Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Lam Kinh sau 10 năm được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt

Thứ Sáu 16/09/2022 | 09:04 GMT+7

VHO- Sau 10 năm Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, công tác nghiên cứu, bảo tồn, giới thiệu, quảng bá phát huy giá trị di tích đã và đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai đồng bộ, bài bản. 

Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính là điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm

Trải qua bao biến thiên lịch sử, những công trình của triều đại Nhà Hậu Lê vẫn còn giữ được nguyên vẹn và có sức thu hút đặc biệt. Cách đây 10 năm (ngày 27.9. 2012) Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là di tích quốc gia đặc biệt. Sự kiện này đã khẳng định thêm những giá trị quan trọng của di tích không chỉ ở phương diện lịch sử, thắng cảnh mà cả ở bình diện kiến trúc và nghệ thuật đương thời. Đó chính là biểu hiện rõ ràng nhất, cụ thể nhất của truyền thống văn hoá, văn minh Đại Việt ở thế kỷ XV.

Và thực tế, 10 năm qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực để phục dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử Lam Kinh luôn được Bộ VHTTDL và tỉnh Thanh Hóa quan tâm. Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản cũng được Ban Quản lý Di tích Lam Kinh đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như trưng bày, triển lãm, website, mạng xã hội, quảng bá trực tuyến cùng các hoạt động hướng tới khách tham quan, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời xây dựng đề cương dự án “Đổi mới công tác quản lý, khai thác phát triển khu di tích Lam Kinh”, trên cơ sở xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng công việc đó là: Quản lý các di tích gốc là ưu tiên hàng đầu với các nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng thường kỳ, quản lý môi trường sinh thái gần 200ha đã được quy hoạch với việc bảo vệ 98 ha rừng đặc dụng, 40ha Hồ Tây và Hồ Như Áng, 5 km sông Ngọc chảy trước khu Điện Miếu…

Từ năm 2013 đến 2019, tại Lam Kinh đã có 5 tấm bia được công nhận Bảo vật Quốc gia, gồm Vĩnh Lăng (bia vua Lê Thái Tổ), Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), Chiêu Lăng (bia vua Lê Thánh Tông), Dụ Lăng (bia vua Lê Hiến Tông) và Kính Lăng (bia vua Lê Túc Tông). Cũng trong năm 2013, Ban quản lý hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận Cây di sản và đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 18 cây di sản ở rừng Lam Kinh. Năm 2013 – 2014, Ban quản lý tiếp nhận và quản lý 2 khu đền thờ vua Lê Thái Tổ (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân) và đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) trong không gian di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, sưu tầm 418 đầu sách liên quan về Anh hùng dân tộc Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và khu di tích lịch sử Lam Kinh; 1.031 hiện vật gốc có niên đại trong khoảng thế kỷ XV - XVII. Phối hợp với các nhà nghiên cứu có uy tín viết và xuất bản được 5 ấn phẩm giới thiệu nhiều đề tài nghiên cứu về di tích Lam Kinh.

Bảo vật Quốc gia bia Vĩnh Lăng  ở Khu Di tích lịch sử Lam Kinh được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những tấm bia thời Lê sơ có niên đại lịch sử lâu đời, to và đẹp nhất Việt Nam hiện nay

Ngoài ra, Ban quản lý đã triển khai lắp đặt, hoàn thiện các hệ thống: Loa thông minh thuyết minh tự động trên các điểm di tích, ứng dụng du lịch thông minh, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, camera để quản lý bảo vệ trên toàn di tích, biển chỉ dẫn, giới thiệu trong khu di tích. Sửa chữa nâng cấp hệ thống nội dung trưng bày kho hiện vật, trồng bổ sung được hàng chục nghìn cây gỗ quý như (Lim, Lát, Dổi, Sao đen, Dẻ,…), nâng cấp 7km đường nội bộ di tích, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, không có rác thải nhựa trong toàn bộ di tích. Hàng chục xe điện được đưa vào hoạt động, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Theo đó, trong 10 năm qua, đã có hàng trăm nghìn lượt khách đến thăm quan khu di tích (năm 2011 là 68 nghìn lượt/năm; đến 8 tháng đầu năm 2022 là 227 nghìn lượt, dự kiến năm 2022 đón khoảng 420 nghìn lượt khách, trong đó có khoảng 2000 khách quốc tế, tăng gấp 9 lần so với năm 2012).

Theo Trưởng Ban quản lý Khu Di tích Lam Kinh Vũ Đình Sỹ, những kết quả nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong chặng đường 10 năm qua là những tiền đề vững chắc đi tới chặng đường tiếp theo. Đồng thời, danh hiệu di di tích quốc gia đặc biệt lam Kinh đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn di sản, giáo dục về lịch sử, truyền thống và lòng yêu nước cho thế hệ mai sau.

Cũng theo ông Sỹ, để di tích tiếp tục được nâng tầm giá trị, được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết tới, trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nữa, trong thời gian tới Lam Kinh cũng cần được tỉnh Thanh Hóa, các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng; có chính sách bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường vùng phụ cận để vùng Lam Kinh trở thành vùng động lực thu hút phát triển du lịch và kinh tế xanh của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, các dự án đã có hồ sơ khoa học như: Tả, Hữu vu, Thành nội, bốn toà thái miếu 1,2,8,9, Đông trù, Tây thất giáp điện, Đền thờ bà Hàng Dầu sẽ tiếp tục được tỉnh Thanh Hoá, Bộ VHTTDL trình cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư hoàn thiện.

Trong giai đoạn từ năm 1996-2004, trên cơ sở Công ước của UNESCO và những quy định của Luật Di sản Văn hoá, Ban quản lý di tích lam Kinh đã phối hợp với các nhà nghiên cứu ở Trung ương, tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học và khai quật khảo cổ học, cho kết quả xuất lộ 17 hạng mục công trình trong tổng thể của khu di tích gồm: Cầu Bạch, La Thành, Sông Ngọc, Giếng Cổ, Ngọ Môn, Thành Nội, Sân Rồng, Tả Vu, Hữu Vu, Đông Trù, Tây Thất, Chính điện và Thái miếu, hồ Tây, gốc đa bà Lụa, cánh đồng Boọng, Lăng hoàng hậu Nguyễn Thị Huyên làm cơ sở khoa học cho việc trùng tu, tôn tạo các hạng mục. Đồng thời cũng ở giai đoạn này, một số hạng mục quan trọng của 6 khu lăng mộ của các Vua và Hoàng Thái hậu (lăng mộ đức vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao), 5 nhà che bia, đền thờ Lê Lợi, đền thờ Lê Lai; 5 toà miếu, Sân Rồng, Ngọ Môn, Hồ Tây, Đập nhà Lê đã được tu bổ hoàn chỉnh và phỏng dựng thành công Chính Điện Lam Kinh, chính thức đón khách tham quan từ tháng 4 năm 2022.

NGUYỄN LINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top