Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tiếp xúc cử tri tại Kon Tum, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: Phải giữ cho bằng được văn hóa của đồng bào Xơ Đăng bản địa

Thứ Năm 01/12/2022 | 19:00 GMT+7

VHO - Hôm nay 1.12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông và xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum).

Hội nghị tiếp xúc cử tri tại xã Ngọc Tem

Dự Hội nghị có Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum U Huấn; các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum; lãnh đạo tỉnh Kon Tum; đại diện các Sở, ban, ngành tỉnh và huyện Kon Plông, Kon Rẫy cùng đông đảo cử tri hai xã.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri xã Ngọc Tem

Muốn phát triển phải dựa vào văn hóa

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã thông tin đến cử tri kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 20.10 đến ngày 15.11.2022). Theo đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua 6 Luật: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); 13 Nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự); tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn và xem xét nhiều vấn đề quan trọng khác.

Tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri, đông đảo cử tri bày tỏ quan điểm thống nhất cao với kết quả của kỳ họp, mong muốn Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện các quyết sách để phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân sau đại dịch Covid-19.

Đông đảo cử tri xã Ngọc Tem tham dự Hội nghị

Cử tri xã Ngọc Tem kiến nghị tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường bê tông, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế gia đình; mong muốn tỉnh Kon Tum điều chỉnh giá đất khung đền bù, hỗ trợ cho người dân vì hiện tại giá đất đền bù tại địa bàn xã còn thấp. Ngoài ra, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh mức hỗ trợ đối với lực lượng dân quân tự vệ, Ban chỉ huy quân sự xã; đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế hỗ trợ cho chế độ bán trú cho học sinh DTTS ở những xã đạt chuẩn nông thôn mới, tạo điều kiện duy trì sĩ số học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS và có chính sách phù hợp hỗ trợ thẻ BHYT đồng bào DTTS ở những xã nông thôn mới, bởi sau khi đạt chuẩn, những chính sách hỗ trợ trước đó đã bị cắt…

Cử tri xã Ngọc Tem mong muốn tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông quan tâm đầu tư đường bê tông đi khu sản xuất cho người dân

Cử tri xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy mong muốn chính quyền các cấp đầu tư kinh phí để khôi phục các ngành nghề truyền thống của đồng bào DTTS nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hội nghị tiếp xúc cử tri xã Đăk Kôi

Phát biểu tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ vui mừng khi thấy đời sống của bà con đồng bào DTTS ở 2 xã Ngọc Tem, Đăk Kôi ngày càng được nâng cao. Bộ trưởng cho rằng, mong muốn của một đại biểu Quốc hội khi đến một địa bàn đó là nhìn thấy đời sống nhân dân được ngày càng sung túc, đầy đủ, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, các thiết chế văn hóa, hạ tầng cơ sở ngày càng hoàn thiện. Đó là thành quả của sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực vươn của nhân dân ở trên từng địa bàn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri xã Đăk Kôi

Chia sẻ với chính quyền và đông đảo cử tri về vấn đề xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-văn hoá, xã hội ở địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, TƯ vừa tổng kết Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trên cơ sở đó, BCH TƯ đã ban hành Nghị quyết 19 về nông  nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết có rất nhiều nội hàm mới, đó là nông nghiệp phải sinh thái, nông thôn phải hiện đại, nông dân phải thông minh. Những quan điểm lớn như thế để chúng ta soi lại một xã thuần nông để cùng nhau có cách làm. Nói như thế để chúng ta thấy phải biến Nghị quyết  vào  cuộc sống, cụ thể hóa nó phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.

Bộ trưởng cho rằng, nhiệm vụ chính của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân ở đây là phải tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ nông nghiệp nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái.

Cử tri quan tâm nhiều vấn đề thiết thực

“Tới đây, Sở NN&PTNT, Phòng Nông nghiệp sẽ hướng dẫn cách làm, nông dân sẽ bắt tay vào làm. Có thể khái niệm nông nghiệp sinh thái chúng ta chưa quen nhưng bản chất của nó là cân bằng với hệ sinh thái, tạo sự phát triển bền vững và đưa thành chuỗi giá trị. Như vậy phải có sự liên kết, liên doanh, cân bằng để phát triển. Phải dồn đất đổi thửa, tạo vùng sản xuất chuyên canh, có như thế mới tạo ra mô hình, và khi có mô hình mới tạo ra được mô hình liên kết hợp tác và tiến tới kinh tế hợp tác xã. Nhiều địa phương đã bắt đầu đi lên từ cái này, phải có thương hiệu, xây dựng sản phẩm thương hiệu, qua đó nông dân mới làm giàu lên được”, Bộ trưởng gợi ý.

