Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Để doping không còn là vấn nạn của thể thao Việt Nam: Cần phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa

Chủ Nhật 18/09/2022 | 18:14 GMT+7

VHO-Trong những ngày qua lại một lần nữa “doping” trở thành cụm từ ám ảnh với thể thao Việt Nam. Không chỉ vì vụ việc liên quan đến 6 vận động viên thể hình dương tính với doping trước thềm SEA Games 31, mà còn bởi nghi án một vài vận động viên Việt Nam đang có mẫu A dương tính với chất cấm.

Việc thể thao Việt Nam phải đối mặt với vấn nạn doping, ngoài ý thức của vận động viên còn là do chúng ta thiếu một phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn, thiếu các trang thiết bị tiên tiến phục vụ cho công tác xét nghiệm doping…

Tránh những án phạt không đáng có

Trong số các án phạt doping từ năm 2003 tới nay, “ngây thơ” nhất có lẽ là “búp bê” thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương. Nữ vận động viên nhỏ nhắn, có khuôn mặt bầu bĩnh, xinh xắn như búp bê này đến với Olympic Bắc Kinh năm 2008 không nhằm mục đích tranh huy chương vì khoảng cách của cô với các vận động viên thế giới là quá lớn. Thế nhưng chỉ vì muốn có vóc dáng thon gọn, lên hình sẽ đẹp hơn khi thi đấu, Ngân Thương tự ý dùng thuốc lợi tiểu. Dù không phải là vận động viên có khả năng tranh chấp huy chương, nhưng Ngân Thương lại được chọn ngẫu nhiên để kiểm tra doping. Và án phạt giáng xuống là cô bị trục xuất khỏi Đại hội và bị cấm thi đấu 2 năm. Bài học về sự “ngây thơ” của Ngân Thương đã khiến cô phải trả giá đắt nhưng không vì thế mà một số vận động viên khác rút ra được bài học cho mình. Sau Ngân Thương, nhiều án phạt khác về doping cũng đã được đưa ra mà nguyên nhân chính, theo các vận động viên như Hoàng Anh Tuấn hay Trịnh Văn Vinh (cử tạ) là do họ tự ý điều trị chấn thương bên ngoài, hay tự ý dùng thuốc mà chưa hỏi ý kiến của bác sĩ đội tuyển.

Doping là vấn đề mà thể thao đỉnh cao luôn phải đối đầu. Ảnh: Thanh Vũ

Giải thích nguyên nhân của những sự “vô tình”, “không biết” này, nguyên phụ trách bộ môn Điền kinh Tổng cục TDTT - HLV trưởng đội tuyển điền kinh Việt Nam Dương Đức Thủy cho biết, sở dĩ có tình trạng các vận động viên phải ra ngoài chữa bệnh là vì các phòng y học tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa đảm bảo được các điều kiện chữa trị tốt cho các vận động viên. Vì thế khi chấn thương lâu ngày chưa khỏi, nhiều vận động viên đã tự ý ra bên ngoài chữa bệnh.

“Tôi cho rằng nếu có trường hợp vận động viên dương tính với doping thì phần lớn là do các cháu thiếu hiểu biết. Chẳng hạn như trong quá trình chữa trị chấn thương, vì muốn cho chấn thương mau lành, muốn được thi đấu mà các cháu tự ý điều trị bên ngoài. Với các bác sĩ đơn thuần, họ sẽ không có kiến thức về doping để biết được rằng vận động viên phải dùng các thuốc chuyên dụng, không thể dùng đơn thuốc như người không thi đấu thể thao đỉnh cao. Vì thế đơn thuốc kê cho người bình thường nếu áp dụng cho các vận động viên thể thao thành tích cao thì có thể vô tình khiến các cháu bị dương tính với chất cấm”, ông Thủy phân tích thêm.

Còn theo bác sĩ Dương Tiến Cần (Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam), chất cấm có thể xâm nhập vào cơ thể của các vận động viên qua nhiều con đường khác nhau như đồ ăn, thức uống, các loại thực phẩm chức năng, thuốc. Nếu thiếu hiểu biết, các vận động viên có thể “nạp” chất cấm vào người mà không biết. Danh mục các chất cấm rất nhiều và hằng năm Tổ chức phòng, chống doping thế giới đều bổ sung danh mục và được cập nhật xuống các đội tuyển. Vì thế nếu không chú ý, không nâng cao ý thức về doping thì vận động viên có thể dính doping lúc nào không biết.

Tăng cường công tác phòng, chống doping

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết, không chỉ thể thao Việt Nam mà thể thao thế giới cũng phải đối mặt với các vấn đề về doping. Đây có thể xem là một vấn nạn mà thể thao đỉnh cao của thế giới gặp phải suốt nhiều năm qua.

Ở Việt Nam, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng suốt từ năm 2003 đến nay, chúng ta đã phải chịu nhiều án phạt về doping. Trước thềm SEA Games 31, chúng ta đã tiến hành sàng lọc kỹ lưỡng và đã phát hiện 6 trường hợp dương tính ở đội tuyển Thể hình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà vẫn có một vài trường hợp dương tính với chất cấm tại Đại hội. “Hiện tại việc xử lý đang theo quy trình, khi nào có thông báo chính thức từ WADA, chúng tôi sẽ công bố. Còn về mức độ xử phạt ra sao thì sẽ căn cứ theo mức độ vi phạm và các quy định về phòng, chống doping, để đưa ra hình thức xử lý thích đáng”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói và cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ nỗ lực, quyết liệt hơn nữa, tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống doping để các vận động viên nâng cao ý thức, tránh xa vấn nạn này.

