Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nâng tầm vị thế Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông

Thứ Tư 30/11/2022 | 10:28 GMT+7

VHO - Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông được tổ chức UNESCO chính thức công nhận vào tháng 7.2020. Danh hiệu này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông nói riêng, Việt Nam nói chung, góp phần nâng tầm các giá trị di sản của địa phương, quốc gia thành di sản chung của toàn nhân loại. Mới đây, Đắk Nông đã tổ chức thành công Hội nghị quốc tế hang động và núi lửa lần thứ 20 (ISV20), đây là cơ hội tốt để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa - những di sản địa chất tầm cỡ quốc tế trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Quá trình xây dựng CVĐCTC Đắk Nông

Năm 2014, từ những công bố phát hiện về hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô của các nhà khoa học Nhật Bản, tỉnh Đắk Nông quyết tâm xây dựng CVĐC Đắk Nông theo mô hình và định hướng phát triển tham gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Sau khi có cơ sở khoa học và nhận thấy tiềm năng phát triển thành CVĐC toàn cầu, tháng 12.2015, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định thành lập CVĐC Đắk Nông với diện tích đề cử hơn 4.700 km2, CVĐC Đắk Nông trải dài qua 6 huyện, thành phố gồm: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, Krông Nô và TP. Gia Nghĩa.

CVĐCTC UNESCO Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, trải dài qua địa bàn 6 huyện, thành phố 

Mục tiêu là giáo dục cộng đồng, bảo tồn di sản và phát triển bền vững kinh tế, xã hội của địa phương thông qua hoạt động du lịch của CVĐC. Tỉnh Đắk Nông kỳ vọng sẽ xây dựng CVĐC Đắk Nông trở thành CVĐC toàn cầu. Đồng thời, tỉnh phối hợp với các nhà khoa học tiến hành thực hiện các đề tài: “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng CVĐC khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông”; Điều tra, khảo sát bổ sung làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện hồ sơ CVĐC Đắk Nông để đăng ký gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

Các chuyên gia nước ngoài khảo sát hang C7 ở huyện Krông Nô (Đắk Nông) - hang động dài nhất Đông Nam Á với chiều dài 1240m

Tháng 7.2018, các chuyên gia thẩm định sơ bộ đánh giá tiềm năng đã xác định CVĐC Đắk Nông có tiềm năng trở thành CVĐC, với chủ đề chính là “Xứ sở của những âm điệu”. Tiếp đó, tháng 11.2018, tỉnh Đắk Nông chính thức đệ trình hồ sơ xin đăng ký gia nhập mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

Sau quá trình thẩm định, tháng 9.2019, Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO họp tại Indonesia, thống nhất đề cử hồ sơ CVĐC Đắk Nông lên tổ chức UNESCO xem xét, công nhận là CVĐC toàn cầu vào Kỳ họp Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 tại Pháp vào tháng 4.2020.

PGS.TS PGS. TS Trần Tân Văn, thành viên Hội đồng CVĐCTC UNESCO cho hay, yêu cầu của Mạng lưới CVĐCTC UNESCO là tất cả các CVĐC thành viên đều phải khác nhau và CVĐC Đắk Nông cũng tương tự như vậy. Cái khác của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là trong khi các CVĐC miền Bắc phần lớn là vùng đá vôi, chiếm diện tích đến một nửa, thậm chí là 60- 70%, trong khi đó, ở Đắk Nông lại hơn một nửa diện tích là đá phun trào bazan. Đặc biệt, Đắk Nông có một hệ thống núi lửa rất trẻ, sản sinh ra một hệ thống hang động núi lửa đồ sộ, đặc sắc nhất khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện di cốt người có niên đại 6000 – 7000 thuộc thời kỳ Văn hóa Hòa Bình trong CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

“Khu vực CVĐC Đắk Nông có hàng trăm hang động núi lửa, nhưng cho đến nay chỉ có khoảng 50 hang động núi lửa đã được điều tra, khảo sát và đo vẽ. Trong đó, có 1 cái hang dài đến hơn 1 km và tổng chiều dài các hang động cho đến nay được đo vẽ đã lên đến hơn 10.000m. Đặc biệt nhất so với toàn thế giới cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm ra các di chỉ khảo cổ của người tiền sử, có cả bộ di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa. Qua đánh giá được biết rằng, đó là di cốt người tiền sử từ cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm thuộc Văn hóa Hòa Bình. Đây là điểm rất độc đáo, đặc sắc chưa có nơi nào ở trên thế giới phát hiện ra”, PGS.TS Trần Tân Văn nói.