Bộ trưởng cho biết thêm, không có gì hơn bằng kinh nghiệm thực tiễn ứng dụng khoa học công nghệ. “Chúng tôi mong muốn cách định hướng như vậy để rồi có một sự chuyển biến rất mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành nông nghiệp của xã theo hướng bền vững hơn và đi theo hướng nông nghiệp sinh thái. Cái này đòi hỏi quá trình, nhưng phải thực sự làm thì mới ra kết quả”, Bộ trưởng nói và cho biết: “Rất nhiều địa phương chuyển đổi, thay vì người ta trồng rừng thì chuyển sang trồng bưởi, trồng cây mác ca nhưng phải có địa chỉ, phải có liên kết, phải có cách làm. Cái này chúng ta phải khảo cứu, tranh thủ thêm ý kiến chuyên môn là ngành nông nghiệp để hoạch định và hướng dẫn cho đồng bào với phương châm mô hình nhỏ đến liên kết sản xuất thì mới phát triển. Có như vậy, các chỉ tiêu về thu nhập, việc làm, đời sống mới có chuyển biến thay đổi và về đích nông thôn mới”.

Trao đổi ở góc độ văn hóa, Bộ trưởng cho biết, không phải ngẫu nhiên mà Đảng, Nhà nước ta đặt văn hóa ngang với kinh tế và chính trị. Trong các phát biểu gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ liên tục đề cập đến các luận điểm này và khẳng định “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Chúng ta cần thấy được sự phát triển văn hóa trong tính bền vững. Kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế chứ không phải văn hóa chỉ là văn nghệ, văn nghệ chỉ là một  biểu hiện của văn hóa. Nếu xem văn hóa là chỉ những tiết mục văn nghệ là nhận thức chưa đầy đủ. Cho nên phải ưu tiên phát triển văn hóa là vì vậy.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhắc lại sự kiện ông được Thủ tướng Chính phủ cử tham gia Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa và phát triển bền vững được tổ chức tại thủ đô Mexico diễn ra cuối tháng 9.2022 do UNESCO và Chính phủ Mexico phối hợp tổ chức với sự tham gia của 161 quốc gia. Hội nghị quốc tế tầm cỡ này rất quan tâm đến văn hóa, đề cao các giá trị văn hoá trong sự phát triển đa dạng và người ta đặt ra mệnh đề “muốn phát triển phải dựa vào văn hóa” và văn hóa mới là trụ cột của phát triển.

Bộ trưởng đề nghị, cấp ủy, chính quyền địa phương phải quan tâm hơn, phải song hành giữa kinh tế và văn hóa, đặt văn hóa là động lực của sự phát triển như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021.

“Tôi mong, cấp ủy, chính quyền địa phương phải giữ cho được văn hóa của đồng bào Xơ Đăng bản địa. Khi nhắc tới bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số thì chúng ta phải giữ gìn, tôn tạo nhà rông, cồng chiêng, dân ca dân vũ, lễ hội…Tất nhiên không phải tất cả lễ hội, nhưng những lễ hội có yếu tố tích cực,lan tỏa được giá trị tốt đẹp thì chúng ta nên  bảo  tồn, phát huy. Nếu làm được như thế thì chúng ta cũng sẽ tạo ra được những điểm đến, biến làng của người Xơ Đăng trở thành làng “sáng – xanh – sạch – đẹp”, thu hút du khách, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tôi mong, cấp ủy, chính quyền địa phương phải giữ cho được văn hóa của đồng bào Xơ Đăng bản địa. Khi nhắc tới bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số thì chúng ta phải giữ gìn, tôn tạo nhà rông, cồng chiêng, dân ca dân vũ, lễ hội… Tất nhiên không phải tất cả lễ hội, nhưng những lễ hội có yếu tố tích cực,lan tỏa được giá trị tốt đẹp thì chúng ta nên  bảo  tồn, phát huy. Nếu làm được như thế thì chúng ta cũng sẽ tạo ra được những điểm đến, biến làng của người Xơ Đăng trở thành làng “sáng – xanh – sạch – đẹp”, thu hút du khách.

(Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Kon Tum có rất nhiều thế mạnh để làm du lịch cộng đồng, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, đẩy lĩnh vực này lên. Dẫn ví dụ về làng du lịch Chiềng Châu, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), Bộ trưởng cho hay từ một bản làng chỉ trồng cây mận là chủ lực trong phát triển kinh tế, đến nay bản làng này đã biết làm du lịch cộng đồng và đời sống dân làng đổi thay đáng kể.

