Bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ đồng bào DTTS phải bán rẫy trả nợ ngân hàng

VHO - Lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của một số hộ dân đồng bào DTTS trên địa bàn xã Ngọc Wang, Ngọc Réo, huyện Đăk Hà (Kon Tum), Hồ Phước Nguyên – cựu cán bộ của Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HD Bank) chi nhánh tỉnh Kon Tum đã liên hệ người dân đưa tiền làm thủ tục đáo hạn ngân hàng, sau đó có dấu hiệu chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Bán rẫy để trả nợ ngân hàng

Những ngày qua phóng viên Văn Hóa thường trú tại Kon Tum nhận được phản ánh của 1 số hộ dân sống trên địa bàn huyện Đăk Hà (Kon Tum) tố cáo việc họ bị  một người nguyên là cán bộ ngân hàng HD Bank đã nghỉ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn.

Để tìm hiểu, xác minh thông tin phản ánh, chiều ngày 13.9, phóng viên Văn Hóa đã đến thôn Đăk Phía, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà tìm gặp vợ chồng A Miên (42 tuổi) và chị Thai (38 tuổi). Anh Miên cho biết, tháng 6.2021 vợ chồng anh có vay vốn số tiền 100 triệu đồng của Ngân hàng HD Bank, thời hạn vay là 1 năm. Đến tháng 6.2022, khi đến kỳ hạn trả nợ ngân hàng, anh Miên có hỏi người em trai về việc muốn tìm người làm dịch vụ “đáo hạn” ngân hàng.

Bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ đồng bào DTTS phải bán rẫy trả nợ ngân hàng - Anh 1

Vợ chồng A Miên trao đổi với phóng viên

Vài ngày sau, có một người tên Nguyên liên hệ cho anh Miên giới thiệu là nhân viên ngân hàng HD Bank quen thân với giám đốc ngân hàng nên có thể giúp được. Người này yêu cầu vợ chồng anh mang theo 50 triệu đồng xuống TP Kon Tum gặp để làm thủ tục trả nợ ngân hàng và vay lại, số tiền 50 triệu đồng còn thiếu sẽ được Nguyên cho mượn để trả. Vì Nguyên trước đây làm hồ sơ vay vốn cho em trai ruột của mình (cũng vay vốn ở HD Bank - PV) nên vợ chồng anh Miên tin lời và cầm tiền xuống và đưa cho Nguyên tại 1 quán cà phê trên địa bàn phường Quyết Thắng (TP Kon Tum), có viết giấy giao nhận tiền.

Vài ngày sau, Nguyên điện thoại cho vợ chồng anh Miên và nói xuống trụ sở Ngân hàng HD Bank ở TP Kon Tum để lấy sổ đỏ đang thế chấp tại ngân hàng về. Tuy nhiên, khi 2 vợ chồng anh xuống đến nơi và liên hệ lại thì Nguyên liên tục lấy cớ bận đi công việc để né tránh. Nghi ngờ, 2 vợ chồng vào ngân hàng HD Bank hỏi thì mới tá hỏa, Nguyên đã bị nghỉ việc từ lâu và khoản vay 100 triệu đồng của vợ chồng anh đã trễ hạn. Biết mình bị lừa, 2 vợ chồng đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyên đến Công an TP Kon Tum.

“Tiền đưa ông Nguyên không lấy lại được, trong khi nợ ngân hàng đến hạn phải trả, vợ chồng tôi phải vay mượn của nhiều người trong thôn xuống trả ngân hàng và làm thủ tục vay lại. Số tiền 50 triệu đưa cho Nguyên cũng là số tiền vay mượn của 2 người em họ từ tháng 6 đến giờ vẫn chưa trả. Mong muốn cơ quan công an sớm điều tra và yêu cầu trả lại tiền cho gia đình để trả nợ”, anh A Miên buồn rầu nói.

A Miên cho biết thêm, sau khi anh gửi đơn cho Công an TP Kon Tum, ngày 18.8 ông Nguyên có liên lạc qua zalo và đề nghị gia đình rút đơn. Tuy nhiên, vợ chồng anh không ý và nói khi nào trả lại tiền gia đình mới rút đơn. 

Chung cảnh ngộ bị lừa, nhưng trường hợp của vợ chồng A Răng (31 tuổi) và Y Liễu (24 tuổi) ở thôn Đăk Duông, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà đáng thương hơn. Vợ chồng A Răng là hộ nghèo. Trong căn nhà cấp 4 vừa mới được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum hỗ trợ xây dựng, A Răng kể, năm 2019 vợ chồng anh có thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay số tiền 100 triệu đồng của Ngân hàng HD Bank. Năm nào vào tháng 6 gia đình anh A Răng đều được cán bộ ngân hàng HD Bank nhắc nhở đến hạn trả nợ ngân hàng và hướng dẫn làm thủ tục để vay lại. Đến ngày 12.6.2022, gia đình A Răng có nguyện vọng trả nợ ngân hàng nên gia đình chủ động liên hệ Nguyên hỏi thủ tục (vì trước đó năm 2021 Nguyên là người làm thủ tục đảo sổ và cho vay lại). Sau khi điện thoại thì ngay trong buổi chiều Nguyên chạy vào nhà gặp 2 vợ chồng để lấy số tiền 100 triệu đồng làm giúp thủ tục.

Bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ đồng bào DTTS phải bán rẫy trả nợ ngân hàng - Anh 2

Bị lừa tiền, vợ chồng A Răng - Y Liễu phải bán 6 sào đất rẫy với giá 100 triệu đồng để trả nợ ngân hàng

“Gia đình cũng bảo ghi giấy nhưng ổng bảo thôi, không cần viết đâu, mình giúp cho 2 vợ chồng mà. Lúc đó có 2 anh chị hàng xóm chứng kiến. Ổng hẹn ngày 14.6 xuống lấy bìa, khi xuống gặp 2 ông kia ở ngân hàng thì bảo ông Nguyên đã nghỉ việc 5 – 6 tháng rồi. Khi gọi điện cho ông Nguyên hỏi thì ổng hẹn 30 phút, ngày hôm sau thì hẹn qua tuần, ổng cứ hẹn miết, hẹn miết. Đến ngày 15.7 gia đình đã làm đơn tố cáo gửi Công an TP Kon Tum”, A Răng kể lại.

A Răng cho biết thêm, vì ông Nguyên cứ hẹn và kéo dài hơn 1 tháng nên hồ sơ vay vốn của vợ chồng anh tại ngân hàng HD Bank bị quá hạn. Để trả nợ, gia đình phải bán 6 sào đất rẫy (6000 m2) để lấy 100 triệu trả nợ cho ngân hàng.

“Giờ không biết khi nào mới lấy lại được tiền 100 triệu đưa cho ông Nguyên. Nhà mới này cũng được mặt trận cho 25 triệu, gia đình phải vay mượn ngân hàng chính sách và người quen thêm 70 triệu để làm ngôi nhà này”, A Răng bộc bạch.

Theo tìm hiểu của P.V, ngoài 2 trường hợp trên, đối tượng Nguyên còn liên hệ với nhiều khách hàng là người DTTS để lừa đảo tiền với "chiêu bài" tương tự.

Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trước sự việc trên, ngày 28.7.2022, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng HD Bank Kon Tum đã ký Công văn số 05 thông báo đến quý khách hàng về việc Ngân hàng HD Bank Kon Tum đã chấm dứt hợp đồng lao động với ông Hồ Phước Nguyên vào ngày 20.1.2022 theo quyết định số 142; Hồ Phước Nguyên đang mạo danh hiện đang làm Chuyên viên quan hệ khách hàng của ngân hàng HD Bank để lấy tiền trực tiếp từ các khách hàng, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, hình ảnh và công tác kinh doanh của HD Bank tại địa bàn Kon Tum.

“Hồ Phước Nguyên lên thông báo với các khách hàng và người dân mà trước đây đối tượng quản lý với nội dung: Hồ sơ khách hàng đã đến hạn và thu tiền gốc, lãi. Tuy nhiên, đối tượng này không nộp vào ngân hàng”, Công văn của Ngân hàng HD Bank Kon Tum nêu rõ.

Bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ đồng bào DTTS phải bán rẫy trả nợ ngân hàng - Anh 3

Lãnh đạo HD Bank Kon Tum xác nhận: Hồ Phước Nguyên từng là nhân viên Ngân hàng HD Bank Kon Tum trực thuộc Phòng giao dịch huyện Đăk Hà và đã nghỉ việc từ đầu năm 2022

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng HD Bank Kon Tum cho biết, trường hợp ông Nguyên thuộc phòng giao dịch Đăk Hà đã nghỉ việc lâu rồi, không còn liên quan đến ngân hàng. Tuy nhiên, vì có liên quan đến khách hàng của bên mình nên mình hướng dẫn khách hàng làm đơn thư tố giác để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

“Thực ra việc bảo vệ quyền lợi là của khách hàng, mình chỉ hỗ trợ pháp lý cho họ thôi, ngân hàng chỉ đồng hành để tìm người đó thôi. Nhưng mà việc kia là giao dịch dân sự bên ngoài, ngân hàng không biết, chỉ khi khách hàng nói thì chúng tôi hỗ trợ bằng cách hướng dẫn làm đơn tố giác tội phạm”, ông Huy nói.

Trả lời câu hỏi P.V vì sao khi ông Nguyên nghỉ việc, phía HD Bank không có văn bản thông báo đến khách hàng, ông Huy lý giải: “Không có quy định nào như vậy, khi nghỉ việc sẽ bàn giao khách hàng và anh em cán bộ ngân hàng sẽ chủ động liên hệ với khách hàng. Khi khách hàng giao dịch với một người nào đó thì ngân hàng làm sao quản lý được”.

Sáng 15.9, trao đổi với Văn Hóa, một cán bộ Công an TP Kon Tum cho biết, Công an TP Kon Tum đã tiếp nhận 4 đơn thư tố giác của 4 bị hại đều là người DTTS với tổng số tiền 197 triệu đồng. Hiện đơn vị đang thụ lý và tiến hành điều tra, xác minh. Tuy nhiên, do liên quan đến nhiều người bị hại và đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin chính thức. Khi nào xác minh xong, kết thúc giai đoạn xác minh có kết quả điều tra cụ thể sẽ thông tin chính thức.

“Nếu làm rõ ra mà có hành vi phạm tội, đủ chứng cứ chứng minh yếu tố cấu thành phạm tội thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, vị cán bộ Công an TP Kon Tum nói.

NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc