Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Lễ trao giải thưởng công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh ” năm 2022: Khi văn hóa tạo sức mạnh, dấu ấn bản sắc cho doanh nghiệp

Thứ Tư 30/11/2022 | 10:52 GMT+7

VHO- 24 doanh nghiệp đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lựa chọn sẽ được tôn vinh và trao chứng nhận Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam tại Diễn đàn quốc gia Văn hóa với doanh nghiệp năm 2022, diễn ra ngày 3.12 tới đây tại Hà Nội.

 

 Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp lần đầu tiên được tổ chức đã mang lại hiệu ứng tích cực

 Đây là hoạt động nhằm phổ biến về các điển hình tiên tiến trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, từ đó lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.

Đề cao đạo đức kinh doanh

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng BTC 248, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, Bộ tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tham gia xây dựng và có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, báo chí. Sau năm đầu tiên triển khai, Bộ tiêu chí đã có những sửa đổi phù hợp hơn. Theo đó, các doanh nghiệp triển khai Bộ tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam” phải đáp ứng 5 điều kiện bắt buộc: Không buôn lậu, không trốn thuế; Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; Không nợ lương và BHXH của người lao động; Không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; Không vi phạm pháp luật.

Các tiêu chí đánh giá mức độ đáp ứng của từng doanh nghiệp đối với Bộ tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam” gồm 5 nhóm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Trách nhiệm xã hội.

Cho biết Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” đã chọn 24 gương mặt doanh nghiệp xuất sắc để tôn vinh, theo ông Hồ Anh Tuấn: “Đây không phải là một bộ tiêu chí cứng mà được linh hoạt sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh thực tế. Tuy nhiên, dù có sửa đổi thế nào thì các yếu tố bất biến luôn được đề cao là tinh thần thượng tôn pháp luật và đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp”.

Nhóm tiêu chí “Thượng tôn pháp luật” gồm: Tuân thủ quy định của pháp luật; Chính sách an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp. Nhóm tiêu chí “Đạo đức kinh doanh” gồm: Công bằng và cạnh tranh lành mạnh, Uy tín trong kinh doanh. Các tiêu chí trong nhóm “Trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp cũng được nhấn mạnh. Có thể thấy, Bộ tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam” được triển khai đã trở thành “thước đo” sát thực. Những doanh nghiệp đáp ứng nhiều tiêu chí là những đơn vị đã được khẳng định uy tín, thương hiệu, luôn đề cao yếu tố đạo đức kinh doanh và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

 Tọa đàm về tiếp biến văn hóa, nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế tại Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp năm 2021

Văn hóa tạo sức mạnh cho doanh nghiệp

Câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp đã không còn xa xôi mà trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững tại các doanh nghiệp hiện nay.

Năm 2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong 10 doanh nghiệp được tôn vinh “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh”. Tại Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh được Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh gần đây, bà Vũ Thị Thu Hương, đại diện Tập đoàn chia sẻ, 10 năm qua (2012 -2022), dù trải qua rất nhiều thăng trầm, thậm chí khủng hoảng nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn không bị đánh gục, kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi giá dầu thô giảm mạnh, đó là nhờ sức mạnh của văn hóa. Khi biến cố xảy ra thì yếu tố văn hóa được đưa ra như một giải pháp quan trọng để gây dựng, phục dựng lại doanh nghiệp.

Thông điệp “Văn hóa là sức mạnh nền tảng của doanh nghiệp” có lẽ được cảm nhận rõ rệt trong các hoạt động, hành trình của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tập đoàn đã phê duyệt “Đề án tái tạo Văn hóa Petrovietnam” và thành lập BCĐ triển khai, thể hiện tinh thần quyết tâm xây dựng văn hóa Petrovietnam, chú trọng xây dựng văn hóa bản sắc, xây dựng hình ảnh “người Dầu khí” với 4 giá trị cốt lõi: Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình.