Cần nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục

Hầu hết các vận động viên Việt Nam đều thi đấu trung thực, hết mình vì màu cờ, sắc áo của Tổ quốc. Ảnh: Trần Huấn

Theo Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Nguyễn Văn Phú, trong thời gian từ 2013 đến hết năm 2021, Trung tâm đã phối hợp với Tổ chức phòng, chống doping thế giới (WADA) thực hiện hơn 800 mẫu kiểm tra doping đối với hầu hết các VĐV hàng đầu của Việt Nam. Tại SEA Games 31, đã tiến hành thực hiện 911 mẫu kiểm tra doping. Trung tâm cũng phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ cùng các Sở VHTTDL; Sở VHTT; các Trung tâm đào tạo VĐV; các giải thể thao quốc gia trong phạm vi toàn quốc để tổ chức công tác giáo dục, truyền thông về phòng, chống Doping cho VĐV và HLV cùng các đối tượng liên quan khác. Bên cạnh đó là phối hợp tham gia giảng dạy tại các đơn vị và Trường Đại học Y Hà Nội về các chuyên đề như dinh dưỡng cho VĐV; danh mục các chất cấm và phương pháp cấm trong và ngoài thi đấu thể thao; quy trình lấy mẫu và xét nghiệm doping… Các tài liệu truyền thông đều được Trung tâm biên sọan, cập nhật các kiến thức mới nhất về phòng, chống Doping trên thế giới để học viên nhanh chóng nắm vững các quy trình, các biện pháp triển khai phòng, chống doping.

Thực tế cho thấy, dù có nhiều nỗ lực nhưng thể thao Việt Nam vẫn không tránh khỏi các án phạt về doping trong suốt thời gian qua. Vì thế các chuyên gia cho rằng, cần phải tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng, chống doping cho các HLV, VĐV của thể thao Việt Nam. Đặc biệt đội ngũ các y bác sĩ tại các Trung tâm, các y bác sĩ được phân công theo dõi các đội tuyển cũng cần phải cập nhật thông tin về doping thường xuyên; phối hợp với Trung tâm Doping để cập nhật kịp thời các danh mục chất cấm mới. Công tác tuyên truyền phòng, chống doping cũng nên được tiến hành thường xuyên, liên tục với các VĐV để họ ý thức được rõ tác hại của doping có thể làm họ mất đi cả sự nghiệp để có các biện pháp phòng tránh cần thiết. Các vận động viên cũng cần phải có ý thức tuân thủ quy trình nghiêm ngặt ở đội tuyển, không tự dùng thực phẩm, thuốc bên ngoài khi không có ý kiến của HLV, bác sĩ theo dõi đội tuyển.

Các nước ký cam kết phòng chống doping tại SEA Games 31. Ảnh: Vũ Trọng Hải

Chuyên gia Dương Đức Thủy cho rằng, các huấn luyện viên, ngoài việc trang bị kiến thức cũng phải giám sát chặt chẽ quá trình sinh hoạt, chữa trị chấn thương của các vận động viên. Đặc biệt việc kiểm tra doping cũng nên được tiến hành thường xuyên tại các giải đấu trong nước, để các vận động viên hình thành ý thức về doping, tránh để các giải đấu quốc tế chịu “hậu họa” từ thói quen không kiểm soát từ các giải đấu trong nước. Từ năm 2021, chúng ta đã tăng cường kiểm tra doping tại các giải đấu trong nước nhưng cũng còn nhiều hạn chế, do không có phòng xét nghiệm doping đủ tiêu chuẩn, được WADA công nhận. Ngay như việc lấy mẫu kiểm tra doping tại SEA Games vừa qua, 911 mẫu xét nghiệm đã được các nhân viên của Trung tâm chia làm nhiều đợt, vất vả mang sang phòng xét nghiệm tại Bangkok (Thái Lan). Thế nên mong muốn về một phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn, sớm được vận hành để có thể thường xuyên tiến hành xét nghiệm kiểm tra doping tại các giải đấu trong nước, là ước mơ của giới chuyên môn nhằm góp phần giúp thể thao Việt Nam hạn chế vấn nạn doping đã đeo bám trong suốt gần chục năm qua.

Vận động viên một số nước cũng dương tính với doping

Trong thời gian thi đấu tại SEA Games, đã có 911 vận động viên của Việt Nam được lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên. Nhiều khả năng chúng ta cũng sẽ có vài vận động viên khó thoát khỏi án phạt này. Hiện tại WADA vẫn chưa có thông báo chính thức và việc xét nghiệm sẽ còn được tiến hành thêm mẫu B (nếu vận động viên có yêu cầu và phải chịu toàn bộ chi phí), sau khi mẫu A có kết quả dương tính. Tuy nhiên, không chỉ có vận động viên Việt Nam , SEA Games 31 cũng sẽ phải “đau lòng” chứng kiến án phạt dành cho vận động viên của một số quốc gia khác vì doping.

 

Ông Nguyễn Văn Phú cũng cho biết, trong thời gian tới các chương trình phòng, chống doping của thể thao Việt Nam sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. “Chúng ta cần đưa công tác kiểm tra doping vào tất cả các giải thể thao, các chương trình đào tạo VĐV để giảm thiểu vấn nạn này”, ông Nguyễn Văn Phú nhấn mạnh. Bên cạnh việc nâng cao ý thức cho các HLV, VĐV về doping, chúng ta cũng cần đưa ra các án phạt nghiêm khắc để làm bài học răn đe, nhất là với các VĐV đã biết mà vẫn cố tình sử dụng doping.

THU SÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top