNVH vẫn còn nhiều khó khăn.Việc định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam qua các sản phẩm, dịch vụ CNVH ra thế giới còn không ít rào cản.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng chia sẻ góc nhìn về khuôn khổ chính sách phát triển CNVH: “Đây chính là một “nút thắt” trong phát triển CNVH tại Việt Nam”. Nhìn lại 5 năm qua, ông Trần Hoàng cho rằng, những đóng góp của thể chế trong việc tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành CNVH có thể thấy rõ qua những đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế quốc gia và gia tăng lợi thế cạnh tranh theo hướng bền vững; gia tăng giá trị cho các ngành trong và ngoài lĩnh vực CNVH. Đồng thời, mang tới nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ, thế hệ trẻ và đặc biệt là nhóm yếu thế trong xã hội; góp phần tái tạo các thành phố, giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng, khu vực; bảo tồn, tái sinh và phát huy vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống; thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước.

Tuy nhiên, sự chuyển hóa từ chủ trương để đưa ra các chính sách cụ thể cho sự phát triển CNVH vẫn chưa có đột phá mạnh mẽ. Trong đó, có thể thấy sự thiếu vắng các biện pháp thực thi, tạo môi trường pháp lý về bản quyền, dẫn đến nhiều tranh chấp trong một số lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… Bên cạnh đó còn là sự thiếu vắng các cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, đặt ra bài toán khó cho sự phát triển bền vững. Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng nhận định các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam còn thiếu độc đáo, tính ứng dụng chưa cao, chưa thể hiện được năng lực cạnh tranh, thu hút trên thị trường nội địa và quốc tế. Nhiều thị trường văn hóa trong nước đang bị lấn át bởi các sản phẩm CNVH đến từ các cường quốc cùng khu vực như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Khảo sát nghiên cứu của VICAS cũng chỉ ra, người dân thường xuyên xem điện ảnh của Hàn Quốc với tỉ lệ 67,4%, tiếp đến là thưởng thức âm nhạc với 56,2%... Đây chính là thách thức lớn, đòi hỏi cần sớm tìm ra những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn về thể chế.

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, có nhiều minh chứng cho thấy nhu cầu của một bộ phận công chúng đối với các sản phẩm nghệ thuật thực thụ. Tại nhiều quốc gia phát triển CNVH, người dân thường xuyên đi từ thành phố này đến thành phố khác để mua các sản phẩm của nghệ thuật biểu diễn. Việt Nam cũng đã có những thương hiệu, nghệ sĩ như vậy, những chương trình được bán vé với “giá trên trời”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần một hệ sinh thái, với tầm nhìn và sự chung tay để cùng nhau đẩy mạnh sự phát triển của CNVH nói chung và CNVH trong nghệ thuật biểu diễn nói riêng.

Nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, CNVH thời gian qua đã ít nhiều có tác động tới lĩnh vực âm nhạc, song mọi việc mới chỉ là bước đầu, chưa tạo ra nhiều dấu ấn. Từ thực tế người làm sáng tạo, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, những danh xưng sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có đóng góp cho ngành công nghiệp sáng tạo. Trên thực tế, nhận thức về công nghiệp sáng tạo còn nhiều hạn chế; sản phẩm ít và lệch lạc… dẫn đến sự phát triển chậm, hạn chế cạnh tranh. “Sáng tạo chưa trở thành “món ăn” bắt buộc đối với công chúng. Nhiều chương trình chủ yếu là event của các nhãn hàng. Do đó, cần nâng cao năng lực sáng tạo của các địa phương”, nhạc sĩ Quốc Trung nêu và đề xuất đưa Đà Lạt trở thành một thành phố sáng tạo âm nhạc, bởi lợi thế và tiềm năng của địa phương này. Từ kinh nghiệm phát triển CNVH của nhiều nước trên thế giới, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) đề xuất tăng cường đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam…

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, những ý kiến, tham luận tại hội thảo sẽ được các cơ quan chức năng của Bộ tiếp thu, ghi nhận nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách cho sự phát triển bền vững, tạo đột phá cho công nghiệp văn hóa những năm tới. Hội thảo là một bước quan trọng chuẩn bị cho hoạt động sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH sẽ được Bộ VHTTDL tổ chức vào tháng 11.2022. 

 Từ việc đóng góp vào cải thiện khuôn khổ chính sách cho tới triển khai các kế hoạch, chương trình cụ thể, Bộ VHTTDL đã và đang ghi dấu ấn quan trọng trong những thành tựu mà các ngành CNVH ở Việt Nam đạt được trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, vai trò của Bộ sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu thiếu sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của nhiều Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và cá nhân tâm huyết với văn hóa nghệ thuật.

(Thứ trưởng ĐOÀN VĂN VIỆT)

 PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top