“Đề án tái tạo văn hoá Petrovietnam” sau khi phê duyệt được cụ thể hoá bằng các nhiệm vụ hằng năm để triển khai trong toàn Tập đoàn. Việc hoàn thiện Cẩm nang văn hóa Dầu khí cũng là bước đi quan trọng trong công tác xây dựng văn hoá Petrovietnam, bằng các mục tiêu cụ thể, chi tiết điều chỉnh các hành vi thường xuyên của người lao động, đặc biệt là tinh thần nêu gương của lãnh đạo để củng cố niềm tin, tình đồng chí, đồng nghiệp. Trên cơ sở Cẩm nang văn hóa, Sổ tay văn hóa Petrovietnam đã được xây dựng, phê duyệt làm tài liệu triển khai, thực hiện trong toàn Tập đoàn.

Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, công tác tuyên truyền xây dựng văn hóa doanh nghiệp được triển khai với nhiều cách thức đa dạng, kết hợp truyền thông nội bộ, truyền thông công chúng; sử dụng mạng xã hội để tạo ảnh hưởng đa chiều đối với cán bộ, nhân viên Tập đoàn. Thông qua các cuộc thi được tổ chức rộng khắp, các đoàn thể đã góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Petrovietnam. Cùng với đó, công tác đào tạo được chú trọng triển khai, đáp ứng kế hoạch đề ra thông qua việc định hướng các chương trình đào tạo như: “Phương pháp tái tạo văn hóa doanh nghiệp”; văn hóa nền tảng “Quản trị cuộc đời”; “7 Thói quen hiệu quả”, “Tốc độ niềm tin” version 4.0 của FranklinCovey; khoá học “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp dầu khí”, “Làm việc từ xa hiệu quả trong đại dịch Covid-19”... Các khóa học đã tạo thay đổi chuyển biến nhận thức, hướng từng cá nhân đến tầm nhìn, sứ mệnh của Petrovietnam; đồng bộ nhận thức về vai trò văn hóa doanh nghiệp, từ đó chuyển biến hành vi theo hướng chuyên nghiệp, tích cực.

Xây dựng, định hình, phát huy sức mạnh nền tảng của văn hóa trong hành trình phát triển, khẳng định uy tín, thương hiệu trong bối cảnh hiện nay đã không còn là câu chuyện của riêng một doanh nghiệp nào. Chia sẻ về dấu ấn văn hóa kết tinh tại doanh nghiệp, ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết: “Ngay khi thành lập doanh nghiệp, chúng tôi đã tạo ra slogan để theo đuổi, đó là: “Nghĩ khác biệt - Làm khác biệt”. Ý tưởng này cũng chính là sự khác biệt tạo dấu ấn văn hóa cho doanh nghiệp”. Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh, uy tín và thương hiệu được dựng xây từ các giá trị văn hóa chính là tài sản vô giá mà doanh nghiệp luôn chắt chiu, gìn giữ. 

 Tạo sức lan tỏa nội dung “Bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”

Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BTC 248 (BTC triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam), Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, văn hóa kinh doanh chính là bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng và hình thành một cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh, trường tồn và một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững.

Ông Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, Bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh đã được công bố và ban hành ngày 14.7.2021. Sau khi Bộ tiêu chí được ban hành, BTC 248, Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và các địa phương đăng cai, tổ chức Hội nghị triển khai tại các khu vực Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng, khu vực Đông Bắc, nhằm phổ biến, tuyên truyền, tạo sức lan tỏa nội dung của bộ tiêu chí. “Chúng tôi trân trọng đề nghị lãnh đạo các địa phương, Ban, ngành cùng vận động các doanh nghiệp hướng tới thực hiện Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, để xây dựng một đội ngũ doanh nhân, một lực lượng doanh nghiệp với những chuẩn mực văn hóa văn minh, hội nhập, góp phần xây dựng kinh tế bền vững. Đó cũng là hình ảnh của địa phương, hình ảnh của quốc gia”, ông Hồ Anh Tuấn bày tỏ.

 MINH NGỌC; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top