“Người ta chỉ dựa vào văn nghệ của làng, những tiết mục dân ca, dân vũ để thu hút du khách. Rồi khách du lịch lưu trú trong những căn nhà của đồng bào theo hình thức homestay. Du khách vừa khám phá trải nghiệm, vừa được thưởng thức, vừa được ở cùng với nhân dân. Đó là cách đi đúng hướng và bản làng phát triển rất khác so với trước đây chỉ trồng mận. Bây giờ khi mùa hoa mận nở thì bán vé cho du khách vào check-in. Rất nhiều cách làm mà giữ được văn hóa, nói cách khác đó là kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, không chỉ đề cập sâu sắc các vấn đề về  văn hoá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng còn gợi mở nhiều vấn đề nóng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân một cách thuyết phục, được đông đảo các cử tri nhiệt liệt hoan nghênh

Bộ trưởng thông tin thêm, theo Đề án 06 Bộ sẽ cấp cho tỉnh Kon Tum 26 tỉ đồng. Trong 26 tỉ này có nhiều hoạt động và một trong trong số đó là hỗ trợ cho việc thành lập và duy trì các đội văn nghệ truyền thống của thôn, làng. Sắp tới, Bộ VHTTDL sẽ giao cho Vụ Văn hóa dân tộc làm việc với Sở VHTTDL Kon Tum để thành lập và hỗ trợ cho đội văn nghệ ở xã Đăk Kôi.

Chia sẻ với cử tri, Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL vừa phối hợp với Hội đồng lý luận TƯ, Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức Hội thảo về hệ giá trị Việt Nam, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Qua đó, Bộ VHTTDL mong muốn tinh thần đó phải được lan tỏa, chúng ta phải chú ý về xây dựng hệ giá trị của gia đình, cái nôi của phát tích văn hóa và nuôi dưỡng tâm hồn con người.

Trao tặng nhà tình nghĩa cho đồng bào nghèo

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum trao nhà tình nghĩa cho hộ gia đình ông A Oang ở xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum trao nhà tình nghĩa  cho hộ gia đình bà Y Bé ở xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trao tặng, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ dân A Oang ở thôn Điek Chè, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông và hộ bà Y Bé, xã Đăk Côi, huyện Kon Rẫy. Đây là 2 trong số 14 hộ gia đình ở  7 huyện trên địa bàn tỉnh được trao tặng nhà tình nghĩa trong năm 2022 do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum vận động nguồn kinh phí xã hội hóa (700 triệu đồng), cùng với sự hỗ trợ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và sự đóng góp, hỗ trợ thêm của chính quyền địa phương. Mỗi căn nhà có diện tích khoảng 70 m2 gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách. Trong 980 triệu của tổng 14 căn nhà tình nghĩa, 700 triệu đồng từ nguồn tài trợ chương trình "Tết cho người nghèo" của Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum hỗ trợ ngày công xây dựng khoảng 20 triệu đồng/căn và sự đóng góp của các ban ngành, đoàn thể xã và hộ gia đình tham gia đối ứng. 

Bộ trưởng thăm và kiểm tra chất lượng công trình

Tại 2 hộ gia đình được trao tặng nhà tình nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã ân cần hỏi thăm sức khỏe, động viên hộ dân chăm lo phát triển kinh tế gia đình, góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thôn, làng. Bộ trưởng cho rằng, việc huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ xây nhà tình thương cho hộ nghèo đồng bào DTTS của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum là hoạt động thiết thực, góp phần giúp đồng bào khó khăn về nhà ở có được căn nhà kiên cố, ổn định cuộc sống, an tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ân cần thăm hỏi, động viên hộ gia đình ông A Oang, xã Ngọc Tem

Ngồi trong căn nhà kiên cố mới xây, ông A Oang phấn khởi nói: “Hai vợ chồng già năm nay đã 80 tuổi, tuổi già sức yếu, không còn sức lao động, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau thì lấy đâu ra tiền mà xây nhà ở. Có trong mơ già cũng không bao giờ nghĩ sẽ có ngày được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cùng bộ đội, chính quyền địa phương giúp xây nhà mới để ở như bây giờ. Già cảm ơn nhiều lắm!”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao 50 suất quà cho 50 hộ nghèo ở 2 huyện Kon Plông và Kon Rẫy (mỗi huyện 25 suất, trị giá mỗi suất 1 triệu đồng)

Cũng trong dịp này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trao tặng 50 suất quà cho 50 hộ nghèo ở 2 huyện Kon Plông và Kon Rẫy (mỗi huyện 25 suất), mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng.

NGỌC HÒA; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top