Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Đà Nẵng: Nỗ lực thu hút và giữ chân nguồn nhân lực du lịch có trình độ

Thứ Tư 14/09/2022 | 16:19 GMT+7

VHO-Để phát triển nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp trong ngành du lịch, Sở Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất với UBND thành phố có chính sách hỗ trợ đơn vị du lịch trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp cùng các đơn vị đưa ra các chủ trương, chính sách nhằm thu hút và giữ chân nguồn nhân lực có trình độ làm việc lâu dài.

Doanh nghiệp linh hoạt khắc phục khó khăn

Theo đánh giá của Sở Du lịch Đà Nẵng, nguồn nhân lực làm trong ngành chưa quay trở lại hoàn toàn nhưng cơ bản đã tương xứng với tốc độ phục hồi du lịch. Đến tháng 6.2022, số lượt khách cơ sở lưu trú  phục vụ tại Đà Nẵng ước đạt 417.900 lượt, tăng gấp 8,8 lần so cùng kỳ năm 2021, trong đó khách nội địa ước đạt hơn 389.200 lượt, tăng gần gấp 10 lần so với cùng kỳ. Lượng khách đến đông đòi hỏi chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng phải bảo đảm, trong đó nhân lực lao động ngành du lịch vẫn là ưu tiên hàng đầu cần được quan tâm. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay thành phố vẫn gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân lực, đa số các doanh nghiệp vẫn sử dụng nguồn nhân viên thời vụ là sinh viên, người lao động đã từng làm trong ngành du lịch. Trừ một số doanh nghiệp lớn như lữ hành hoặc khách sạn có tiềm lực tài chính mạnh, có khả năng trả lương giữ chân nhân viên từ khi bùng dịch đến nay thì nguồn nhân lực ổn định”. 

Khách sạn GIC Luxury (Lê Duẩn, quận Hải Châu, Đà Nẵng) thực hiện nhiều giải pháp để thu hút nhân sự 

Theo dự báo, đến năm 2025, thành phố Đà Nẵng sẽ đón hơn 8 triệu khách, và nguồn nhân lực cần có là 75.000 lao động. Tuy nhiên đến thời điểm cuối năm 2021, Đà Nẵng chỉ có gần 20.000 lao động trong lĩnh vực du lịch, ngoài sự thiếu hụt về số lượng, thì chất lượng lao động cũng đã có sự giảm sút do sự thay đổi xu hướng du lịch, chuyển đổi thị trường lao động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chỉ giữ lại bộ phận nòng cốt, do nhu cầu kiêm nhiệm nhiều vị trí công việc để tối ưu chi phí vận hành, nhân lực gặp nhiều khó khăn vì chưa được đào tạo bài bản tại các bộ phận khác và các kỹ năng sales-marketing, chuyển đổi số để khai thác khách.

Ông Nguyễn Xuân Hải - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lữ hành Quốc tế Hải Vân Cát (Sơn Trà, Đà Nẵng) nhìn nhận, thời điểm này các công ty du lịch đều gặp khó về nhân sự chứ không riêng công ty Hải Vân Cát. Tất cả các đơn vị đều sử dụng nhân sự kiêm nhiệm các bộ phận để giảm bớt thiếu hụt, vị trí khó tìm kiếm hiện nay như nhân viên kỹ thuật chất lượng cao, nhân viên thạo việc “một người làm bằng 3 người” như xưa là không hề dễ. 

Như những khách sạn khác, khách sạn GIC Luxury (59 Lê Duẩn, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng và tỷ lệ nghịch ở chi phí nhân công và thu nhập, lượng khách đến Đà Nẵng chưa khôi phục hoàn toàn, công suất phòng chỉ đạt 60 - 70% nhưng chi phí nhân công lại đội lên. Ông Nguyễn Thế Tiến Lực - Giám đốc điều hành khách sạn GIC Luxury cho biết hiện tại, khách sạn có khoảng 50% nhân viên quay trở lại làm việc: “Lực lượng lao động phổ thông như bếp, buồng phòng, kỹ thuật cấp độ vừa, nhân viên an ninh là khó tuyển dụng. Với lực lượng này thì bắt buộc khi tuyển về phải đào tạo lại, mất thời gian hơn và chi phí cũng nhiều hơn vì phải lấy số lượng bù chất lượng. Nhằm thu hút nhân sự, chúng tôi phải thực hiện điều chỉnh lương, đưa ra các chế độ phúc lợi xã hội hấp dẫn người lao động, chấp nhận đào tạo lại từ đầu”, ông Lực chia sẻ.

Chủ động liên kết, đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường

Vừa qua, Sở Du lịch Đà Nẵng đã hoàn thiện Đề án Định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những mục tiêu định hướng quan trọng trong đề án là phát triển “nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp, có trình độ cao về chuyên môn nghiệp vụ, giao tiếp thông thạo ngoại ngữ trong phạm vi nghề và có kỹ năng, tác phong, thái độ phục vụ chuyên nghiệp”. Đề án cũng xác định rõ từng giai đoạn phát triển nguồn nhân lực: Giai đoạn  2022  - 2025 phục hồi nguồn nhân lực; giai đoạn 2025 - 2030 chuẩn hóa nguồn nhân lực đạt chuẩn chất lượng cao, chuyên nghiệp; giai đoạn  2030 - 2045 hoàn thiện nguồn nhân lực du lịch đạt chuẩn chất lượng cao, chuyên nghiệp.

Khu du lịch DANANG MIkazuki (quận Liên Chiểu) hiện có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu phục vụ khách

Thực hiện các giải pháp lâu dài để phục hồi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho ngành du lịch, từ tháng 3 năm 2022, khi du lịch mở cửa trở lại, Sở Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức hơn 17 lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ, chăm sóc khách hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ khách và đăng tải các nội dung đào tạo nghiệp vụ trên website daotaodulichdanang.com để các doanh nghiệp chủ động tham gia tập huấn, đào tạo tại đơn vị. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch chủ động trong việc tuyển dụng và kết nối với các nền tảng tuyển dụng trực tuyến (Vietnamworks, Hoteljobs, Facebook…), chủ động tuyển dụng toàn thời gian và nhân viên thời vụ. “Trong thời gian đến, Sở Du lịch tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá du lịch nhằm khuyến khích người lao động ngành du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo, các hiệp hội - hội nghề nghiệp  tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch bảo đảm yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch phù hợp với các lĩnh vực kinh doanh”, bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở thông tin.

So sánh tốc độ quay trở lại của khách du lịch và nguồn nhân lực phục vụ du lịch, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đánh giá: Sự thiếu hụt thời điểm này chỉ là cục bộ, nguồn nhân lực hiện tại vẫn có khả năng đáp ứng tốt cho nhu cầu thị trường. Tuy nhiên trước mắt cần có sự liên kết hợp tác mạnh hơn nữa giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Lạc quan hơn, ông Nguyễn Minh Xoang - Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành Quốc tế Hải Vân Cát kỳ vọng vào lớp nhân sự mới thay thế sẽ năng động hơn, sáng tạo và có năng lượng hơn: “Thay vì chờ đợi đội ngũ nhân sự cũ với tay nghề cao như xưa thì giải pháp trước mắt vẫn nên chủ động tập trung đào tạo và đào tạo tốt cho lực lượng lao động mới. Công ty CP Lữ hành Quốc tế Hải Vân Cát hiện đang liên kết với các trường Cao đẳng Du lịch, FPT, Đại học Duy Tân, Đại học Đông Á nhận khoảng 100 sinh viên vừa thực tập vừa hỗ trợ nghề, sàng lọc nhân sự tâm huyết, chất lượng nếu có nhu cầu thì sẽ “đón đầu”, ông Xoang chia sẻ.

NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top