Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đảm bảo quá trình xét tặng NNND, NNƯT chặt chẽ, không gây khó dễ cho nghệ nhân

Thứ Ba 29/11/2022 | 13:40 GMT+7

VHO- Sáng ngày 29.11 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" (NNND), "Nghệ nhân ưu tú" (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh; các chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ phát biểu tại Hội nghị

Việc xét tặng được thực hiện công khai, minh bạch

Trình bày báo cáo tổng kết thực hiện Nghị định, ông Lê Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTTDL) cho biết ngày 25.6.2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để xét, tôn vinh và có chính sách đãi ngộ với các cá nhân đang nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành; có đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của đất nước. Triển khai thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP từ năm 2016 đến năm 2022, Bộ VHTTDL đã tổ chức được 3 đợt xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Kết quả có 131 NNƯT được phong tặng danh hiệu NNND và 1.750 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT. Việc tôn vinh danh hiệu đã góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và quan trọng hơn là truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản văn hoá phi vật thể mà họ đang nắm giữ; góp phần quan trọng vào sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc. Đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể nói riêng, di sản văn hoá nói chung.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ chủ trì Hội nghị

"Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể là văn bản có tính pháp lý và nhân văn sâu sắc, kịp thời ghi nhận và tôn vinh nghệ nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị xét tặng tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP rõ ràng, minh bạch, công khai, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát”, Phó Vụ trưởng Lê Ngọc Trung cho biết.

Cũng theo ông Lê Ngọc Trung, để công tác xét tặng được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng các quy định, quá trình xét tặng được thực hiện qua 3 cấp Hội đồng là Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước. Bộ VHTTDL với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng cấp Nhà nước đã nỗ lực thực hiện nghiêm các bước, quy trình xét theo hướng chủ động, khách quan, minh bạch nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nghệ nhân.

Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Lê Ngọc Trung trình bày báo cáo tổng kết thực hiện Nghị định

Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTTDL) cho biết thêm trên cơ sở ý kiến kiến nghị của các đại biểu tại Hội nghị cũng như các kiến nghị, đề xuất của các Sở VHTTDL, Sở VHTT địa phương, các Bộ, ban ngành, hội liên quan…  Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp, nghiên cứu để đề xuất, kiến nghị một số nội dung khi xây dựng Nghị định thay thế như về đối tượng xét tặng, tiêu chuẩn xét tặng, quy trình xét tặng tại Hội đồng các cấp… để công tác xét tặng được triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay; thật sự tôn vinh công lao trong công tác bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể của NNND, NNƯT; phát huy tài năng, sức sáng tạo của đội ngũ nghệ nhân trên cả nước.

Tránh chồng chéo Nghị định

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp về quá trình thực hiện 62/2014/NĐ-CP đã được lãnh đạo các Sở VHTTDL các địa phương nêu lên tại Hội nghị. Theo Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình Trương Thị Hồng Hạnh nhận định Nghị định 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể khi ra đời đã tạo không khí phấn khởi, là động lực để các nghệ nhân phấn đấu, tăng cường cống hiến. Thế nhưng quá trình thực hiện vẫn phát sinh một số bất cập xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi cần sớm có thay đổi.

Đại diện các Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương trình bày ý kiến đóng góp

“Nhiều trường hợp nghệ nhân gặp không ít khó khăn trong kê khai hồ sơ bởi biểu mẫu kê khai nặng về hành chính. Trong khi đó, các nghệ nhân nộp hồ sơ xin xét tặng hiện nay đều là những người cao tuổi. Có con cái kê khai hồ sơ thì chưa chắc họ đã hiểu hết những bí quyết mà nghệ nhân nắm được. Chính vì vậy xảy ra thực trạng đáng tiếc là dù nghệ nhân rất xứng đáng được xét tặng nhưng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu. Biểu mẫu cần sớm được nghiên cứu, thiết kế lại để nghệ nhân thuận tiện cho kê khai. Bản hướng dẫn cũng cần sớm được ban hành, nêu rõ yêu cầu kê khai để nghệ nhân, người nhà nghệ nhân nắm được, kê khai và hỗ trợ kê khai chính xác”, bà Trương Thị Hồng Hạnh đề xuất.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh Ninh Văn Thương cho rằng biểu mẫu khai hồ sơ NNND, NNƯT hiện nay khá nặng về hành chính và cần được tối giản để tạo điều kiện cho các nghệ nhân dễ dàng thực hiện: “Chúng ta phải tạo điều kiện tốt nhất để các nghệ nhân được vinh danh. Nếu có thể, phải nghiên cứu, tối giản thủ tục nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ để tránh tình trạng gây khó dễ cho các nghệ nhân”.

