Đại hội Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2022- 2027

VHO - Ngày 14.9, Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ III (2022- 2027). Đại hội đã bầu ra BCH gồm 23 thành viên. Ông Lê Chí Thanh tái đắc cử chức Chủ tịch Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng.

Đại hội Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2022- 2027 - Anh 1

Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều thành quả ở nhiệm kỳ 2017- 2022, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra

Tham dự có Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bế Thanh Tịnh, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng Sầm Việt An, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Ban văn hoá xã hội HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện và thành phố, lãnh đạo phòng VHTT các huyện, thành phố, các đội văn nghệ và gần 60 hội viên tiêu biểu trên toàn tỉnh.

Trong 5 năm qua, Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng đã phát huy thành quả đạt được ở nhiệm kỳ trước, khắc phục khó khăn, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Nhiều chỉ tiêu phấn đấu trong công tác nghiệp vụ chuyên môn như: sưu tầm nghiên cứu, sáng tác đặt lời mới; phát triển hội viên, thành lập 100% các chi hội ở huyện, thành phố; truyền dạy dân ca vượt về số lượng, chất lượng và thời gian.

Hiện nay, toàn Hội có 10 chi hội được thành lập tại các huyện, thành phố với tổng số hội viên 2.192 người. Chi hội có số hội viên đông nhất là Trùng Khánh gần 400 người. Một số huyện đã hình thành 100% phân hội đến các xã, thị trấn. Hội có 5 câu lạc bộ dân ca được thành lập: CLB dân ca Tày, Nùng ở thành phố Cao Bằng; CLB dân ca thị trấn Trùng Khánh, CLB hát Then Nam Tuấn, Hoà An; CLB hát Then và hát dân ca Bản Giốc- Ngườm Ngao, CLB hát Then phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng. Công tác thành lập các chi hội, các CLB, phát triển hội viên của Hội trên toàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đại hội Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2022- 2027 - Anh 2

Các đại biểu dự Đại hội

Hằng năm, Chi hội bảo tồn dân ca các huyện, thành phố đều có kế hoạch tham gia các chương trình văn hoá, văn nghệ phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và các lễ hội truyền thống. Hội thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị, đia phương để tham gia vào các sự kiện chính trị, xã hội diễn ra trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2017- 2022 đã có trên 6.800 lượt hội viên tham gia chương trình dân ca như: Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc, Lễ công bố quyết định Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao bằng, Liên hoan hát Then, đàn Tính gắn với các hoạt động du lịch, sáng tác bài hát Then phục vụ cho đoàn đại biểu tỉnh đi thăm Trường Sa và công an tỉnh dự Giải dân ca khu vực Tây Bắc…

Tỉnh Hội đã phối hợp với Phòng VHTT các huyện và thành phố theo chương trình đưa văn hoá thông tin về cơ sở, xây dựng nông thôn mới có hiệu quả. Các hoạt động của Hội được đông đảo bà con nhân dân, nhất là những người trung niên, cao tuổi hưởng ứng nhiệt tình trong nhiệm vụ tuyên truyền bằng hình thức văn nghệ hoá, đưa chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước vào cuộc sống.

Hội cũng đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm được 45 bài hát dân ca các dân tộc gồm nhiều thể loại: Hát Then, lượn Then, Dá hai, Pụt Lằn, Xà xá, Sli Giang, Nàng ới, Hà Lều, Lượn Cọi, Lượng Slương, Hèo Phưng, Phong Slư. Sáng tác, đặt lời mới cho 162 bài hát, một số bài được phổ biến rộng rãi trong công chúng địa phương toàn tỉnh. Xây dựng 56 chương trình văn nghệ dân ca từ các chi hội huyện đến tỉnh để phục vụ nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị, thiết thực bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị dân ca các dân tộc.

Đại hội Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2022- 2027 - Anh 3

BCH Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ III (2022- 2027) ra mắt Đại hội

Thường trực Hội đã tích cực chỉ đạo các nghệ sĩ, nghệ nhân có tâm huyết, nhiệt tình truyền dạy cho hội viên. Nổi bật nhất là 2 nghệ sĩ ưu tú: Hoàng Kim Tuế và Hoàng Quỳnh Nha tại thành phố Cao Bằng; nghệ nhân ưu tú Đinh Trọng Thức ở huyện Nguyên Bình cùng nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đã tâm huyết mở các lớp dân ca ngắn ngày trong nhân dân. 5 năm qua Hội đã tổ chức truyền dạy cho khoảng 600 người, góp phần tạo nên phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng sâu rộng trong nhân dân.

Hội cũng đã quan tâm, tạo điều kiện, cung cấp thông tin về các loại hình dân các dân tộc cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và sáng tác các bài hát mới dựa trên chất liệu dân ca; nhiều tác phẩm tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Liên hoan hát Then, đàn Tính… được giải.

Trong nhiệm kỳ tới, Hội sẽ tập trung vào việc tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phục dựng các loại hình di sản dân ca các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh gắn với thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, phát triển du lịch.

Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác Hội hằng năm để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022- 2027 nhằm thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, gìn giữ văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Đại hội Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2022- 2027 - Anh 4

Tại Đại hội, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đã được nhận bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng

Hội sẽ đẩy mạnh công tác bảo tồn, sưu tầm và khai thác, phát huy giá trị dân ca các dân tộc; mở lớp truyền dạy dân ca ngắn ngày trong công đồng dân cư cho khoảng 450 người; xây dựng 15 chương trình dân ca phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; động viên các hội viên tham gia các chương trình văn nghệ địa phương, giao lưu văn hoá, quảng bá dân ca, bình quân đạt 2.600 lượt diễn viên/ năm. Sáng tác, đặt lời mới cho dân ca các dân tộc trên 35 bài, dàn dựng 40 tiết mục trình diễn dân ca…

Tích cực tham gia đề tài nghiên cứu, truyền bá dân ca dân tộc, xây dựng các dự án bảo tồn và phát huy dân ca. Thực hiện tốt Luật Di sản văn hoá trên địa bàn. Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ đậm đà dân ca các dân tộc, làm lành mạnh hoá đời sống xã hội, vừa góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội của địa phương.

Qua thực tiễn công tác, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm hơn nữa tới hoạt động của các Chi hội và CLB dân ca. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm lập hồ sơ dân ca Dá hai trình Chính phủ công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đề nghị tỉnh tổ chức Hội thảo về giá trị đặc trưng của miền Then Non nước Cao Bằng trong vùng Đông Bắc.

LƯƠNG VĂN LA

Ý kiến bạn đọc