Giới thiệu, quảng bá CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đến bạn bè quốc tế

Từ khi được công nhận danh hiệu đến nay, Đắk Nông cơ bản hình thành hệ thống cơ sở vật chất phát triển du lịch tại các điểm, tuyến được hình thành trong CVĐC bao gồm các điểm đỗ xe, chòi dừng chân, hệ thống pano quảng bá trên các tuyến đường, biển bảng chỉ dẫn đến các điểm di sản, điểm tham quan của CVĐC; CVĐC toàn cầu Đắk Nông tham gia đầy đủ các sự kiện thường niên do Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và CVĐC quốc gia tổ chức.

Mới đây nhất, tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị quốc tế hang động và núi lửa lần thứ 20 (ISV20) và Hội thảo 15 năm phát triển CVĐCTC UNESCO ở Việt Nam. Hội nghị có sự tham gia của Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế; Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Tổng thư ký Mạng lưới CVĐCTC và khoảng 150 nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và thế giới. Đây là cơ hội để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa - những di sản địa chất tầm cỡ quốc tế trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đây còn là dịp để tỉnh Đắk Nông học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lần đầu tiên Hội nghị quốc tế Hang động và núi lửa tổ chức ở Đắk Nông đã nâng tầm CVDCTC Đắk Nông nói riêng, Việt Nam nói chung 

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh: “Việc chủ động đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa khẳng định quyết tâm của tỉnh Đắk Nông trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất. Đây là cơ hội tốt để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa - những di sản địa chất tầm cỡ quốc tế trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đây còn là dịp để tỉnh Đắk Nông học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực về CVĐC, hang động núi lửa. Việc tỉnh Đắk Nông đăng cai Hội nghị ISV20 đánh dấu cột mốc mới trong hợp tác khoa học giữa Việt Nam với các quốc gia có hệ thống hang động trên thế giới, giữa CVĐCTC UNESCO Đắk Nông với Hiệp hội Hang động quốc tế nói chung và Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế nói riêng và với các thành viên thuộc Mạng lưới CVĐCTC. 

“Mặc dù là thành viên còn rất trẻ trong Mạng lưới CVĐCTC, nhưng việc tỉnh Đắk Nông được lựa chọn để đăng cai hội nghị quan trọng này đã nâng cao vị thế của địa danh Đắk Nông với bạn bè quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực về bảo tồn và khai thác bền vững các di sản địa chất. Thông qua hoạt động này sẽ giúp tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất (có dấu vết của văn hóa người tiền sử) mang tầm quốc tế trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông; thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, nâng cao thêm giá trị của hệ thống hang động, giá trị văn hóa đặc trưng; chia sẻ kinh nghiệm, góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản mang tầm quốc tế của tỉnh Đắk Nông, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước”, Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định.

 CVĐCTC UNESCO Đắk Nông ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học và du khách quốc tế

Theo Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, từ khi được công nhận đến nay, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp du lịch, du khách trong và ngoài nước. Được sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia UNESCO, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch CVĐC gồm: “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của sự đổi thay”, “Âm vang từ Trái đất”, với 44 điểm di sản.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình khai thác, vận hành hiệu quả và rất cần có những chính sách phát triển phù hợp. Bởi, các nội dung xây dựng CVĐCTC là một nhiệm vụ mới và tỉnh Đắk Nông chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển theo các tiêu chí, định hướng của UNESCO. Không những vậy, việc xây dựng và phát huy danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông cần một nguồn kinh phí đầu tư lớn. CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đang tập trung triển khai thực hiện 16 lĩnh vực ưu tiên của Mạng lưới CVĐCTC UNESCO, nhất là cải thiện hình ảnh, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, năng lực quản lý và tăng cường hợp tác trong nước và hội nhập quốc tế.

NGỌC HÒA

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top