NSND Vương Duy Biên nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đề xuất ý kiến về Hội đồng xét tặng NNND, NNƯT

Ngoài vấn đề liên quan đến hồ sơ xét tặng, tại Hội nghị, lãnh đạo các Sở VHTTDL đều lưu ý hiện nay đang có sự chồng chéo giữa Nghị định 62/2014/NĐ-CP và 123/2014/NĐ-CP ngày 25.12.2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ (do Bộ Công thương là cơ quan thường trực trong công tác xét tặng). Theo đó qua thực tế công tác xét tặng cho thấy, đối tượng nghệ nhân nghề thủ công truyền thống vẫn có thể nộp hồ sơ xét tặng danh hiệu ở cả lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể do Bộ VHTTDL chủ trì công tác xét tặng (xét theo loại hình tri thức dân gian). Điều này dẫn đến việc 1 nghệ nhân hoàn toàn có thể có cùng danh hiệu NNND, NNƯT; gây sự bất cập, chồng chéo, trùng lặp trong công tác xét tặng do tiêu chí để xét danh hiệu 2 Nghị định này có những điểm khác biệt trong khi lại cùng hướng đến 1 danh hiệu vinh dự của nhà nước. Do đó cần sớm có sự thống nhất về vấn đề này.

Đối với việc thành lập Hội đồng xét tặng, NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trăn trở có nên chăng Hội đồng xét tặng NNND, NNƯT chỉ toàn nhà khoa học. Bởi lẽ NNND, NNƯT là lĩnh vực mang tính cộng đồng cao. Nghệ nhân đều là những người có uy tín trong cộng đồng nên phải suy đi, tính lại về thành phần. Làm sao để Hội đồng có đủ các đối tượng tham dự chứ không chỉ giới khoa học, như vậy sẽ đảm bảo bảo tính khách quan hơn.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định Nghị định 62 đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để động viên, khích lệ cộng đồng văn hoá thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá. Đặc biệt, Nghị định giúp các nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ở cấp cơ sở được truyền dạy, bảo vệ, tôn vinh những giá trị di sản văn hoá cho con cháu. Nghị định 62 cũng thể hiện cam kết chắc chắn của Việt Nam trong tôn trọng, phát huy vai trò của cộng đồng trong thực hành, bảo vệ di sản văn hoá.

Quy trình xét tặng NNND, NNƯT sẽ được Bộ VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp với thực tế. Ảnh: Q.Hiệp

“Qua 3 lần xét tặng, đã có rất nhiều nghệ nhân được tôn vinh, phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Đây không chỉ là danh hiệu mà còn tạo sự lan toả, động viên các nghệ nhân khác nỗ lực hơn nữa trong công cuộc bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc mình, tăng cường truyền dạy cho thế hệ mai sau”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nêu rõ.

Thứ trưởng cũng lưu ý việc Tổng kết Nghị định 62 chỉ là bước đầu tiên trong quy trình xây dựng Nghị định mới. Với Nghị định mới, trước mắt sẽ còn rất nhiều việc phải làm như xem xét, nghiên cứu dựa trên các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo.

Để Nghị định mới được xây dựng phù hợp với tính thực tiễn, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ một lần nữa khẳng định Bộ VHTTDL luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến và mong có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các Hội chuyên ngành để triển khai xây dựng, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 62; giúp việc xét tặng NNND, NNƯT khoa học, bài bản, đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tạo sự thuận lợi và bảo vệ tối đa quyền lợi chính đáng của các nghệ nhân.

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top