Để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh

VHO- -Chỉ trong tháng 9 vừa qua, tính riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hiện nhiều vụ việc học sinh đánh nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tâm lý của các nạn nhân, cũng như môi trường giáo dục địa phương. Các vụ bạo lực học đường được phát hiện tại địa phương này phần lớn là do clip lan truyền trên mạng xã hội, chứ không phải ai tố giác. Trong đó có đến ba vụ nữ sinh đánh bạn của các trường cấp THCS mà nguyên nhân xuất phát chỉ là những mâu thuẫn, xích mích có thể nói là đơn giản.

Những nạn nhân của các vụ việc đã phải hứng chịu những vết bầm tím, bị thương phải nhập viện điều trị, nhưng những hoảng loạn, chấn động về tâm lý của các em còn đáng lo ngại hơn nhiều. TS Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế lý giải rằng, bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng ở lứa tuổi học sinh cấp THCS là độ tuổi dậy thì chưa ổn định, dễ nổi nóng, dễ bị tác động, lôi kéo nên chỉ cần một lý do đơn giản cũng dễ dẫn đến kích động, bốc đồng và phản kháng. Đó là một trong những nguyên nhân bạo lực học đường xảy ra ở lứa tuổi này. Ngoài ra, chính các em còn thiếu kỹ năng về phòng chống bạo lực học đường, chưa biết cách kiểm soát cảm xúc của mình cũng như kỹ năng giao tiếp văn hóa, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn. Vì vậy, khi xảy ra mâu thuẫn, các em không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác mà lại phản kháng dẫn đến hành vi bạo lực.

TS Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, để giải quyết vấn nạn này không thể ngày một ngày hai, không phải chỉ ở phía nhà trường mà cần có sự quan tâm của gia đình. Khi được cha mẹ, người thân quan tâm, các học sinh sẽ cảm thấy hạnh phúc thì cảm xúc của các em cũng sẽ giảm căng thẳng và giảm bớt tình trạng bạo lực học đường. Phía nhà trường, cần tăng cường tuyên truyền trong các buổi chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, chương trình ngoại khóa để chỉ rõ cho các em thấy được hậu quả của bạo lực học đường gây ra; giúp các em nhận thức và có lối ứng xử văn minh văn hóa, lành mạnh trong môi trường giáo dục.

Còn ở góc độ quản lý, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế vừa yêu cầu các cơ sở giáo dục thành lập Ban phòng chống bạo lực học đường ngay tại mỗi đơn vị, do thủ trưởng đơn vị làm trưởng ban và các thành viên là các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và mời thêm công an địa phương, đại diện Hội Cha mẹ học sinh làm thành viên và phân công rõ trách nhiệm của các thành viên để triển khai hiệu quả. Thiết lập kênh thông tin về bạo lực của các trường học như: Hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát, trang mạng xã hội… để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường. Thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm để theo dõi tình hình học sinh, quan tâm những học sinh yếu thế, kịp thời tư vấn và xử lý những tình huống mâu thuẫn giữa các học sinh… Ngoài công tác phòng ngừa, khi có vụ việc bạo lực học đường xảy ra, các cơ sở giáo dục cũng cần phối hợp cơ quan chức năng có biện pháp đủ mạnh xử lý các vụ việc để giáo dục, răn đe học sinh, và có những định hướng, giải pháp để phòng ngừa các hành vi bạo lực tái diễn.

Hy vọng với những giải pháp trên sẽ góp phần đẩy lùi, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, đừng để câu chuyện nhức nhối này phải để dư luận xã hội và báo chí cứ nói đi nói lại mãi.

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc